Sinh con ảnh hưởng thế nào đến tình cảm vợ chồng?

,
Chia sẻ

Trước đây, bạn và anh ấy là một đôi, đi đâu cũng có nhau. Khi 'lên chức' ba, mẹ, cuộc sống thường ngày của bạn sẽ thay đổi như thế nào?

Cùng chồng tham dự các lớp học làm cha mẹ, đọc hàng tá sách về chăm sóc con thơ,.. Nhưng ngay cả khi chuẩn bị tất cả, thì thực tế vẫn cho thấy rằng, đa số các bà mẹ đều cảm thấy quá tải trong chuyện chăm sóc con cái, ít nhất là trong những tháng đầu tiên. Điều này khiến cho tình cảm vợ chồng có thể chuyển sang một hướng khác, và đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều bạn trẻ hiện nay chưa đủ tự tin để có con.

Những thay đổi

Trước đây, bạn và anh ấy là một đôi, đi đâu cũng có nhau. Khi 'lên chức' ba, mẹ, cuộc sống thường ngày của bạn sẽ thay đổi như thế nào? Điều dễ thấy nhất là bạn sẽ không thể ngủ đủ giấc trong những tháng đầu tiên sinh em bé. Các bé sơ sinh có thể chỉ ngủ vài tiếng sau đó thức dậy đòi sữa, 7 đến 8 lần như vậy mỗi ngày.
 
Bé cũng có thể hay khóc quấy về đêm. Không ngủ đủ giấc và thiếu ngủ có thể làm cho bạn suy nhược và dễ trở nên cáu kỉnh. Những công việc vặt trong nhà trở thành những thách thức bởi vì bạn không đủ sức cáng đáng hay tập trung vào những việc đó nữa. Bạn sẽ không chỉ có ít thời gian làm việc hơn, mà sẽ không còn thời gian để chăm sóc bản thân và cả người chồng của mình.


Được làm cha mẹ là điều tuyệt vời, nhưng đồng thời cũng sẽ có nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy thật khó khăn và áp lực. Những lúc như thế sẽ khiến cho bạn cảm thấy có lỗi với con vì bản thân mình làm cha mẹ mà không thể dành trọn vẹn tâm trí mỗi giây phút ở bên con.

Sự ra đời của bé cũng có thể khơi gợi những cảm xúc bất chợt như sự ghen tỵ. Đôi khi những ông bố sẽ có cảm giác ghen tỵ bời vì bé chiếm quá nhiều thời gian của mẹ. Anh ấy sẽ có cảm giác bị ra rìa hoặc ghen tỵ rằng anh ta không dành nhiều thời gian cho bé hoặc làm được gì nhiều như các bậc cha mẹ khác. Những cảm xúc này hoàn toàn bình thường khi cấu trúc gia đình thay đổi.

Những bà mẹ thì có những thách thức khác cần phải đối mặt. Thời gian mang thai đã lấy đi của bạn vóc dáng mảnh mai, trên mắt sẽ xuất hiện những quầng thâm do thức khuya cho con bú. Có thể bạn sẽ cảm thấy ngượng ngập và bớt quyến rũ hơn trong mắt người bạn đời của mình. Một vài phụ nữ cũng cảm thấy khó khăn hơn trong việc hòa hợp vai trò làm mẹ và vai trò làm vợ. Do đó có thể bạn sẽ bớt hứng thú trong chuyện gần gũi chồng.

Những thay đổi do sự có mặt của bé còn vươn ra khỏi phạm vi gia đình của bạn. Họ hàng bà con sẽ có vô vàn những câu chuyện và lời khuyên về việc chăm sóc bé. Các thành viên trong gia đình có thể ghé thăm bất ngờ hoặc thường xuyên ghé thăm bé mỗi ngày. Mặc dù bạn biết rằng họ cũng chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho em bé, nhưng sự có mặt thường xuyên của họ đôi khi khiến bạn cảm thấy khó kiểm soát được cuộc sống của mình.

Ngay cả khi không có tất cả những lời khuyên chăm sóc con cái từ bên ngoài, bạn và người bạn đời có thể nhận ra rằng mỗi người có cách chăm sóc con cái khác nhau - ví dụ như bạn thì có khuynh hướng chạy đến ngay bên con bất cứ khi nào con khóc, trong khi chồng thì không. Và rồi những rắc rối, như chuyện phân bì ai là người làm việc nhà nhiều hơn, sẽ trở nên tệ hơn nữa nếu như bạn và chồng không ngồi lại trao đổi với nhau.

Cùng trao đổi và thấu hiểu

Cùng trao đổi là cách tốt nhất để xóa bỏ những giận hờn và ngăn chặn những cãi vã. Các bậc cha mẹ có thể quá tập trung vào chuyện chăm sóc bé đến mức quên dành thời gian để nói chuyện với nhau. Những muộn phiền có thể tăng lên khi các bạn không chịu cởi mở và chia sẻ với nhau, cho nên hãy điều quan trọng là dành thời gian đối thoại.

Thông thường, tất cả những gì cần phải làm để xóa bỏ những hiểu làm là nhìn sự việc từ quan điểm của người khác. Ví dụ, một người cha mới có thể nghĩ rằng anh ta đi làm suốt ngày, và người mẹ ở nhà chăm con là điều bình thường dễ hiểu, ngay cả khi anh ta có mặt ở nhà. Nhưng người vợ lại có suy nghĩ tại sao chồng không ở bên cạnh mình và con khi mình cần anh ta nhất?

Khi có chuyện gì khiến bạn phiền lòng, hãy kể cho anh ấy, nhưng hãy chắc chắn điều bạn nói phải đúng thời điểm. Tranh cãi về việc ai để bát đũa dơ không chịu rửa trong khi con đang đói khóc chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Thay vào đó, hãy ngồi lại với nhau khi con đã ngủ. Hãy chân thành với nhau, nhưng cố gắng duy trì sự hài hước. Hãy lắng nghe quan điểm của người bạn đời và không chỉ trích họ. Và hãy nhớ rằng việc thiếu ngủ và căng thẳng có thể làm cho bạn cáu kỉnh hơn, do vậy bạn sẽ phải cố gắng để kiềm chế sự gắt gỏng.

Một khi cả hai vợ chồng đều nói ra suy nghĩ của mình, hãy tìm cách giải quyết những vấn đề khúc mắc bằng những giải pháp mà cả hai cùng có thể chấp nhận được. Hãy sẵn sàng thỏa hiệp. Nếu chồng bạn về muộn vào Thứ Tư vì một buổi họp, bạn hãy ru con ngủ. Bù lại, anh ấy sẽ phải thay bạn ru con vào thứ Năm.

Xử lý bất đồng

Khi bất đồng xảy ra, hãy dành thời gian trao đổi. Nếu cách đó không hiệu quả, và cả hai người cần phải làm rõ ngay, cố gắng giữ buổi tranh luận tập trung vào vấn đề đang làm bạn không vui. Hãy nói cho anh ấy biết vì sao bạn khó chịu. Nếu như bạn mông lung và bắt anh ấy phải đoán, bạn sẽ không giải quyết được việc gì.

Hãy làm cho vấn đề trở nên rõ ràng hơn. Ví dụ như việc bạn nói "lúc nào anh cũng về trễ"  sẽ khiến anh ấy chống chế. Thay vào đó, hãy nói : ' Hôm qua, lúc anh về nhà thì đồ ăn đã nguội hết rồi. Sẽ tốt biết mấy nếu anh gọi điện báo cho em trước là anh về muộn." Cách này bạn đã nhấn mạnh vào hành động, không phải là con người của anh ta, vì thế mà lời chỉ trích của bạn sẽ ít giống sự công kích cá nhân.

Cũng thật không công bằng khi tận dụng việc tranh cãi để bơi móc những lỗi lầm trong quá khứ. Nếu như bạn đang nói về chuyện về ăn tối trễ, đừng nhắc lại chuyện anh ấy quyên mua sữa và tắm mất 45 phút trong khi bạn làm tất cả chuyện rửa bát đũa. Bạn sẽ thấy rằng biết lắng nghe nhau và cố gắng hiểu đúng ý nhau là cách tốt nhất để cùng nhau tiến bộ và cùng giải quyết vấn đề.

Dành thời gian bên nhau

Ngay cả khi đã gia đình nhỏ, hai vợ chồng bạn cũng vẫn cần thời gian riêng tư ở bên nhau để thắt chặt tình cảm. Bời vì cuộc sống của hai người bây giờ đã bận rộn hơn, cách tốt nhất để có thời gian là lên kế hoạch. Cố gắng sắp xếp người trông coi em bé để có những buổi hẹn hò hàng tuần như đi ăn tối bên ngoài hay đi xem phim. Nếu không có người trông coi bé thì có thể làm một bữa tối đặc biệt tại nhau sau khi cho bé đi ngủ.

Sau khi bé ngủ có thể là khoảng thời gian cho bạn kết nối với người bạn đời hàng ngày. Dành 20 phút để nói chuyện và chia sẻ cảm xúc của bạn; bạn có thể làm tương tự trong khi đang rửa chén bát hoặc trước khi đi ngủ. Vào những ngày cuối tuần, cả gia đình hãy đi đâu đó, ví dụ như thăm bảo tàng hay công viên, hay đơn giản cả hai vợ chồng cùng đẩy xe đưa con đi dạo. Điều quan trọng nhất là bạn phải sáng tạo để hai vợ chồng có thời gian bên nhau, gặp gỡ nhau cùng ăn trưa trong khi nhờ ông bà chăm con cho bạn, hoặc chơi một trò chơi nào đó trước khi đi ngủ.

Lời khuyên dành riêng cho bạn:

Khi bước vào giai đoạn xây dựng gia đình nhỏ của mình, hãy tập trung vào những điều có thể giúp bạn vượt qua những va vấp ban đầu, đặc biệt là trong vài tháng đầu tiên. Bạn càng linh động, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề, bạn càng cảm thấy nhẹ nhàng và đặt mọi thứ trong vòng kiểm soát.
 
 
Theo SSM
Chia sẻ