Sinh viên thành công chinh phục Big 4 thú nhận: Lương trăm triệu không sai nhưng thiếu khâu chuẩn bị là trượt từ "vòng gửi xe"
Hiện nay, Big 4 được xem là điểm đến ước mơ của các bạn sinh viên kinh tế. Đây không chỉ là môi trường làm việc quốc tế đầy chuyên nghiệp mà còn giúp các bạn trẻ tích lũy kinh nghiệm và vốn sống cần thiết.
Nếu là dân Kinh tế (đặc biệt là dân trường Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân...) bạn nhất định sẽ biết đến cụm từ "trong mơ". Đó là Big 4.
Big 4 là tên gọi chung cho 4 công ty kiểm toán đa quốc gia hàng đầu thế giới bao gồm: Deloitte, Ernst and Young (EY), KPMG và Price Waterhouse Cooper (PwC). Môi trường làm việc quốc tế, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến, văn hóa doanh nghiệp... khiến việc gia nhập các công ty này trở thành mục tiêu của nhiều bạn trẻ.
Dưới đây là một số bạn trẻ đã truyền cảm hứng về câu chuyện đi làm của mình. Cùng nghe những lời chia sẻ của họ để hiểu hơn về công việc cũng như hành trình để đến với Big 4 nhé!
Hành trình từ "zero" đến Big 4
Đó là câu chuyện của anh chàng Lê Công Minh (hiện đang du học chương trình Quản lý quốc tế tại Ý). Minh quyết định đến Ba Lan làm công việc quản lý dự án cho Deloitte tại khu vực Trung Âu - một trong các chi nhánh của tập đoàn được mệnh danh là "Big 4 ngành kiểm toán thế giới". Tất nhiên không phải ngẫu nhiên mà anh chàng vèo một phát lên thẳng chức quản lý dự án mà đằng sau đó là cả một hành trình dài.
Công Minh vốn không phải kiểu sinh ra đã là "con nhà người ta". Năm 18 tuổi, nam sinh trải qua cú sốc khi bị hạnh kiểm Khá, trượt đại học. Một năm trời theo học trường không thực sự mong ước đã khiến Minh nhận ra nhiều điều.
Lê Công Minh du học Thạc sĩ chương trình Quản lý quốc tế tại Ý.
Sau khi dành một năm trải nghiệm với các công việc và hoạt động từ thiện, anh chàng quyết tâm thi lại và thi đỗ vào Học viện Ngân hàng. Sau đó 3 tháng, anh chàng apply làm thực tập sinh tại một ngân hàng nổi tiếng. Ở tuổi 19, Minh được vào làm chính thức tại Hội sở với vai trò chuyên viên.
Ở thời điểm ấy, Minh là trường hợp hiếm hoi (và gần như duy nhất) được nhận vào làm việc chính thức trong ngân hàng sớm như thế. Đến mức khi đăng tải câu chuyện lên, anh chàng còn bị nhiều người cho rằng nói quá về bản thân. Sau khi tốt nghiệp đại học, Minh được nhận vào quản lý công nghệ của một công ty nổi tiếng. Đang trên đà sự nghiệp thăng tiến, Minh lại đột ngột đến Ý học chương trình Quản lý quốc tế khi đạt được học bổng toàn phần.
Trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, Công Minh được nhận vào làm Deloitte ở Ba Lan - một trong các chi nhánh của tập đoàn được mệnh danh "big 4 ngành kiểm toán thế giới". Chỉ sau 1 tháng thử việc, Minh đã được mời làm vị trí quản lý dự án công nghệ. Hiện tại, công việc chính của Minh là xây dựng kế hoạch, phân công công việc và điều phối nhân sự trong các dự án để mọi người phối hợp với nhau tạo được kết quả tốt nhất.
Đang có công việc mức lương tốt, Công Minh quyết định từ bỏ để sang Ý du học.
Cùng chung với mục tiêu đỗ vào Big 4, nữ sinh Thái Doanh Nghi (sinh năm 1999) đã thành công vào làm ở Deloitte trụ sở TP. Chicago (Mỹ) khi mới chỉ là sinh viên năm 3 ngành kiểm toán ở Đại học DePaul. Cô bạn là du học sinh Mỹ và suốt 3 năm đại học, Nghi luôn đạt thành tích tối đa GPA 4.0/4.0 ở các học kỳ.
Lựa chọn theo học ngành Kiểm toán hay thi tuyển vào Big4 không phải dự định ngay từ ban đầu khi bước chân vào giảng đường Đại học của Doanh Nghi. Trong 2 năm đầu đại học, để tìm ra ngành mà bản thân thật sự yêu thích, cô bạn trải nghiệm nhiều lớp khác nhau trong ngành Business. Đến cuối năm 2, cô bạn tình cờ học một lớp Kiểm Toán.
Nữ sinh Thái Doanh Nghi (SN 1999) hiện đang là du học sinh Mỹ ngành Kiểm toán.
