Shark Hưng nhắn nhủ giới trẻ: Muốn thành công hãy dũng cảm sai, dũng cảm ngã; đừng để già rồi mới bắt đầu dại, thì nguy hiểm lắm!
Theo Shark Hưng, một người muốn sáng tạo và có được thành công cần có sự trải nghiệm và được sống trong một môi trường sống có tính thúc đẩy ngay từ khi còn nhỏ. Và quan trọng nhất là họ dám thử nghiệm, dám bắt chước để tìm ra sự sáng tạo của riêng mình.
Trong nền kinh tế xã hội đang trên đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sáng tạo là một yếu tố rất quan trọng nếu bạn muốn thành công, tạo dựng sự nghiệp. Là một doanh nhân với bề dày kinh nghiệm trên thương trường, Shark Phạm Thanh Hưng và những chia sẻ về bí quyết kinh doanh, phát triển bản thân luôn khiến ai cũng đồng tình, ủng hộ.
Làm gì lúc 15 - 20 tuổi để sáng tạo và thành công trong tương lai?
Trong hội thảo online "Khơi nguồn sáng tạo, kết hợp nghệ thuật - công nghệ - giáo dục" do Làng sinh viên và tuổi trẻ khởi nghiệp tổ chức, một khán giả đặt câu hỏi rằng: Ở độ tuổi 15, 20 tuổi thì nên làm thế nào để có sự sáng tạo trong tương lai. Shark Hưng đã chia sẻ góc nhìn của mình về sự sáng tạo mà chính ông đã trải nghiệm trong thời tuổi trẻ của mình.
Phó chủ tịch hội đồng quản trị CenGroup chia sẻ: "Chúng ta phải hiểu rằng, trước khi có buổi sáng thì phải trải qua buổi tối. Trước khi có sáng tạo thì phải có "tối tạo" đã. Tối tạo là cái khi anh cố gắng làm được những việc như người khác đã làm rồi dựa trên những điều đó anh cải tiến tốt hơn. Chúng ta không bao giờ có sự sáng tạo từ một con số không".
Shark Hưng cũng chia sẻ một câu nói của người Hàn Quốc mà ông rất tâm đắc: Bắt chước để mà sáng tạo. Doanh nhân kỳ cựu kể rằng, có nhiều người khởi nghiệp tìm đến gặp ông với những ý tưởng như "dời non lấp biển". Họ khẳng định có ý tưởng của họ sẽ tốt hơn ý tưởng của những người khác.
Nhưng thực tế, những bạn trẻ đó vẫn chưa thử nghiệm, chưa làm được những điều mà rất nhiều người khác đang làm. Tất cả những thứ họ có mới chỉ là ý tưởng. Vì vậy, nếu chúng ta chưa thử bắt tay vào làm những việc đơn giản thì chung ta rất khó có sự sáng tạo mang tính đột phá.
"Trong vấn đề sáng tạo nghệ thuật cũng vậy, một người chưa từng nghe nhạc, chơi nhạc của một người khác trước đó, không thể sáng tác nhạc, sáng tạo âm nhạc. Trước khi chúng ta sáng tạo được, chúng ta phải có nền tảng vững chắc, hiểu được những điều người đi trước đã làm.
Học phổ thông nghĩa là bạn hiểu được những điều người khác nói.
Học đại học nghĩa là làm được những điều người khác từng làm.
Còn khi học tiến sĩ, giáo sư thì bạn mới có thể nghĩ ra, nghiên cứu ra những thứ chưa ai từng làm, nghĩ ra một thứ hoàn toàn mới.
Sáng tạo phải dựa trên những hiểu biết, bắt chước rồi mới sáng tạo", Shark Hưng dẫn chứng.
Theo Shark Hưng, có 3 yếu tố từ khi còn nhỏ ảnh hưởng đến sự sáng tạo của cá nhân: Cha mẹ khuyến khích con trải nghiệm, sự thúc đẩy của môi trường sống và cá nhân đó luôn đặt câu hỏi tại sao. Người trẻ hãy bắt chước, hãy làm đi rồi sẽ có thể sáng tạo.
"Với cá nhân tôi, tôi may mắn sinh ra trong gia đình có bố mẹ khuyến khích sáng tạo, cho tôi được trải nghiệm giống như trong những cuốn sách giáo dục rất hay: cho con được ốm, buông tay, cho con được ngã… Tôi rất may mắn khi được thử nghiệm những việc tương đối "người lớn" khi còn đang ở tuổi teen. Ví dụ như vài tuổi đã biết bơi, 13 14 tuổi đã biết đi xe máy (dù chưa đủ tuổi)…
Và con tôi hiện giờ cũng vậy thôi. Tôi khuyến khích con trải nghiệm. Càng sớm học được những thứ người khác làm được thì chúng ta càng có cơ hội vượt lên. Tôi nghĩ rằng đó là cơ hội của tôi.
