Số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều
Nếu như trong tháng 4-2019, toàn thành phố chỉ ghi nhận khoảng 10 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì trong những tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2019, số ca mắc đã tăng lên khoảng 70-80 ca/tuần.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 5-2019, cả nước đã ghi nhận hơn 67.000 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến ngày 14-6, đã ghi nhận 502 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 168 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã.
Nếu như trong tháng 4-2019, toàn thành phố chỉ ghi nhận khoảng 10 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì trong những tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2019, số ca mắc đã tăng lên khoảng 70-80 ca/tuần.
Theo chu kỳ, dịch bệnh này thường tăng vào các tháng mùa hè. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, hiện bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vì thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Đáng chú ý, kết quả giám sát vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết tại một số khu vực trọng điểm trên địa bàn Hà Nội những năm qua như: Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)… cho thấy, đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ gây dịch bệnh thời gian gần đây.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương lưu ý, về đặc điểm dịch tễ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên bệnh sốt xuất huyết đã thay đổi nhiều so với trước đây. Nếu như trước đây, bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực có mùa mưa kéo dài, nhiệt độ cao, thì nay bệnh đã xuất hiện khắp cả nước, xuất hiện quanh năm. Bên cạnh đó, trước đây, số ca mắc chủ yếu là trẻ em, thì hiện cả trẻ em và người lớn đều mắc.
"Những trường hợp tử vong, phần lớn là do bệnh nhân chủ quan, đến viện muộn. Hơn nữa, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở những người đã có sẵn bệnh như: Tiểu đường, bệnh tuyến giáp... hay phụ nữ có thai thường khá nặng, đòi hỏi phải xử lý đặc biệt, điều trị sớm. Bộ Y tế đang nghiên cứu phác đồ điều trị mới để phù hợp với những biến đổi của bệnh sốt xuất huyết thời gian gần đây", giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính cho biết thêm.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khuyến cáo, sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…
Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, không được tự mua thuốc về điều trị bởi khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, thì việc điều trị sẽ phức tạp, khó cứu chữa.
Để biết con đường lây lan bệnh sốt xuất huyết, cách phòng ngừa bệnh, xem thêm tại đây.