Lúc học lớp này, Nghi thấy hào hứng mỗi khi giải bài tập, giáo sư cũng hỏi có dự định chuyển ngành sang Kiểm Toán không. Đến đầu năm ba thì DePaul mời cô bạn vào chương trình học miễn phí mùa hè của ngành Kiểm Toán, nữ sinh quyết định nắm bắt cơ hội này và theo học luôn ngành này.
Năm 3 đại học, khi đặt mục tiêu thi tuyển vào Big 4, Doanh Nghi đã lên "dây cót" chuẩn bị tham gia thi tuyển. Cô bạn tham gia các sự kiện nghề nghiệp online ở trường. Nhờ những buổi event đó, Doanh Nghi học hỏi được rất nhiều tips hay để viết hồ sơ và trả lời phỏng vấn. Trong thời gian này, cô bạn đi tạo các mối quan hệ với các anh, chị đã tốt nghiệp từ DePaul mà đang làm ở Big4 thông qua thầy cô ở trường. Từ đó, Doanh Nghi mở rộng các mối quan hệ của mình cũng như học thêm các kỹ năng nghề nghiệp khác.
Để trúng tuyển vào công ty Big4 Doanh Nghi cùng các bạn ứng viên khác đều phải vượt qua 2 vòng phỏng vấn khó nhằn. Cô bạn nhớ lại: "Vòng 1, mình phỏng vấn với một chú trưởng phòng đã làm việc lâu năm. Chú ấy hỏi mình các câu hỏi liên quan tới kinh nghiệm mình ghi trong hồ sơ và một vài tình huống liên quan. Chú không cười đến cuối buổi luôn nên mình cũng nghĩ là tiêu rồi.
Ngày hôm sau, mình phỏng vấn lần 2 với chú làm quản lý cấp cao. Chú ấy hỏi về các câu hỏi tình huống như là: 'Bạn đã từng gặp khó khăn trong việc làm nhóm chưa? Và bạn giải quyết việc đó như thế nào?'. Chú ấy thì ngược lại, cười mỉm cả buổi nên mình không nhìn ra được chú ấy đang cảm thấy như thế nào về câu trả lời của mình hết.
Sau 2 vòng phỏng vấn thì mình được nhận", cô bạn hào hứng chia sẻ.
Tin vui đỗ Big 4 đến với Nghi cũng rất bất ngờ. Thông thường, các công ty sẽ thông báo kết quả trong vòng 1-3 ngày là ít nhất. Nhưng chỉ ngay chiều hôm đó, khi đang ngồi trên xe để đi ăn vì hoàn thành phỏng vấn, cô bạn đã nhận được cuộc điện thoại thông báo trúng tuyển.
"Do mình có bật mí với người phỏng vấn là ngay ngày hôm sau mình sẽ bay về Việt Nam thăm gia đình (cuối tháng 3/2021), nên chú ấy nói chú ấy gọi sớm để thông báo kết quả luôn vì sợ mình về Việt Nam lại không nhận điện thoại được" - nữ sinh Gen Z kể lại.
"Mình chưa bắt đầu kỳ thực tập nhưng đã ký hợp đồng với công ty. Thực tập sinh được trả $33/h cho full-time intern chưa gồm lương tăng ca và các phúc lợi khác. Thực tập tại Deloitte làm việc 8 tiếng, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Một tháng sẽ làm khoảng 160h".
Theo chia sẻ của Doanh Nghi, mức lương full-time intern sẽ rơi vào khoảng $5280/tháng (khoảng hơn 120 triệu/tháng). Nhân viên đa phần sẽ làm online tại nhà, chỉ một vài ngày mới phải lên văn phòng.
Và bí quyết của họ là gì?
Để trúng tuyển vào Big 4, Công Minh khuyên các bạn ứng viên cần có thái độ chuyên nghiệp và sự chuẩn bị kĩ càng. Sự "chuẩn bị" ở đây là cần hiểu bản thân đang apply cho vị trí nào, công ty đang cần gì và bạn có phù hợp với tiêu chí công ty không. Các công ty đa quốc gia cũng rất đề cao đến thái độ tự tin, cởi mở của ứng viên khi họ mong muốn nhân viên được thoải mái và là chính mình.
Bên cạnh sự chuyên nghiệp và áp lực cạnh tranh hay đồn đại về các công ty Big 4, điều Minh ấn tượng nhất ở công ty là tinh thần cố gắng giúp đỡ nhân viên mới hoà nhập. Anh chàng chia sẻ câu chuyện vui: "Hồi xưa ở Việt Nam, mặc dù trong team có các bạn nước ngoài nhưng mình vẫn quen nói chuyện bằng tiếng Việt. Nhiều bạn không hiểu tiếng bản địa sẽ rất khó giao tiếp. Dần điều này tạo thành thói quen, làm cho mình cũng có chút e ngại khi làm ở Ba Lan vì không thạo tiếng. Nhưng đến khi vào làm, mọi người vẫn chuyên nghiệp lắm.
