Sở hữu những đặc điểm sau, bạn là "bố mẹ độc hại"
Nếu có những dấu hiệu này thì bạn chính là kiểu cha mẹ “độc hại” đang ảnh hưởng xấu tới con.
Vừa muốn con cái thương yêu mình lại vừa muốn con phải sợ hãi mình
Với kiểu cha mẹ này thì tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ tương đối căng thẳng, bởi vì ngoài sự yêu thương ra con cái còn phải cố gắng chú ý đến hành vi của cha mẹ để đoán tâm trạng của họ. Trẻ sống trong một gia đình như thế sẽ trở nên rất nhạy cảm, trẻ sẽ học cách để tìm hiểu tâm trạng của cha mẹ thông qua tiếng động của chìa khóa rơi, hay tiếng bước chân trên cầu thang. Những đứa trẻ này sẽ liên tục sống trong sự sợ hãi và lo lắng, không biết điều gì sắp xảy ra.
Những bậc cha mẹ này thường hay phản ứng dữ dội trước những việc không hài lòng, họ luôn cảm thấy con cái của mình không hiểu chuyện. Thường xuyên phàn nàn rằng: “Cha mẹ đã làm rất nhiều cho con, nhưng con vẫn không biết ơn cha mẹ”.
Chỉ trích mọi hành động của con
Mọi bố mẹ đều muốn những điều tốt nhất cho con, nhưng nói rằng con luôn sai không phải là cách dạy con lành mạnh. Quá tiêu cực sẽ khiến trẻ không có sự tự tin và động lực để thử những điều mới mẻ. Trẻ con mắc sai lầm và học từ những sai lầm ấy là chuyện bình thường và cha mẹ nên hiểu điều đó. Phán xét quá đà không phải là cách hay. Cha mẹ nên tìm sự cân bằng giữa phản hồi tích cực và tiêu cực, ủng hộ thay vì làm nhụt chí con.
Ảnh minh họa.
Mỗi lần trò chuyện với bố mẹ con đều cảm thấy rất tồi tệ
Bố mẹ luôn "trên cơ", luôn giáo huấn, luôn tìm lỗi sai của con khiến con luôn có cảm giác "nghẹt thở" khi nói chuyện. Con cái cảm thấy sợ hãi mỗi khi có cơ hội nói chuyện với cha mẹ như vậy. Những suy nghĩ của cha mẹ làm cho con cái cảm thấy căng thẳng, những ký ức đau đớn quay về, năng lượng tiêu cực tăng cao…
Nếu bạn thấy con có những biểu hiện như vậy, hãy lập tức thay đổi để gần gũi, cởi mở, chân thành, nhiều yêu thương hơn. Còn nếu là con có cha mẹ độc hại, xin hãy nhớ rằng đó không phải là lỗi của con cái. Do vậy, thay vì hận thù cha mẹ mình thì hãy giải phóng bản thân và cố gắng đấu tranh để thay đổi họ từng chút mỗi ngày, hoặc ít nhất luôn ý thức được bản thân đừng bao giờ trở thành một người như cha mẹ mình.
Không cho phép con thể hiện suy nghĩ và cảm xúc
Chúng ta ai cũng có những lúc vui lúc buồn. Giãi bày mọi suy nghĩ và không kìm nén những cảm xúc tiêu cực là điều rất quan trọng. Những cuộc trò chuyện ấy có thể ngăn chặn các chứng bệnh tâm thần và thể chất. Dạy trẻ với thái độ "con trai không được khóc" là rất không lành mạnh. Khóc và thể hiện cảm xúc giúp trẻ trở nên biết thông cảm, quan tâm và yêu thương trong tương lai. Kìm nén mọi cảm xúc có thể dẫn đến trầm cảm và cô đơn.
Vì vậy, nếu bạn là một phụ huynh, hãy động viên con lên tiếng về cảm nhận của mình.
- Đề cao ý nguyện của bản thân và không quan tâm đến cảm xúc hay quan điểm của con trẻ
- Thường có cảm xúc quá khích, giận dữ, phản ứng thái quá, thất thường.
- Hà khắc với con cái, đánh đập, chỉ trích, bắt lỗi, ít hoặc không khen ngợi con.
- Thao túng tinh thần, đổ lỗi, không chịu thừa nhận lỗi lầm của mình và dùng những lý lẽ tốt đẹp để ngụy biện cho những lỗi lầm đó.
- Không tôn trọng sự riêng tư của con, xâm phạm đời sống cá nhân của con cái, đưa ra những lời khuyên hoặc sự giúp đỡ, mặc cho con cái có cần hay không.
- Dựa dẫm vào con cái quá mức, thường xuyên áp đặt lên con cái những vai trò vốn dĩ là của cha mẹ.