Shark Tam - người vừa bị khởi tố về tội trốn thuế là ai?
Ông Phạm Văn Tam (hay còn gọi là shark Tam) là người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Asanzo, từng dính lùm xùm khi các sản phẩm của công ty bị cho là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam chất lượng cao vào năm 2019. Ông Tam vừa bị công an khởi tố về tội trốn thuế.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam (44 tuổi, shark Tam - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Asanzo ) về tội “Trốn thuế”, theo khoản 3 điều 200 Bộ luật Hình sự.
Ông Tam bị cáo buộc đã chỉ đạo ông Phạm Xuân Tình - Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Công ty Asanzo - ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Việt Tài, Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất An Thiên, Công ty THHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Trần Thoàn, sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo của Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
Ngoài ra, ông Tam còn bị cáo buộc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp gần 15,8 tỷ đồng.
Vào tháng 10/2019, Cục Thuế TPHCM đã chuyển hồ sơ Công ty Asanzo sang Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03), Công an TPHCM. Ngoài ra, Cục Thuế TPHCM cũng ban hành quyết định xử phạt về thuế, truy thu Công ty Asanzo tổng số tiền 68,57 tỷ đồng.
Trong đó, Asanzo bị phạt 26,3 tỷ đồng, gồm phạt vi phạm hành chính với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế phải nộp (4,9 tỷ đồng); phạt 1,5 lần tiền thuế VAT với hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng, trốn thuế VAT, có tình tiết tăng nặng (6,29 tỷ đồng); phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt vì sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trốn loại thuế này (14,6 tỷ đồng); phạt vi phạm hành chính vì sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trên 42,5 triệu đồng)...
Cục Thuế TPHCM cũng truy thu thuế của Asanzo với số tiền lên tới 40,5 tỷ đồng, gồm các khoản truy thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các khoản do chậm nộp thuế. Asanzo cũng bị điều chỉnh giảm khấu trừ thuế VAT qua thanh tra số tiền trên 288 triệu đồng, phải nộp tiền chậm nộp thuế hơn 1,6 tỷ đồng.
Đình đám với tivi Asanzo
Ông Phạm Văn Tam sinh năm 1980 tại Móng Cái (Quảng Ninh), từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Tốt nghiệp THPT, ông Tam không thi đại học mà chọn đi học chụp ảnh.
Sau đó, ông Phạm Văn Tam được giới thiệu đi theo xe chở hàng điện tử từ Móng Cái vào TPHCM, mỗi chuyến đi được 1 triệu đồng. Đến TPHCM, ông Tam được cho trông coi kho hàng và giao hàng cho các tiểu thương ở chợ Nhật Tảo (quận 10). Đây cũng là cơ duyên đưa ông Tam đến với mặt hàng điện tử.
Theo Cổng thông tin Quốc gia đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Asanzo Group) được thành lập vào tháng 10/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Asanzo là ông Phạm Văn Tam, góp 90 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ sở hữu 90%). Số cổ phần còn lại chia đều cho Công ty CP Điện tử ASanzo Việt Nam, Công ty TNHH Truyền thông Asanzo, bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản, ông Phạm Xuân Tình.
Asanzo Group chuyên sản xuất các loại tivi có kích thước từ 21-32 inch, tập trung vào phân khúc khách hàng ở nông thôn. Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi.
Đến năm 2018, Asanzo đã bán ra hơn 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017. Với hơn 70 dòng sản phẩm, Asanzo đã lọt vào top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước.
Đang trên đà phát triển, tháng 6/2019, Asanzo lâm vào khủng hoảng khi các sản phẩm của công ty bị cho là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao . Công ty bị điều tra về việc sản xuất, buôn bán hàng giả, lừa dối khách hàng, buôn lậu, trốn thuế. Asanzo cũng bị cáo buộc là nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc rồi về nước thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, sau đó dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang nước thứ ba.
Khi đó, các chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy đồng loạt ngừng kinh doanh sản phẩm của Asanzo. Các đối tác quay lưng, nhà máy sản xuất đình trệ... gây tổn thất cả nghìn tỷ đồng. Bản thân ông Tam còn bị cắt sóng trên chương trình Shark Tank mùa 3.