Như khi có một nhóm đồng nghiệp đang nói chuyện bằng tiếng Ba Lan, nếu thấy mình đi qua họ sẽ auto chuyển sang tiếng Anh. Hoặc khi được thêm vào nhóm chat, sẽ luôn có câu giới thiệu cùng dòng nhắn "Bây giờ có bạn mới, mọi người dùng tiếng Anh nhé", thế là mọi người lại chuyển hết sang dùng tiếng Anh cho mình bớt lạc lõng".
Minh tiết lộ điều quan trọng nhất khi ứng tuyển vào Big4 chính là thái độ tự tin, cởi mở của ứng viên.
Từ một người bị coi là "thất bại" khi trượt đại học, Minh đã liên tiếp làm việc ở 3 công ty lớn với những vị trí quan trọng. Anh chàng cho rằng có 3 yếu tố mà các bạn trẻ khi đi làm nên lưu ý:
"Điều quan trọng nhất là sự chăm chỉ. Mình có thời gian dài đi làm không lương nhưng vẫn rất chịu khó học hỏi. Thấy công việc cần cái gì mình sẽ học cái đó. Ngày xưa làm ngân hàng, không có kiến thức về lĩnh vực này, mình đã đi học ngay bổ túc một khoá kiến thức về ngân hàng… Tức là khi công việc cần gì thì mình sẽ đi học ngay, luôn trong tâm thế sẵn sàng cơ hội mới.
Mình thường có tâm lý không nặng nề về vị trí, số tiền lương công ty bỏ ra. Bởi mình luôn muốn cố gắng làm việc trong tâm thế ở đây học hỏi, có thêm những trải nghiệm mới. Và cuối cùng là thái độ sống hãy luôn giúp đỡ đồng nghiệp, trở thành người đồng nghiệp tốt, một người bạn tốt với họ".
Còn với Doanh Nghi, cô nàng thấy việc thi tuyển vào Big 4 rất áp lực. Vì có đến hơn 5.000 hồ sơ nộp vào nhưng công ty chỉ nhận 100 bạn nên tỉ lệ chọi rất cao. Doanh Nghi cho hay trong quá trình ứng tuyển Big 4, các bạn ứng viên cần phải chuẩn bị hồ sơ cẩn thận. Vì khi chưa phỏng vấn, đây chính là thứ mà nhà tuyển dụng chú ý đến.
Một nhà tuyển dụng từng tiết lộ với Doanh Nghi rằng họ chỉ xem hồ sơ tầm 5 giây nên BẮT BUỘC: Hồ sơ phải ngắn và thể hiện hết khả năng của ứng viên. Nghi học được tips rất hay khi viết hồ sơ là sử dụng các từ mạnh ở đầu câu liên quan tới ngành mà bạn ứng tuyển. Điều này rất hiệu quả đối với những bạn chưa có kinh nghiệm chuyên ngành.
"Ví dụ như thay vì nói "Làm trưởng nhóm của một câu lạc bộ gồm 5 người", mình có thể thay thế bằng "Dẫn dắt nhóm gồm 5 thành viên để tổ chức các sự kiện liên quan đến văn hoá ở trường đại học". Như vậy khi nhà tuyển dụng đọc lướt qua, sẽ đọc được ngay các động từ chỉ hành động mà họ tìm kiếm ở một ứng cử viên.
Ngoài ra, việc làm quen và mở rộng các mối quan hệ công việc với các anh, chị đi trước đã và đang làm ở công ty lớn cũng giúp rất nhiều trong việc học tập kinh nghiệm và được giới thiệu công việc", Doanh Nghi cho hay.
Doanh Nghi cho rằng, để thành công vượt qua vòng phỏng vấn và lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, các ứng viên cần có tâm thế thoải mái. Lời khuyên là: Hãy trả lời phỏng vấn như đang trò chuyện với người đối diện, chứ không phải hỏi đáp.
Lời khuyên dành cho buổi phỏng vấn: Hãy trả lời như đang trò chuyện với người đối diện.
"Lúc phỏng vấn, mình lúc nào cũng nên có nụ cười nhẹ trên môi để thể hiện phong thái tự tin, chịu được áp lực cao và thân thiện. Về phần trả lời, càng luyện tập nhiều sẽ giúp câu trả lời của mình càng trôi chảy và tự nhiên hơn.
Trước khi phỏng vấn, mình đã lên mạng và chọn ra 10 câu hỏi cơ bản khi phỏng vấn để luyện tập và quay lại bằng điện thoại nhiều lần để thoải mái hơn. Và nhất là, đối với câu hỏi sau cùng: "Bạn có còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?", phải chắc chắn là mình đã chuẩn bị sẵn 2-3 câu hỏi cho họ liên quan đến văn hoá của công ty hay là về người phỏng vấn.
Ở cuối buổi phỏng vấn 2, mình đã hỏi người phỏng vấn là "Nếu chú được quay về độ tuổi như con, thì chú sẽ cho bản thân lời khuyên gì?" - Và chú ấy đã rất hào hứng khi trả lời câu hỏi đó!", Nghi hào hứng kể lại.
Ảnh: NVCC