Sẽ sửa luật để bảo vệ những “Đỗ Nhật Nam”
Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, thay vì khuyến khích để đất nước có thêm nhiều Đỗ Nhật Nam như thế thì người lớn đã vội phê phán sẽ có nguy cơ làm thui chột một tài năng.
Đỗ Nhật Nam (11 tuổi) là một đứa trẻ thông minh. Em từng làm MC trong chương trình Chúc bé ngủ ngon của VTV, là “giáo viên” tiếng Anh của bệnh nhi ung thư. Hiện nay em là dịch giả nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản, em cũng vừa được trao kỷ lục mới “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất Việt Nam” khi phát hành tác phẩm song ngữ Anh-Việt “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?”.
“Ném đá” không thương tiếc
Mới đây khi trả lời một clip phỏng vấn của một tờ báo, đoạn nói về sở thích đọc sách, Nam cho biết em thích đọc sách về chính trị, khoa học, tin học mà không thích đọc truyện tranh vì mẹ em cho rằng truyện tranh là “con sâu đục phá tâm hồn”. Ngay khi clip đăng tải, nhiều người trong cộng đồng mạng đã “ném đá” em và cha mẹ em không thương tiếc, cho rằng em bị đánh mất tuổi thơ, có thái độ không khiêm tốn…
Đến trưa hôm qua (ngày 7/4), đã có ít nhất 10 trang Facebook được lập ra với nội dung là những lời lẽ, cách chèn hình ảnh xúc phạm em. Không chỉ vậy, vài trang Facebook còn “ném đá” em bằng những lời lẽ, tranh biếm họa, ảnh minh họa xúc phạm. Trên YouTube còn có một clip làm dưới dạng parody (clip nhại - trào lưu mới nổi của giới trẻ) nhắm vào em được lồng dưới chủ đề sex với tên gọi “Tớ đã dậy thì như thế nào?” bằng những lời lẽ dung tục. Có người còn gọi em là con sâu đục khoét tâm hồn Việt Nam (viết tắt là Thánh đục) và lồng chân dung của em với những hình ảnh man rợ...
ThS tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa Tâm lý giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM), đã phải lên tiếng kêu gọi mọi người đừng “ném đá” Nam nữa. “Với những gì cậu đã làm được, cậu có quyền tự hào. Những thành tích cậu kể là thành tích thật, nhiều người lớn chúng ta còn chưa làm được những điều cậu đã làm từ lúc 5-6 tuổi. Đó là sự thật, ta nên tôn trọng. Mà cậu kể ra một phần để minh chứng cho quyển sách mới ra mắt về phương pháp học tiếng Anh của mình nữa mà” - ThS Hiếu nói.
Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của hội, cũng cho rằng thay vì khuyến khích để đất nước có thêm nhiều Đỗ Nhật Nam như thế thì người lớn đã vội phê phán sẽ có nguy cơ làm thui chột một tài năng. Bà Thu cho biết hội sẽ sớm có biện pháp động viên gia đình em Nam, đồng thời kêu gọi những người đang sử dụng mạng xã hội hành xử có văn hóa, chừng mực hơn, nhất là với trẻ em vì tác hại để lại về sau cho các em là rất lớn.
Luật còn nợ trẻ em
Điều 26 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn thi hành luật này vẫn chỉ hướng vào xử lý những hành vi xâm phạm truyền thống: ngược đãi, hành hạ, cản trở việc học tập…
Về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm trẻ em, tại Nghị định số 91/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chỉ đưa ra mức xử phạt cho hành vi “dùng lời nói, hành động có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật” với mức phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên, các nhà làm luật đã “bỏ quên” trẻ em bình thường bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Công ước quốc tế về quyền trẻ em và luật nước ta đều có quy định bảo vệ nhân phẩm, danh dự trẻ em trong mọi trường hợp, kể cả đó là trẻ em vi phạm pháp luật. “Gọi tên họ của một người, đưa ảnh của người đó lên mạng và nói xấu, chỉ trích nhằm bôi nhọ người ta thì rõ ràng là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm rồi. Khi luật chưa trị được người xúc phạm trẻ em trong trường hợp này là các nhà làm luật còn nợ trẻ em”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Thu cho rằng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang được sửa đổi, bổ sung cần phải đưa vào hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em trên cộng đồng mạng. Bà Thu nói: “Cha mẹ của Đỗ Nhật Nam là những người trí thức, tôi tin họ có đủ khôn ngoan để bảo vệ con mình trước mặt tiêu cực của cộng đồng mạng. Nhưng nếu sự việc tương tự xảy ra với con của một người không có đủ kỹ năng để bảo vệ con mình thì sao? Điều này pháp luật phải tính tới”.
Sẽ đưa vào Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi Năm ngoái, lần đầu tiên Bộ LĐ-TB&XH nhận được đơn của mẹ em Quỳnh Anh, thí sinh trong thi cuộc thi Vietnam’s Got Talent, đề nghị bảo vệ trẻ em bị thế giới mạng “ném đá” sau khi em bị cộng đồng mạng chế giễu. Bộ LĐ-TB&XH đã có cuộc họp gửi đơn đến các bên liên quan, sau đó Bộ xem xét trách nhiệm các bên thì quả thật vấn đề mạng xã hội phức tạp. Luật pháp của chúng ta quản lý mạng xã hội chưa được chặt chẽ. Luật hiện hành đã có quy định mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em đều bị xử lý nhưng luật không lường hết được những vấn đề mới nảy sinh từ thực tế cuộc sống, như hành vi xúc phạm nhân phẩm trẻ em từ cộng đồng mạng chẳng hạn. Do vậy, trong lần sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần này sẽ được đưa vào cụ thể hơn, nêu cụ thể như thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em. Không chỉ trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi mà trong toàn hệ thống pháp luật (hành chính, hình sự…), tôi tin rằng những hành vi mới phát sinh trong xã hội như vấn đề mạng xã hội sẽ được đề cập đến và có hướng dẫn cụ thể trong các văn bản dưới luật. Bên cạnh quy định hành vi, luật cũng sẽ phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật nữa. Có như vậy mới mong xử lý nghiêm được những hành vi tương tự. Ông ĐẶNG HOA NAM, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Tổ phó Tổ Biên tập sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Người ta sẵn sàng "ném đá" mà quên rằng Nam chỉ là một cậu bé 11 tuổi. Góp ý là tốt nhưng góp ý phải chân thành, ngôn từ phải xây dựng. Không biết những độc giả "lớn tuổi hơn" đó có nghĩ rằng mỗi lời "ném đá" của mình buông ra là một con dao giết chết tâm hồn của một nhân tài đang lớn? ThS tâm lý học NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU |