Sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng 'ngã ngửa'

Nguyễn Hoàn ,
Chia sẻ

Hàng loạt sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng bức xúc vì phải nộp 2 khoản học phí, trong đó “kinh phí đào tạo” 21 triệu đồng/sinh viên/năm, cao hơn nhiều so với học phí theo quy định của Chính phủ.

Sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng 'ngã ngửa' - Ảnh 1.

Phản ánh tới báo Tiền Phong, em Lê Quân (tên đã thay đổi) cho biết là sinh viên năm nhất Khoa Bác sỹ đa khoa tại Đại học Y Dược Hải Phòng, hệ chính quy 4 năm. Quân cho biết, khi nhập học, đại diện nhà trường phát biểu trước toàn thể tân sinh viên chỉ thu học phí 2,45 triệu đồng/tháng (24,5 triệu đồng/năm) và không có bất cứ khoản nào khác. Một số ngành đào tạo khác có mức học phí từ 1,85-2,775 triệu đồng/tháng. Học phí này được nhà trường ban hành Quyết định số 1089 ngày 7/7/2022.

Ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165 về học phí đối với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập năm học 2022-2023 để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, gia đình có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức học phí năm 2022-2023 bằng mức thu học phí năm 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm 2021-2022 đã quy định tại Nghị định này.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thành phố đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp cùng Sở GD&ĐT vào cuộc thanh kiểm tra nội dung mà sinh viên bức xúc, phản ánh.

Đến đầu tháng 2/2023, ông Nguyễn Văn Khải - Hiệu trưởng Đại học Y Dược Hải Phòng ký quyết định điều chỉnh, giảm học phí từ 2,45 triệu đồng/tháng xuống còn 1,43 triệu đồng/tháng (tương đương 14,3 triệu đồng/sinh viên/năm học), theo Nghị quyết 165 của Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, nhà trường lại thu thêm “kinh phí đào tạo” 2,1 triệu đồng/tháng (21 triệu đồng/năm) đối với hệ đào tạo chính quy, chính quy tập trung ngành y, điều dưỡng và 2,3 triệu đồng/tháng (23 triệu đồng/năm) đối với ngành dược.

Sinh viên Lê Quân cho biết, chính sách giảm học phí là để hỗ trợ sinh viên, gia đình có con em theo học thời điểm lạm phát, kinh tế khó khăn nhưng nhà trường lại phụ thu “kinh phí” lớn hơn cả học phí quy định. Tổng học phí và “kinh phí đào tạo” lên tới 35,3 triệu đồng/sinh viên/năm (tăng 146% học phí theo quy định tại Nghị định 165).

Chỉ học phí thì không đủ đào tạo

Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, ngày 9/2, bà Nguyễn Thị Thắm, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc với sinh viên các lớp nhằm giải đáp thắc mắc, bức xúc của người học về học phí và "kinh phí đào tạo" năm 2022-2023.

Tại buổi làm việc, bà Thắm khẳng định, từ năm học 2020-2021 trở về trước, nhà trường thu học phí đối với sinh viên sau khi học xong THPT, còn đối tượng liên thông vừa học vừa làm vừa phải nộp học phí và “kinh phí đào tạo”.

Lý giải về khoản thu “kinh phí đào tạo”, bà Thắm trao đổi với các học viên rằng, với mức học phí áp dụng cho sinh viên 1.430.000đồng/tháng (14,3 triệu đồng/năm) không đủ để đào tạo cho một sinh viên y trong một tháng. Kinh phí đào tạo là một phần mà nhà trường sẽ được nhận một phần từ ngân sách nhà nước hỗ trợ để đào tạo sinh viên hệ chính quy. Còn đối tượng vừa học vừa làm sẽ không được hưởng nguồn ngân sách này. Do đó, sinh viên sẽ phải đóng thêm khoản “kinh phí đào tạo”.

Liên quan tới khoản thu “kinh phí đào tạo”, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Khải - Hiệu trưởng Đại học Y Dược Hải Phòng để trao đổi, giải đáp thắc mắc của sinh viên. Tuy nhiên, phóng viên không nhận được hồi đáp.

Chia sẻ