Siết đường biên, hàng lậu thả trôi để vượt sông
Tại Lào Cai, do đường biên ngày càng được kiểm soát chặt, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng khu vực dòng sông tiếp giáp hai nước để thả hàng lậu trôi sông từ bên kia biên giới hòng qua mặt cơ quan chức năng. Trên thị trường, nhiều hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được bày bán tràn lan.
Tiếp giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, Lào Cai hiện có hơn 180 km đường biên, kéo dài từ huyện Bát Xát qua thành phố Lào Cai, xuống Bảo Thắng và đến Mường Khương.
Hiện nay, Trung Quốc đã dựng hàng rào dây thép gai gần như toàn bộ tuyến biên giới, chỉ trừ một khu vực nhỏ vách đá dựng đứng ở Mường Khương. Đường biên được siết chặt khiến các đối tượng còn tìm cách thả trôi hàng lậu từ bên kia biên giới qua dòng sông Nậm Thi để sau đó chúng phối hợp nhận, vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Cụ thể, rạng sáng 21/11/2022, tại khu vực ngã ba sông Nậm Thi, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện các đối tượng phía bên kia biên giới đã thả 5 bao tải chứa hộp xốp bên trong là cá tầm thương phẩm (tổng cộng khoảng 140kg), trôi dạt vào địa bàn thuộc xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng. Hai đối tượng vớt hàng, chuẩn bị vận chuyển thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Chúng bỏ lại hàng hóa, chạy lên đồi lẩn trốn. Toàn bộ số tang vật trị giá 21 triệu đồng đã bị tạm giữ và sau đó được tiêu hủy theo quy định.
Bãi tập kết hàng hóa vắng bóng lực lượng chức năng.
Bắt cá tầm lậu trôi sông vừa qua chỉ là một trong số ít vụ buôn lậu được phát hiện ở dọc tuyến biên giới trong đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp cuối năm ở Lào Cai. Hiện nay, hàng hóa xuất, nhập khẩu ở tỉnh Lào Cai chủ yếu được thực hiện qua Ga đường sắt quốc tế Lào Cai và Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành. Khu vực cửa khẩu Kim Thành có tổng diện tích khoảng 91 ha. Xung quanh nhà điều hành, thông quan, có 4 bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa.
Rau củ quả được nhập khẩu với khối lượng và kim ngạch lớn nhất. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hà Đức Thuận, Phó Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, hằng ngày tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành có khoảng 300 xe thông quan, trong đó 100 xe chở rau củ quả. Xe chở nông sản sau khi thông quan sẽ di chuyển về bãi tập kết kiểm tra Hải quan và sang hàng, đưa vào nội địa tiêu thụ. Ngoài nông sản, các loại hàng tiêu dùng khác như hóa chất, phân bón, thạch cao, than cốc, sắt thép và máy móc thiết bị cũng được xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này.
“Có hay không hàng hóa nhập lậu trà trộn rồi được thông quan chính ngạch ở đây?”, ông Đỗ Du Bắc, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai cho biết, có thể có hiện tượng trà trộn hàng và cơ quan chức năng cũng đang cố gắng xác minh điều tra, xử lý.
Thâm nhập thực tế tại các bãi tập kết hàng hóa khu vực cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành, phóng viên phát hiện có những kho hàng trong nhà mái tôn nằm khuất ở các góc khu cửa khẩu này. Đây được cho là nơi có thể xuất hiện hàng “tạp” không có giấy tờ, hóa đơn xuất xứ hàng hóa. Khi có xe về, nhân viên tại kho sẽ mở để xe hàng di chuyển vào, bên trong có xe khác chờ sẵn sàng sang hàng. Lực lượng bốc vác được gọi theo nhóm và bị thu điện thoại cho đến khi bốc, sang hàng xong.
Những ngày có mặt tại đây, chúng tôi không thấy lực lượng chức năng nào dù trong kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, địa bàn trọng điểm được nêu rõ là khu Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Cửa khẩu Kim Thành, chợ Cốc Lếu!
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, đơn vị này đã chỉ đạo 5 đội quản lý thị trường tỉnh tổ chức kiểm tra 136 tổ chức, cá nhân, trong đó có: 49 cở sở kinh doanh quần áo, giày dép, hàng điện tử điện lạnh; 6 cơ sở kinh doanh vật tư y tế, xăng dầu; 81 cơ sở kinh doanh thực phẩm và mỹ phẩm. Từ ngày 15/11/2022 đến 20/12/2022, cơ quan chức năng Lào Cai đã kiểm tra và phát hiện 124 vụ vi phạm quy định về thương mại; xử phạt và thu nộp ngân sách 916,9 triệu đồng.