Siêu mẫu Xuân Lan lại mở "lớp thực hành tiếng Việt" giữa trưa, netizen: Một chiếc status rất khó ở!
Siêu mẫu Xuân Lan lại tiếp tục gây tranh cãi với status "bắt lỗi" chính tả.
Mới đây trên trang Facebook cá nhân, Xuân Lan tiếp tục gây chú ý khi “check VAR” lỗi dùng từ của đồng nghiệp. Cụ thể, trong status của mình, người mẫu - diễn viên Trương Thanh Long chia sẻ bài viết với nội dung giảm giá các sản phẩm áo dài thương hiệu cá nhân trong dịp Black Friday năm nay, kèm dòng caption: “Một chiếc Black Friday áo dài! Mại zô (mua đi nào) ạ”.
Rất nhanh sau đó, Xuân Lan đã kịp thời “bắt lỗi” dùng từ “chiếc” của Trương Thanh Long. Nữ siêu mẫu đăng tải một bài viết dài lên trang cá nhân ngay giữa trưa. Cô khẳng định, việc dùng từ “chiếc” trong câu “Một chiếc Black Friday áo dài!” của Trương Thanh Long là sai.
Nguyên văn chia sẻ của siêu mẫu Xuân Lan như sau:
“CHIẾC:
- Là từ dùng để chỉ từng đơn vị một số đồ vật vốn dùng thành đôi mà tách lẻ ra. Ví dụ: chiếc giày, chiếc đũa..
- Là từ dùng để chỉ từng đơn vị thuộc một số vật vô sinh (vật không có sự sống, không phải là sinh vật, không có khả năng sinh sản). Ví dụ: chiếc nón, chiếc đồng hồ, hai chiếc máy bay, chiếc lá..
- Đối với văn chương: ý nghĩa lẻ loi, đơn lẻ, không còn thành đôi. Ví dụ: “chăn đơn gối chiếc”, “phòng không chiếc bóng”..
THẾ NÊN:
- Một chiếc người yêu
- Một chiếc mùa thu
- Một chiếc sếp
- Một chiếc mẹ chồng
- Một chiếc tuyết rơi
- Một chiếc Black Friday
LÀ SAI NHÉ!
Hoặc..
LÀ SAI Ạ!”.
Bài đăng nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của netizen. Nhiều tranh cãi nổ ra xoay quanh chia sẻ về từ “chiếc” của Xuân Lan. Nhiều người còn phải vội tra từ điển hay gõ Google để kiểm tra xem những chia sẻ của cô có đúng hay không. Trên thực tế, từ “chiếc” chỉ có thể đứng trước danh từ chỉ đồ vật: chiếc bàn, chiếc ghế, chiếc bút, chiếc lược,... Ngoài ra, “chiếc” còn dùng để chỉ từng đơn vị đồ vật vốn đi thành đôi nhưng lại tách lẻ ra: chiếc đũa, chiếc giày, chiếc khuyên tai,..
Song, đa số bình luận để lại rằng nữ siêu mẫu đang làm quá, đặt nặng lỗi sai ngữ pháp trong khi đó chỉ là một status trên mạng xã hội - không có ý tiêu cực hay khiến người khác hiểu sai nghĩa. Nhiều cư dân mạng cũng cho rằng việc Trương Thanh Long dùng từ chiếc trong hoàn cảnh trên không đáng để bị soi xét, tranh luận đúng sai.
“Việc dùng từ chiếc chỉ để gần gũi, đơn giản hơn thôi mà sao cứ phải phức tạp lên vậy chị nhỉ?”, một netizen bình luận. Mặt khác, nhiều người cũng cho rằng đôi khi dù có sai ngữ pháp một chút, nhưng nếu người đối diện vẫn hiểu được trọn vẹn ý nghĩa câu chuyện và thái độ của đối phương giao tiếp là được.
Một số bình luận của netizen:
- “Chơi Facebook mà cứ tưởng là đang trong tiết học thực hành tiếng Việt không đó. Dùng từ như thế trên Facebook là bình thường mà, ai mà chả hiểu”.
- “Lần trước ‘nhé ạ’ còn nghe được chứ cái này hơi quá rồi đó ạ”.
- "Một chiếc status rất khó ở nhé!"
- “Mình nhìn tích cực hơn đi ạ, đừng có mệt mỏi như vậy”.
- “Thà bảo là anh ấy dùng trong bài văn kiểm tra hay thi cử đi, chứ này anh ấy viết đăng Facebook mà. Chị không kịp cập nhật trend hay sao mà chê thẳng vậy ạ”.
- "Nữ hoàng chính tả mới à!"
Trước đó không lâu, Xuân Lan Từng làm “dậy sóng” MXH với status chia sẻ về việc dùng từ “nhé ạ” trong câu. Cô cho rằng hai từ "nhé" và "ạ" là 2 từ đệm có tính chất khẩu ngữ đặt ở cuối câu, "nhé" dùng cho ngang hàng thân mật, "ạ" dùng để kính trọng kẻ dưới người trên. Vì vậy, siêu mẫu Xuân Lan kết luận 2 từ này "đừng gộp lại" với nhau.
Đúng là phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam! Bạn nghĩ sao về chia sẻ lần này của siêu mẫu Xuân Lan.