Số ca F0 tăng mạnh, một số trường ở Hà Nội chuyển sang học online

PV (T/h),
Chia sẻ

Dù mới chỉ trở lại trường học ít ngày sau Tết, nhưng một số trường/lớp đã cho học sinh chuyển sang học online vì nhiều học sinh là F0.

Tính đến hôm nay 15/2, toàn bộ học sinh lớp 7-12 tại 30 quận, huyện đã đi học trực tiếp, bên cạnh đó, học sinh từ lớp 1-6 tại 18 huyện, thị ngoại thành cũng đến trường từ 10/2. Tuy nhiên, do số ca mắc Covid-19 trong trường học tăng vọt nên nhiều trường/lớp đã chuyển sang hình thức học online.

Chia sẻ với VietNamNet, bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, tính đến ngày 15/2, trường có 37 lớp học có F0 và chuyển sang học trực tuyến, trên tổng số 76 lớp từ khối 7 đến 12. Toàn trường có 111 trường hợp F0, trong đó có 9 giáo viên, nhân viên; 63 học sinh THPT và 39 học sinh THCS.

"Con số này đã tăng lên nhiều hơn so với một vài ngày trước bởi một số lớp khi chuyển học online vẫn báo cáo về ban giám hiệu rằng có thêm F0", bà Dương nói.

Với yêu cầu chung của Sở GD-ĐT và TP. Hà Nội, nhà trường vẫn mở cửa, lớp nào không có F0 vẫn đi học bình thường. "Nhưng có lớp sĩ số 25 thì đến ngày hôm qua 14/2 đã có đến 13 F0", bà Dương nói.

 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Lớp 7A6 trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) cũng nhận được thông báo từ cô giáo chủ nhiệm: "Do tình hình F0, F1 ở lớp có dấu hiệu tăng. Được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, bắt đầu từ chiều nay lớp sẽ chuyển sang hình thức học online để đảm bảo an toàn cho các học sinh. Kính nhờ phụ huynh nhắc nhở các con chuẩn bị thiết bị kết nối, đồ dùng sách vở đầy đủ và vào học đúng giờ theo link Zoom của lớp".

Còn Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) tính đến ngày 12/2 cũng đã có 17 trường hợp học sinh mắc Covid-19, rải ở cả 3 khối 7,8,9 (khối 6 chưa đi học theo lịch chung toàn TP Hà Nội); trong đó lớp 8A7 có 4 học sinh. Số học sinh các lớp có F0 đi học trực tiếp cũng ít hơn rất nhiều so với sĩ số ngày thường.

Tại huyện Hoài Đức (ngoại thành Hà Nội), bà Nguyễn Kim Dung, Hiệu trưởng trường THCS Đông La cho biết: "Đến nay, trường đã có 18 học sinh và 2 giáo viên mắc Covid-19. Trường có tất cả 26 lớp thì rải rác mỗi lớp có một vài học sinh là F0, về cơ bản khối nào cũng có. Với những học sinh F0, F1 thì đương nhiên sẽ học trực tuyến".

Bà Dung cho hay, qua nắm bắt thông tin, các phụ huynh cũng đang rất lo cho con em mình, nhất là các học sinh khối lớp 6 do chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

 - Ảnh 2.

Nhiều phụ huynh lo lắng khi con mình chưa được tiêm vắc xin (ảnh minh hoạ)

Trong chuyến kiểm tra việc mở cửa trường học tại tỉnh Thanh Hóa mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, quan điểm chung của ngành Giáo dục là phối hợp với ngành Y tế là nhất quán, cương quyết, kịp thời trong việc mở cửa trường học từ mầm non cho tới ĐH. “Hiện nay, người lớn đã đi làm, các khu công nghiệp đã mở cửa, đường phố đi lại bình thường… Tất cả các hoạt động đã bình thường trong tình hình mới, không có lí do gì để trường học không mở cửa hoạt động. Học sinh dù đã tiêm vắc xin hay chưa đều phải cần đến trường”, ông nói.

Theo Bộ trưởng, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và việc ứng phó với dịch bệnh trong trường học bởi vậy không phải chuyện một sớm, một chiều. Do đó, rất cần sự nhất quán trong chỉ đạo, sự chuẩn bị chu đáo, hiểu biết, thái độ và nhận thức đúng về dịch bệnh; sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình cũng rất quan trọng.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, khối mầm non, tiểu học đã có 63/63 địa phương lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2/2022. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7 đến ngày 14/2/2022.

Khối THCS đã có 57 địa phương cho học sinh đi học trực tiếp từ 8/2. Các tỉnh còn lại cũng cho học sinh đi học trong tháng 2. Đặc biệt, khối THPT cả 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp từ hôm nay. 100% cơ sở giáo dục ĐH có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ đầu tuần tới.

Tổng hợp

Chia sẻ