Ngày 30/8/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo thông báo tạm dừng mọi hoạt động vì kiệt quệ, không còn đủ khả năng tài chính để kéo dài hoạt động. Nhiều nhân sự quan trọng không còn đủ sức khỏe làm việc vì ở trong tình trạng áp lực căng thẳng từ thời điểm vướng lùm xùm gian lận xuất xứ 2 tháng trước.
Công ty CP Tập đoàn Asanzo thông tin, đã mất hơn 80% doanh số so với bình thường chỉ trong hơn 2 tháng nói trên. Tuy nhiên, công ty vẫn chi ít nhất 1 tỷ đồng mỗi ngày để trả lương cho người lao động, trả chi phí kho bãi và các chi phí khác.
Từ ngày 30/8/2019, Asanzo dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh ngoại trừ hoạt động bảo trì, bảo hành các sản phẩm đã bán ra.
Nói về việc này, khi đó ông Phạm Văn Tam cho biết, với sản phẩm tivi, Asanzo nhập khẩu khung sườn, màn hình và bo mạch từ Trung Quốc, chiếm 70% sản phẩm. Với 30% còn lại, Asanzo chủ động thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV phù hợp với thị trường Việt Nam.
Về hình ảnh công nhân trong nhà máy Asanzo lột con tem “made in China”, ông Tam khẳng định đó là con tem trên một bộ phận linh kiện, chứ không phải dán lên chiếc TV thành phẩm.
Ngày 17/9/2021, Công ty CP Tập đoàn Asanzo tổ chức họp báo ở Hà Nội cung cấp một số thông tin liên quan đến cáo buộc gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng.
Tại họp báo, ông Phạm Văn Tam cho biết doanh nghiệp này thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng kể từ khi có cáo buộc gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định về xuất nhập khẩu. Ông Tam cũng khẳng định ngày 17/9/2019, Asanzo sẽ quay trở lại hoạt động, tiếp tục sản xuất. Thậm chí, trong tháng 10/2019, doanh nghiệp sẽ khai trương thêm một nhà máy tại TPHCM.
Tuy nhiên, trước đó vào ngày 24/7/2017, ông Tam đã rút vốn từ 90 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng tại Công ty CP Tập đoàn Asanzo, trong khi các cổ đông khác vẫn giữ nguyên vốn góp. Người đại diện pháp luật lúc này là ông Phạm Xuân Tình.
Lấn sân
Năm 2020, ông Phạm Văn Tam thành lập Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Winsan và đảm nhiệm vị trí chủ tịch, hoạt động dưới mô hình công ty đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Winsan có vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Trong đó, ông Tam góp 285 tỷ đồng, chiếm 95% vốn điều lệ Winsan, còn lại bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỷ đồng và ông Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỷ đồng.
Nguồn lực ban đầu dự kiến 1.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Khoảng 70% số vốn sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ, điện tử. Danh mục đầu tư của Winsan ở nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát...
Ngoài việc rót vốn, Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Winsan khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng nhân sự giỏi, chuyên gia đầu ngành để đảm nhận các vị trí cấp cao, hỗ trợ các công ty này bứt phá trên cuộc đua cạnh tranh, giảm tỷ lệ thất bại.
Tuy nhiên, hiện nay trang web của Winsan không hề có dấu hiệu hoạt động. Tin tức mới nhất được đăng tải trên trang chủ của Winsan là vào cuối tháng 12/2021 về việc cảnh báo lừa đảo .
Đến năm 2021, ông Tam tuyên bố cùng một nhóm nhà đầu tư thực hiện dự án 5 trang trại nuôi bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An với quy mô vốn lên đến 2.000 tỷ đồng. Ông Tam còn cho ra mắt sản phẩm phân hữu cơ thương hiệu Ba Con Bò được sản xuất từ quy trình khép kín và rất tự tin vào dự án này.
Tuy nhiên, nhà sản xuất thương hiệu phân bón này bất ngờ khẳng định ông Tam hoàn toàn không đầu tư vào bất kỳ trang trại nào mà chỉ mua bao tiêu và phân phối độc quyền sản phẩm Ba Con Bò. Sau đó, ít thấy ông Tam đề cập đến sản phẩm này nữa.