Sở hữu 64 tỷ đô la, tỷ phú từng soán ngôi Bill Gate lại chung thủy đến khó tin với người vợ "sắp đặt", hành động sau khi bà qua đời mới đáng nói
Sau khi cưới, cặp đôi có hành trình tuần trăng mật đến 40 ngày ở nhiều nước khác nhau như Anh, Hy Lạp, New York, Ý, Tây Ban Nha, Pháp.
Muốn biết một người đàn ông có si tình hay không, đừng nghe anh ta nói mà hãy nhìn vào cách anh ta làm. Đôi khi, tình yêu được thể hiện từ những chi tiết nhỏ nhất. Dù là một người làm kinh doanh, tỷ phú giàu có với tài sản hàng chục tỷ đô vẫn muốn bước vào thế giới nghệ thuật bởi ở đó, ông được đồng điệu cùng tâm hồn người vợ xinh đẹp.
Sự thành lập của một đế chế, dùng tên vợ đặt cho công ty
Tài phiệt ngành viễn thông Mexico Carlos Slim Helu hiện là người giàu thứ 4 thế giới với khối tài sản ròng 64 tỷ đô la. Ông từng soán ngôi Bill Gate để lên xếp thứ nhất vào năm 2010 và được mệnh danh là “Quý ngài độc quyền” ở đất nước Nam Mỹ.
Thông thường, các tỷ phú sẽ có vô vàn “ong bướm” vây quanh, chuyện hai, ba vợ cũng chẳng phải hiếm. Tuy nhiên, ông trùm này lại khiến người ta xuýt xoa vì mối tình trọn đời với cô vợ ít hơn 8 tuổi.
Carlos là người Lebanon nhập cư Mexico, sinh ra trong gia đình làm kinh doanh. Cô gái Soumaya Domit Gemayel khi đó cũng có gốc gác gia đình tương tự. Khi ấy, căn nhà của hai gia đình chỉ cách nhau có vài khu phố.
Thật trùng hợp làm sao, mẹ của Soumaya - Lili Gemayel là bạn thân của mẹ Carlos. Khi đó, hai bà luôn có ý định gán ghép hai đứa trẻ vào nhau để mối quan hệ hai nhà thân càng thêm thân.
Cô nàng Soumaya hồi mười mấy tuổi đã sở hữu nhan sắc cực kỳ nổi bật và am hiểu sâu sắc nghệ thuật điêu khắc. Anh chàng Carlos mê mẩn Soumaya ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bởi vậy khi nghe lời đề nghị từ hai nhà đã đồng ý ngay lập tức việc cưới con gái bạn mẹ về làm vợ.
Ấy vậy nhưng phải đến năm 1966, cô gái trẻ mới quyết định đồng ý kết hôn với anh chàng Carlos. Năm đó, cô dâu mới 18 còn chú rể 26 tuổi. Cùng năm đó, ông thành lập công ty đầu tiên Grupo Carso.
Từ Carso chính là ghép những chữ cái đầu của tên Carlos và Soumaya mà thành. “Đứa con” đầu tiên trong sự nghiệp cũng lấy cảm hứng từ tên vợ. Chừng đó thôi cũng đủ biết, ngài tỷ phú xem trọng cô vợ trẻ và mối quan hệ của cả hai đến mức nào.
“Anh muốn bước vào thế giới của em để hiểu và yêu em nhiều hơn”
Soumaya sinh trưởng trong một gia đình danh giá. Trước khi lấy chồng, dù nhỏ tuổi nhưng cô đã chìm đắm trong thế giới nghệ thuật điêu khắc và tìm hiểu sâu về vấn đề này.
Sau khi cưới, cặp đôi có hành trình tuần trăng mật đến 40 ngày ở nhiều nước khác nhau như Anh, Hy Lạp, New York, Ý, Tây Ban Nha, Pháp. Đến đâu, họ cũng đi tham quan các viện bảo tàng và ngắm nghía nhiều tác phẩm điêu khắc để đời.
Nhưng Soumaya đâu biết được rằng, trước khi cưới hai năm, chồng cô đã tự đi đến nhiều nước châu Âu thăm thú trước để hiểu hơn về sở thích của cô gái mình yêu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Telegraph, Carlos xúc động tâm sự: “Vợ tôi, cô ấy rất nhạy cảm với nghệ thuật. Trong tuần trăng mật, chúng tôi đi đến rất nhiều phòng trưng bày nhưng từ năm 1964, tôi đã đến đó một mình rồi”.
Nói đến việc tự mình tìm hiểu về những tác phẩm nghệ thuật, “quý ngài độc quyền” không ngần ngại tiết lộ lý do.
“Vợ tôi có thể đứng hàng giờ liền để chiêm ngưỡng và thưởng thức một tác phẩm hội họa. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng, nếu như muốn ở bên cạnh người phụ nữ đáng yêu đó, tôi cần phải hiểu và chấp nhận thế giới của cô ấy”.
Đúng là “vì em, anh nguyện yêu luôn cả thế giới quanh em”. Người đàn ông si tình sau đó đã mua rất nhiều tranh của các họa sĩ Mexico, Tây Ban Nha, Pháp, Ý… về sưu tập và cũng là để vợ được thỏa thuê ngắm nhìn chúng.
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng đã có với nhau 6 người con, ba con trai, ba con gái. Từ vợ, Carlos cũng có niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật và xem việc được ngắm nghía chúng là một cách để giảm stress.
Sau khi lấy chồng, bà Soumaya cũng có nhiều lời khuyên trong chuyện làm ăn cho chồng. Người phụ nữ thông thái còn được mệnh danh là “cánh tay phải” bên cạnh ông trùm ngành viễn thông Mexico.
Bỏ ra 1,6 nghìn tỷ xây bảo tàng mang tên vợ
Soumaya và chồng Carlos đã có cuộc sống hạnh phúc hơn 30 năm bên nhau. Tuy nhiên, bà Soumaya đã mắc bệnh suy thận và qua đời vào năm 1999 ở tuổi 51.
Ông Carlos bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự ra đi của vợ. Ngay sau khi nghe tin người vợ yêu quý của tỷ phú giàu nhất Mexico qua đời, hàng loạt doanh nhân và chính trị gia ngay lập tức đến nhà Carlos để chia buồn.
Vực dậy từ nỗi đau mất vợ, Carlos quyết định tiếp tục những dự án mà bà còn dang dở. Ông thậm chí còn công khai phát biểu rằng suốt đời sẽ không tái hôn vì chẳng thể ai có thế thay thế vị trí Soumaya được nữa.
Từ năm 1994, những viên gạch đầu tiên của viện bảo tàng Museo Soumaya đã được đặt xuống nhưng đến năm 2011, nó mới được mở cửa công khai, phi lợi nhuận. Giờ đây, những người dân Mexico không đủ tiền đi Mỹ hay châu Âu vẫn có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đắt giá ngay trên chính quê hương mình.
Đây là bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Mỹ Latin và mất 70 triệu đô la (1,6 nghìn tỷ đồng) xây dựng. Bảo tàng này trưng bày nhiều tác phẩm mà Carlos đã dày công sưu tầm từ những thập niên 1960, giai đoạn mà ông và bà Soumaya bắt đầu vẽ nên câu chuyện tình tuyệt đẹp.
Hiện tại, ông Carlos đã rút dần khỏi công việc kinh doanh và chia cho các con nắm quyền. Hằng ngày, ông vẫn vui vầy bên các cháu và tìm hiểu thêm về các tác phẩm nghệ thuật. Dù bà Soumaya qua đời đã 20 năm nhưng vẫn không có người phụ nữ nào xuất hiện bên cạnh Carlos. Ông thực hiện đúng lời hứa, giữ nguyên vẹn tình yêu cả đời, không chấp nhận ai bước chân vào nữa.
Đúng là có những cuộc tình khiến người ta cảm động mãi không thôi. Vì vợ, tỷ phú Carlos mới tìm hiểu đến nghệ thuật. Với ông, mỗi sự phát triển, mỗi bước tiến trong sự nghiệp đều có hình bóng vợ góp sức. Cuộc đời, chỉ mong gặp được người có tình yêu vĩ đại như thế. Vì vợ, ông đã tìm hiểu về nghệ thuật, làm tiếp những việc thiện, ước nguyện đang còn dang dở.
Đôi khi, sự giàu có không quyết định xem anh ta có bao nhiêu người yêu, bao nhiêu cô vợ. Cái chính đến từ chính tấm lòng và sức nặng của tình yêu son sắt. Tình yêu một đời, nghe thật đẹp đẽ và cũng thật cao quý biết bao nhiêu!
Theo The Telegraph, Articlebio