Số ca đột quỵ do tắm khuya gia tăng

NHƯ LOAN/ VTC News,
Chia sẻ

Sau tắm khuya, người đàn ông đau đầu, ý thức chậm, nhanh chóng đi vào hôn mê, đến viện được chẩn đoán đột quỵ, chảy máu não.

Sau tắm đêm, người đàn ông 42 tuổi, quê Hải Dương bất ngờ đau đầu, ý thức chậm, sau đó đi vào hôn mê. Anh được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Mặc dù đã được hồi sức cấp cứu tích cực, tuy nhiên tổn thương đột quỵ chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu, sau đó tử vong.

Một trường hợp khác, người đàn ông 45 tuổi, ở Hà Nội tiền sử khoẻ mạnh, sau tắm khuya cũng đau đầu, đến viện trong tình trạng hôn mê. Kết quả chẩn đoán cho thấy xuất huyết não với khối máu 90 cm3. Bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não. Hiện bệnh nhân vẫn phải điều trị tích cực, duy trì thở máy, tiên lượng rất nặng.

Số ca đột quỵ do tắm khuya gia tăng - Ảnh 1.

Hình ảnh phim chụp cho thấy khối máu tụ bán cầu phải với thể tích khoảng 90 cm3. (Ảnh: BVCC)

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, thời gian gần đây, đơn vị tiếp nhận liên tiếp các bệnh nhân bị đột quỵ. So với năm ngoái, mùa đông năm nay số ca đột quỵ nhập viện đang gia tăng.

Thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, thói quen tắm khuya, một vấn đề phổ biến ở Việt Nam, trở thành nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc.

Cả 2 trường hơp trên đều là những người bệnh khá trẻ, không có bệnh lý mạn tính, tai biến xảy ra sau khi tiếp xúc với lạnh đột ngột, để lại di chứng nặng nề và đe dọa tính mạng người bệnh. Điều đáng tiếc này có thể không xảy ra nếu chúng ta biết cách phòng tránh hợp lý.

Cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả trong mùa lạnh

Đột quỵ được xem là bệnh lý cấp tính, hay xảy ra rất đột ngột và hậu quả thường gây tử vong hay tàn phế về sau. Tuy nhiên, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Cần lúu ý một số điều sau:

1. Giữ ấm cơ thể: Việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng. Bạn cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Khi tham gia hoạt động thể chất, bạn nên mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ bớt và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể. Nếu đang hoạt động ngoài trời lạnh và thấy mình đổ mồ hôi, như vậy cơ thể đang bị quá nóng và không ổn, nhất là đối với người có bệnh tim mạch thì tốt nhất nên nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác và vào ngay trong nhà.

2. Kiểm soát huyết áp: Đo huyết áp định kỳ, nhất là với người có tiền sử tăng huyết áp.

3. Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo, đường, muối.

4. Vận động thường xuyên: Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức. Bởi khi trời lạnh, cơ thể chúng ta phải gắng sức hơn bình thường nhằm giữ nhiệt độ cơ thể ổn định. Do vậy, việc đi bộ nhanh hơn bình thường gặp khi gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể cũng đã là gắng sức.

5. Hạn chế rượu bia, thuốc lá: Những thói quen này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

6. Khám sức khỏe định kỳ: Chủ động tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các yếu tố nguy cơ để đề phòng đột quỵ mùa lạnh.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ theo nguyên tắc "FAST"

Các dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh cũng tương tự như các dấu hiệu thông thường. Bạn có thể dựa theo nguyên tắc FAST để nhận biết đột quy, bao gồm:

F (Face - Mặt): Khuôn mặt lệch, tê hoặc yếu một bên.

A (Arms - Tay): Yếu hoặc không nâng được một bên tay.

S (Speech - Lời nói): Nói khó, nói lắp hoặc không hiểu lời nói.

T (Time - Thời gian): Cấp cứu ngay lập tức, vì thời gian vàng trong 6 giờ đầu quyết định hiệu quả điều trị.

Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các triệu chứng khác như đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thị lực hoặc mất thăng bằng đột ngột.

Chia sẻ