Bối cảnh của những bức hình nằm trong chiến dịch One Shot on
Cyber Bullying (tạm dịch là một bức ảnh hăm dọa trên mạng) của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc được dàn dựng trong trường học, nơi những đứa
trẻ đang giơ những chiếc smartphone chụp lại khoảnh
khắc không hay của bạn mình. Mọi chuyện xảy ra sau đó chắc hẳn ai cũng biết, ảnh
sẽ được tung lên mạng xã hội cho một cơ số người biết khiến cho nhân vật chính
sống dở chết dở.
Trong ảnh đầu tiên, 3 cô gái đang giơ điện thoại chụp một cô
bạn có thân hình mũm mĩm trước sự quan sát của một bạn gái khác. Nạn nhân lúc
này chỉ biết ôm ngực đứng im mà không thể có bất kỳ phản ứng nào. Thông điệp được
truyền tải ở đây là “chỉ một bức ảnh là đủ”, cái đủ ở đây chính là khiến người
ta sợ hãi và rơi vào trạng thái cô lập. Điều đó cực kỳ nguy hiểm.
Ở trường học, các cô gái có thân hình mũm mĩm không bình thường thường xuyên được lấy ra làm chủ đề mổ xẻ khiến họ ngày càng mất tự tin vào bản thân.
Bức ảnh thứ hai xảy ra ở nhà ăn của trường học. Một cậu học sinh lỡ tay làm đổ khay đồ ăn và cũng bị các bạn khác chĩa điện thoại vào chụp. Nhìn khung cảnh này, không ít người liên tưởng tới một vụ xử bắn tội phạm. Ánh mắt sợ sệt và chỉ biết cúi đầu của cậu học trò nhỏ cũng đủ cho ta thấy tầm ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Theo Unicef, bắt nạt trên mạng là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh trầm cảm rồi dẫn đến tự tử ở trường học.
Smartphone và mạng xã hội đang bào mòn tính nhân văn của một đại bộ phận giới trẻ. Tay vì giúp đỡ, một số người chỉ biết đứng nhìn, chụp ảnh lại và tung lên mạng rồi lấy đó làm trò tiêu khiển.
Tấm hình cuối cùng cũng có nội dung tương tự nhưng diễn ra ở sân bóng rổ. Nạn nhân bị bắt nạt chỉ ôm đầu và quay lưng về phía máy ảnh như một sự chống chọi bất lực. Những thành viên không tham dự cuộc “xử bắn” cũng chỉ biết đứng nhìn. Một lần nữa, tính bè phái trong các trường học lại được nhắc đến.
Những cảnh tượng không ai muốn chứng kiến trong môi trường học hỏi điều hay lẽ phải.
Chiến dịch One Shot on Cyber Bullying của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã thắng giải thưởng báo chí đồng thời trở thành một trong 14 chương trình hành động vì xã hội xuất sắc nhất năm 2014-2015. Có thể thấy, những bức ảnh được đưa lên đây chỉ là 3 trong số vô vàn tình huống bắt nạt trên mạng diễn ra trên khắp thế giới, và nếu như không có ai dám lên tiếng thì những nạn nhân nhỏ bé và mong manh kia sẽ mãi là kẻ "chịu trận" trong cô độc.
Rất nhiều ý kiến được đưa ra bình luận về chiến dịch của Unicef. Một người dùng mạng xã hội viết: "Người tồi tệ nhất chính kẻ cứ đứng đó và không làm gì cả".
Tạm kết, smartphone chính là niềm tự hào của ngành công nghệ khi mở ra cho người dùng cả một thế giới thông tin và kiến thức bao la ngoài kia, nhưng có một điều ai cũng nên nhớ là nếu bạn có smartphone trong tay, hãy sử dụng chúng đúng cách và đừng bao giờ giết chết lòng tự trọng của bất cứ ai.