Siết chỉ tiêu xét tuyển sớm, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ có lo bị ảnh hưởng?

Nguyễn Trang/VOV,
Chia sẻ

Bộ GD-ĐT cho biết, đối với thí sinh, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau đã và đang chuẩn bị. Như vậy, các thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... không bị ảnh hưởng.

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư quy định: “Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo, bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Siết chỉ tiêu xét tuyển sớm, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ có lo bị ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Dự thảo thông tư quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo (Ảnh minh họa)

Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, công bố công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển; số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo; không được yêu cầu thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung theo bất cứ hình thức nào. Cơ sở đào tạo công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung”.

Thông tin về việc giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, những năm qua, công tác tuyển sinh được đổi mới theo hướng trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên dư luận vẫn băn khoăn trước tình trạng một số cơ sở sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển với một chương trình hay dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, cộng điểm quá nhiều cho các chứng chỉ ngoại ngữ. Việc dự thảo Thông tư đưa ra giới hạn xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu mỗi ngành được căn cứ trên tình hình thực tế để công tác tuyển sinh sớm thực sự tập trung vào những thí sinh có năng lực, thành tích học tập vượt trội, tạo công bằng cho các thí sinh tham gia vào quá trình xét tuyển.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, giảm quy mô xét tuyển sớm không gây khó khăn mà còn tạo thuận lợi cho công tác xét tuyển của các trường và thí sinh. Ở những mùa tuyển sinh trước, nhiều thí sinh dù chưa hoàn thành chương trình lớp 12 đã phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, không tập trung cho việc học. Do đó, việc điều chỉnh xét tuyển sớm là cần thiết để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh, đặc biệt là những thí sinh ở những địa bàn không có điều kiện tham gia các hình thức xét tuyển sớm. Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất, đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.

Bà Thủy cũng nhấn mạnh rằng, đối với thí sinh, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau đã và đang chuẩn bị. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... không bị ảnh hưởng bởi quy định giới hạn 20% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm.

Bên cạnh đó, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo chương trình GDPT mới sẽ tham gia xét tuyển đại học, việc thay đổi quy chế tuyển sinh nhằm đáp ứng những đổi mới trong Chương trình GDPT 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp THPT, đặc biệt là lớp 12. Việc quy định chặt chẽ hơn trong xét tuyển sớm như yêu cầu nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 đều hướng tới đảm bảo công bằng cho thí sinh ứng tuyển. Các quy định cũng  hướng tới giúp học sinh lớp 12 tập trung học tập và hoàn thành chương trình, chuẩn bị vững kiến thức, năng lực, phẩm chất, tiếp tục học tập ở những bậc cao hơn.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng nhấn mạnh rằng, những điều chỉnh trong dự thảo không hạn chế quyền tự chủ, đồng thời nâng cao chất lượng tuyển sinh và để giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Các quy định điều chỉnh, bổ sung về tuyển sinh để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục là công bằng, từ đó sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo. Quyền tự chủ nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo luật định phải luôn gắn chặt với trách nhiệm xã hội, trước hết cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục.

Chia sẻ