Sinh con dị tật, người mẹ trẻ tố phòng khám siêu âm tắc trách

,
Chia sẻ

Chiều ngày 23-6-2016, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở y tế Gia Lai cho biết sẽ tiến hành trưng cầu hội đồng khoa học chuyên ngành để đánh giá, làm rõ tố cáo của công dân về sự tắc trách trong việc siêu âm thai của những người đứng đầu phòng khám Thảo Nguyên (47 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, TP.Pleiku).

Theo phản ánh của chị Trần Thị Phước Lộc (SN 1988, trú phường Thắng Lợi, TP.Pleiku), khi mang thai đứa con đầu lòng đến tháng thứ 3, chị thường xuyên đến siêu âm tại phòng khám Thảo Nguyên. Các lần thăm khám, chủ phòng mạch này là vợ chồng bác sĩ Lê Trọng Nguyên và Trần Thị Thảo đều ghi rõ tình trạng thai nhi phát triển bình thường. Khi thai được hơn 22 và 32 tuần tuổi, tiến hành siêu âm màu để kiểm tra tình trạng thai nhi và xác định dị tật, bác sỹ đều nói… chưa thấy bất thường.

Đến ngày 20-3-2016, chị Lộc chuyển dạ tại BVĐK tỉnh Gia Lai. Khi đứa con trai chào đời, cả hai bên họ hàng đều hốt hoảng vì cháu có khuôn mặt dị dạng, không có tai, không có xương hàm phải, bị hở hàm ếch, hở vòm họng rộng dẫn đến không thể tự bú…


Mẹ con bé Phan Anh tại bệnh viện

Sau đó, kết quả chẩn trị của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) thể hiện, bé bị viêm phổi nặng, loạn sản phổi, suy dinh dưỡng nặng, tật đầu nhỏ, bất thường não bẩm sinh, hội chứng Treacher chollins.

Theo người mẹ, đứa con đầu lòng là niềm hy vọng của hai bên nội ngoại. “Tôi đã quyết tâm theo dõi thai kỳ có nghĩa là rất tin tưởng vào các bác sỹ. Nếu bào thai bị dị tật được các bác sỹ phát hiện sớm thì gia đình sẽ có những quyết định đúng đắn hoặc là sớm chuẩn bị tâm lý đón nhận. Giờ chẳng biết tương lai đứa con này sẽ đi về đâu”, người mẹ trẻ nghẹn ngào.

Quá bức xúc vì nhiều lần không liên lạc được với bác sỹ Thảo, chị Lộc đưa sự việc lên trang facebook cá nhân để cảnh tỉnh chị em đồng thời gửi đơn đến Sở Y tế để tố cáo. Ngay sau đó, rất nhiều phụ nữ từng đến phòng khám Thảo Nguyên để theo dõi thai kỳ bức xúc bình luận, chia sẻ.

Họ cho rằng hai vợ chồng bác sỹ chủ phòng mạch này kém chuyên môn; thăm khám, cố vấn cho thai phụ hết sức qua loa sơ sài và có hậu quả xảy ra. Cụ thể, có hai người phụ nữ ở TP.Pleiku cho biết, vì sự kém chuyên môn của các bác sỹ phòng mạch này mà có trường hợp thai nhi bị chết lưu và bị sảy thai.

Khuôn mặt tiều tụy vì nhiều đêm mất ngủ, người mẹ không may mắn bộc bạch: chồng chị làm bảo vệ cho 1 doanh nghiệp ở huyện Chư Sê (cách nhà 40km), còn chị làm kế toán một công ty tư nhân, thu nhập thấp nên cả hai còn đang phải ở trọ. Bé Phan Anh lúc chào đời nặng 2,9kg nhưng do đau ốm suốt nên giờ chỉ còn 2,4kg, phải thở bằng bình Oxy. Từ ngày sinh đến nay hơn 3 tháng, Phan Anh chưa rời khoa Nhi Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Gia Lai nên nơi đây giống như là nhà của bé. Còn chị Lộc, chưa đêm nào được ngon giấc vì con khóc quấy.


Phòng khám Thảo Nguyên

“Từ ngày sinh bé, chồng tôi xin nghỉ việc 1 tháng không lương, mới đi làm lại. Tình hình thế này chắc tôi phải xin nghỉ việc để dồn sức chăm con. Cũng may, nhờ sự chăm sóc, điều trị tận tình của đội ngũ y bác sĩ, sự động viên giúp đỡ của gia đình, bạn bè nên vợ chồng tôi mới trụ nổi đến giờ. Dù có như thế nào thì gia đình cũng cảm thấy rất hạnh phúc và thương con hết lòng” - người mẹ thổ lộ.

Lãnh đạo Sở y tế Gia Lai cho biết, để có thể tiến hành khám siêu âm thai thì bác sỹ phải có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực này. Việc đúng sai trong chuyện này rất khó nói, cần phải có hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá.

Còn theo bác sỹ Bạch Anh Hùng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Gia Lai, bác sỹ Trần Thị Thảo hiện là phó khoa sản bệnh viện này. Vụ việc xảy ra ngoài khuôn viên bệnh viện và ngoài giờ hành chính nên bệnh viện không thể can thiệp. “Người dân cất công đi theo dõi thai kỳ thì phải được biết kết quả dù là không như mong muốn. Nếu không, họ đến phòng khám siêu âm làm gì cho mất thời gian và tốn kém?”

Chúng tôi phỏng vấn một bác sỹ trưởng khoa có thâm niên trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, được biết: 15 tuần tuổi thì gương mặt thai nhi hoàn thiện. Trong kết quả theo dõi của phòng khám Thảo Nguyên thể hiện, siêu âm thai tuần 22, siêu âm 4 chiều thì việc bé không có tai và tật đầu nhỏ cũng thấy rõ. Hội chứng Treacher Collins (chủ yếu gây biến dạng vùng mặt, mũi… thai nhi, có 1/10.000 trường hợp mắc chứng này) không phải khó phát hiện, nếu quan sát kỹ khi siêu âm vẫn có thể nhìn thấy. “Tật sứt môi hở hàm ếch của thai nhi sau 15 tuần tuổi mà không phát hiện được thì rõ ràng người đó không xứng đáng là bác sỹ siêu âm”, vị bác sỹ chuyên khoa khẳng định.

Được biết, gia đình chị Lộc gửi đơn tố cáo đến Sở y tế cách đây 1 tháng nhưng đến nay chưa có hồi âm. Giải thích về sự chậm trễ này, ông Mai Xuân Hải cho rằng thời gian này, Sở có rất nhiều việc quan trọng cần phải giải quyết. Ông cũng không nói rõ thời gian cụ thể sẽ tiến hành xử lý theo đơn tố cáo của công dân (!?).

Theo Công an TP HCM

Chia sẻ