"Sợ không dám ngủ" vì bọ xít hút máu người phát tán khắp nơi
Mùa hè là thời điểm các loại côn trùng độc hại như bọ xít hút máu người sinh sôi nảy nở. Đặc điểm của loại động vật này đó là sống bằng máu và chỉ hút khi vật chủ ngủ yên, không động đậy.
PGS.TS Trương Xuân Lam – Trưởng phòng Côn trùng học Thực Nghiệm – Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ Việt Nam – Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật nhận định, hiện tại, bọ xít hút máu người đã có mặt trên tất cả các quận huyện ở Hà Nội với xu thế phát tán ngày càng sâu rộng, thời gian lâu hơn, số người bị đốt tăng đột biến. Cụ thể hiện loại bọ xít này đã xuất hiện ở các khu vực như: Mê Linh, Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Đông, Tây Hồ, Hoàng Mai...
Theo ông Lam, bình thường các năm khác, phải tới tháng 6, Viện mới nhận được các cuộc gọi thông báo của người dân về sự xuất hiện của "vị khách không mời" này tuy nhiên tới năm nay, từ cuối tháng 4, đã có hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn thành phố gọi điện thông báo có bọ xít hút máu xuất hiện trong gia đình mình.
Sơ đồ ghi nhận sự xuất hiện của loài bọ xít hút máu trên địa bàn Hà Nội
Đảo lộn sinh hoạt vì bọ xít hút máu người
Anh Trần Tuấn (sống ở Liễu Giai, Hà Nội) kể: “Mấy ngày nay, chân tôi xuất hiện 3 vết cắn nổi mẩn đỏ và ngứa. Nhớ lại cách đây vài ngày, tôi dẫm phải một con bọ xít dài khoảng 2,3 cm, tôi thấy máu từ thân con vật này chảy ra khá nhiều trên sàn nhà. Để ý, thi thoảng lại thấy một con bọ xít bò chậm chạp, dễ bắt xuất hiện trên giường. Khi tra trên mạng, tôi thấy con bọ này y hệt với loại bọ xít hút máu người”.
Kể từ khi thấy những vị khách lạ này, anh quyết định "di cư" hai con về nhà ông bà ngoại vì: "Mình bị chúng cắn còn thấy đau huống hồ là bọn trẻ. Dù hơi bất tiện nhưng mình vẫn quyết tâm gửi con về nhà ngoại để hai vợ chồng cùng nhau dọn dẹp lại nhà cửa".
Bọ xít hút máu người thường di chuyển chậm chạp, hoạt động vào ban đêm từ 1-3 giờ sáng
Anh Tâm nhà ở Phương Mai, Hà Nội lo lắng khi phát hiện ra vài con bọ xít trong nhà. Anh nói: "Vợ chồng tôi 'lật tung' cả giường lên thì tóm được 4 con, chẳng hiểu còn sót con nào nữa không? Nếu để mọi người biết tin nhà mình có bọ xít hút máu chắc chẳng ai dám đến chơi".
Một trường hợp khác, chị Bích Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, một hôm đang ngủ chị bị tỉnh giấc do trời quá nóng, chị bất ngờ phát hiện ra một con bọ xít màu xám đen, vòi chính dài cứng nhọn đang đậu ngay trên bắp tay chị. Giật mình, chị đập con bọ xít thì thấy có nhiều máu chảy bết ra tay. Ngoài ra chị còn thấy 3 con đang di chuyển bên thành giường.
Từ ngày đó, chị ngủ không ngon giấc dù đã dọn dẹp kẽ giường khe tủ trong nhà. Chị tâm sự: "May mình tỉnh dậy đúng lúc nên nốt đốt chưa sưng lên. Mình rất lo nếu một lần không may bị đốt lâu chắc dễ nhập viện quá"...
Cần cảnh giác bọ xít hút máu người
PGS.TS Trương Xuân Lam cho biết, đúng là hiện nay bọ xít hút máu người xuất hiện rất nhiều trên địa bàn Hà Nội. Bình thường cứ vào mùa 5, 6, 7, loại bọ xít này bắt đầu sinh sôi nảy nở, mỗi lần đẻ trứng trung bình khoảng 200 trứng. Đặc tính của chúng là thường trú ẩn ở những nơi ẩm thấp, bỏ hoang, có vải vụn, gỗ mục, chuột bọ. Chúng thường tụ thành từng ổ từ vài chục đến vài nghìn cá thể cùng một nơi. Con trưởng thành có kích thước từ 1,9 đến 2,4 cm. Tuổi đời của loài này sống được hơn 1 năm. Chúng sống được nhờ máu người và máu động vật.
Khi được phát tán, chúng thường di chuyển đến sống gần người. Ẩn nấp tại các khe giường, bàn ghế, quần áo và đặc biệt là các khe giường phòng ngủ. Ban ngày chúng thường lẩn trốn, ban đêm chúng mới bò ra đốt và hút máu người. Bọ xít hút máu khi ở gần người luôn chủ động tấn công, đốt và chích hút máu vì chúng luôn cần thức ăn cho sự sinh sản và phát triển.
Khi bị bọ xít tấn công, chúng sẽ để lại những vết thương trên cơ thể người như sưng tấy, phù, ngứa, thậm chí có nhiều trường hợp gây sốt rất cao, li bì nguy hiểm tới tính mạng. Sau khi hút máu người, con cái sẽ đẻ trứng sau 1 – 2 ngày, trứng của chúng nhỏ nên khó phát hiện bằng mắt thường. Khoảng nửa tháng sau sẽ nở thành cá thể bọ xít non.
PGS Lam kể, có lần nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện thấy có hơn 8.000 cá thể bọ xít hút máu trong 1 gia đình nhỏ. Theo PGS Lam, loại côn trùng này hiện chưa có thuốc đặc trị, loại thuốc diệt côn trùng muỗi gián dường như không có hiệu quả với bọ xít hút máu. Thêm vào đó, loại động vật này không có loài thiên địch trong tự nhiên. Đặc tính của loài bọ xít hút máu này đó là chúng thường xâm nhập vào khu vực giường ngủ, hút máu người khi người đã ngủ say. Chúng thường tấn công con người vào lúc nửa đêm. Khi đốt, chúng tiết ra một loại chất gây tê nên chúng ta thường không cảm nhận được gì. Thời gian hút máu kéo dài 14-15 phút.
Con bọ xít này đang mệt mỏi vì đói
Khi bị hút máu, vật chủ sẽ bị sưng phồng lên tại chỗ đốt, nhiều trường hợp bị hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng
Khi bị hút máu, vật chủ sẽ bị sưng phồng lên tại chỗ đốt, nhiều trường hợp bị hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng
Bọ xít hút máu thuộc họ Reduviidae là họ bọ xít bắt mồi thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera), lớp côn trùng (Insecta). Trong họ này, (Reduviidae) phần nhiều là côn trùng có ích, chuyên săn bắt côn trùng khác để ăn; song cũng có một số loài là những loài bọ xít hút máu, có kim chích dài ba đốt, rất khỏe. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu...
Nếu thấy chúng xuất hiện trong nhà, bạn cần dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Bên cạnh đó, bạn cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên dọn dẹp phòng ngủ, giường, ga gối, đệm.
Nếu bị bọ xít hút máu người đốt, bạn nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi, nặn máu tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.