Sếp Nhật khắc nghiệt, thích so sánh và yêu cầu vô lý, nàng công sở đăng đàn hỏi dân mạng: Nên đi hay ở?
"Quả thật đồng nghiệp trong công ty em rất tốt, văn phòng cực kì đẹp, công việc cũng là công việc em thích, nhưng em đang cảm giác quá sức gò bó cũng như không đủ sức tiếp tục nổi nữa".
Làm việc với sếp nước ngoài hoặc trong công ty nước ngoài chưa bao giờ là chủ đề thôi thu hút sự tranh luận sôi nổi của chị em công sở. Cung cách làm việc, văn hóa doanh nghiệp, bất đồng ngôn ngữ khiến những phạm trù tưởng chừng như đơn giản trở nên phức tạp hơn bội phần.
Vừa mới đây, trong một hội nhóm quy tụ đông đảo thành viên là dân văn phòng, một cô gái đã có dịp chia sẻ những khó khăn, vất vả cũng như sự mệt mỏi của bản thân khi làm việc dưới trướng một vị sếp người Nhật. Cụ thể, cô kể:
"Em năm nay 23 tuổi, vừa ra trường và đang làm cho một công ty Nhật. Công ty em tuy gọi là Nhật nhưng chỉ có team em là làm việc trực tiếp với bên Nhật dưới sự chỉ đạo của leader được công ty mẹ cử sang. Công việc mỗi ngày của team em cực kì nhiều, thậm chí có ngày còn không nghỉ tay uống nước kịp, nhưng leader vẫn có thể lôi được việc không biết từ đâu ra để giao cho bọn em.
Đặc biệt, sếp thường giao việc lúc 16 giờ 30 mỗi ngày, và mặc cho deadline là hôm nào đi nữa thì bắt buộc em phải xong việc cho sếp kiểm tra ngay trong ngày hôm đó. Điều này khiến team em hoàn toàn không có ngày nào về đúng giờ hành chính, có ngày 19 giờ em tắt máy về thì sếp kêu lại mắng em thiếu trách nhiệm, phải ở lại chờ sếp kiểm tra cho xong mới được về.
Sếp còn so sánh team em chỉ chăm chăm về sớm, không chịu noi gương các nhân viên người Nhật đang làm ở team bên cạnh (nhưng team đó có lương OT, còn bọn em thì không).
Sếp bọn em ngồi sau lưng cả team, chỗ có thể thấy toàn bộ động tĩnh của mọi người. Hồi em mới vào ít lâu từng bị dọa đuổi vì có lỡ phản hồi lại tin nhắn của bạn trên Skype và đi vệ sinh quá nhiều. Có một lần hệ thống công ty bảo trì, các team khác thì tạm ra ngoài ăn uống nghỉ ngơi, riêng team em căng thẳng cực kì vì phải cố lôi được việc gì để làm.
Em lúc ấy ngồi xếp hồ sơ cũng bị sếp mắng, bảo công ty không phải đến để chơi, phải biết kiếm việc gì có ích hơn để làm chứ, dù thực sự những việc em có thể làm khi không vào được hệ thống công ty hầu như không có. Các chị chung team em cũng không nghĩ ra được việc gì để làm lúc đó nữa.
Cuối cùng là em được tuyển vào công ty với vị trí là tour operator, nhưng em cũng phải kiêm luôn trà nước, tiếp đãi khách. Công ty có chị tiếp tân chuyên lo việc này, nhưng sếp bảo chị đó không biết tiếng Nhật nên bắt em thay thế. Thành ra mỗi lần khách đến em lại phải xin chị đó cho em được tiếp khách thay.
Sắp tới, sếp em quyết định nhận thêm việc cho team em làm. Sếp có nói lẽ ra lượng việc bây giờ phải 5 người làm là hợp lý (team em trừ sếp ra thì có 3 người), nhưng nếu tuyển thêm người nữa thì tiền lương bọn em sẽ bị hụt đi nên sếp sẽ không tuyển.
Quả thật đồng nghiệp trong công ty em rất tốt, văn phòng cực kì đẹp, công việc cũng là công việc em thích, nhưng em đang cảm giác quá sức gò bó cũng như không đủ sức tiếp tục nổi nữa. Mong mọi người nhận xét xem có phải sếp em quá khó khăn hay em chịu đựng kém ạ?"
Ngay sau khi được đăng tải cách đây chưa lâu, tâm sự của cô gái đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm. Đồng cảm với nỗi đau của "khổ chủ", rất nhiều ý kiến bày tỏ sự cảm thông cũng như động viên đã được để lại bên dưới phần bình luận:
"Chị nghĩ làm ở công ty này cũng rèn luyện được sức chịu đựng của em đó. Nhưng nếu muốn làm lâu dài không thể mãi vậy được đâu. Nếu thật sự yêu thích công việc thì em nên trao đổi thẳng thắn với sếp, không thỏa hiệp được thì xin chuyển team, không nữa thì nghỉ".
"Công việc được cấu thành từ nhiều yếu tố, nhưng theo mình có 3 cái quan trọng: sếp, môi trường và tất nhiên là lương. Thỏa hiệp được thì cứ làm, không được thì bỏ đi mà làm cái khác, chẳng sao đâu. Nhưng nếu có nghỉ thì cũng hãy đúng quy trình".
"OT và làm những việc ngoài mô tả công việc hoàn toàn đã đủ lý do để tìm một môi trường khác. Sếp có thể khắc nghiệt, yêu cầu nhiều nhưng phải công bằng. Người sếp đầu tiên rất quan trọng, em nên chọn sếp nào cho xứng để học".
Chẳng có một công ty nào có thể đáp ứng điều kiện hoàn hảo 100%. Đâu đó vẫn có những tồn đọng và vấn đề mà người trong cuộc phải chịu đựng và học cách sống chung. Những lời khuyên của những người xung quanh có thể rất bổ ích và xác đáng nhưng chưa chắc phù hợp với hoàn cảnh. Hơn ai hết, mỗi chúng ta là người hiểu rõ nhất những thứ diễn ra quanh mình.
Đi hay ở đều là một lựa chọn và ít nhất nó đúng ở thời điểm quyết định đó được đưa ra. Hãy cân nhắc cho kỹ khi đứng trước những tình huống quyết định, chị em công sở nhé và đừng quên hãy chuyên nghiệp hết mức có thể để ấn tượng còn lại sau cùng là tuyệt mỹ.
Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.
Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.