Thứ 2, sự thúc đẩy của môi trường sống cũng rất quan trọng trong việc chúng ta trở thành một con người sáng tạo. Chúng ta phải luôn luôn nghĩ xem nếu là mình thì mình sẽ làm thế nào. Chứ không chỉ tuân thủ cái cũ, mà cần phải vượt qua. Đó không phải bật lại, ngang bướng, chống phá, nhưng phải luôn luôn nghĩ: tại sao lại thế?.
Ngày xưa tôi rất yêu thích cuốn sách Một vạn câu hỏi tại sao? Nó giải thích tất cả những gì xung quanh chúng ta: tại sao có ngày đêm, tại sao có 4 mùa, tại sao sờ vào điện lại bị giật…
Thời của tôi thì cũng chưa có những phần mềm để hiểu kinh tế thị trường như bây giờ. Cũng có những câu hỏi rất lạ kỳ như thế này: Tại sao thời đó những người đi nước ngoài về lại có cái này cái kia mà những người sống ở trong nước không có… Đó là những câu hỏi từ thời rất trẻ của tôi. Dù đã được nghe rất nhiều lời giải thích từ bố mẹ, thầy cô… nhưng không câu trả lời nào làm cho tôi thỏa mãn cả. Cuối cùng, mình phải tự đi tìm lời giải thích cho chính bản thân mình về tự nhiên, kinh tế xã hội… và sau này là các vấn đề trong kinh doanh. Đó là lí do tại sao tôi nghĩ rằng, sự tiếp cận với cái gì mới cũng cần xuất phát từ một nền tảng nhất định".
Đối với shark Hưng, một đứa trẻ cần được sống trong môi trường sống khuyến khích tư duy độc lập tự chủ. Đừng có tuân thủ quá chặt chẽ những điều cũ, mặc định những điều thầy cô bố mẹ nói là đúng. Ông nhận định: "Bố mẹ nói chưa chắc đã đúng. Ngay cả bản thân tôi cũng thừa nhận rằng không phải lúc nào tôi nói với con tôi cũng đúng. Không phải lúc nào sếp cũng đúng. Hãy tìm cho mình cách nghĩ khác.
Hãy dũng cảm sai, dũng cảm ngã. Cái dại lớn nhất là chúng ta sợ, không dám dại. Dại càng sớm thì càng có nhiều thời gian, cơ hội để đứng dậy để khắc phục. Đừng để già rồi mới bắt đầu dại, thì nguy hiểm lắm".
Câu hỏi "ám ảnh" tuổi trẻ của Shark Hưng
Từ thời phổ thông, tôi đã thấy một câu hỏi tại sao: tại sao những người đi tây về có rất nhiều tiền, có quần áo đẹp, có những cái đài, cái xe mà người trong nước không có, những câu chuyện về trời tây của họ rất hoành tráng.
Câu hỏi tại sao "ám ảnh" nhất đối với shark Hưng là: Tại sao người Việt luôn được khen là cần cù chịu khó, lại có tài nguyên thiên nhiên ưu đãi mà mình vẫn nghèo thế?
"Việc đầu tiên tôi làm sau khi tốt nghiệp đại học là đi. Đi vào Sài Gòn, rồi đi nước ngoài, hơn 20 tuổi tôi đã đi rất nhiều. Hồi đó tôi phải nghĩ cách để đi không mất tiền mà còn phải có tiền, bởi gia đình cũng không có nhiều điều kiện lắm.
Trong lúc tôi học ĐH Bách Khoa thì tranh thủ học tiếng Anh. Sau khi học mấy lớp tiếng Anh thì tiện tay làm luôn cái bằng ĐH ngoại ngữ tiếng Anh.
Sau khi ra trường, muốn đi thực tập ở các công ty nước ngoài thì xin đi làm tour guide cho các đoàn du khách nước ngoài, công ty du lịch. Thế là tự nhiên vừa được thực tập tiếng Anh, vừa có tiền tip lại được đi nhiều. Khi đó tôi thường xuyên đi nước ngoài, mỗi năm phải đi 5 7 đến chục chuyến đi công tác được tài trợ. Đó là những cái đầu tiên tôi bước chân vào để ngó nghiêng và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao?
Shark Hưng nhấn mạnh rằng, người trẻ cần đi nhiều, mở mang trí tuệ và nâng tầm bản thân. Như vậy mới có thể tìm ra con đường thành công của mình.
*Tổng hợp