Sau xăng, thực phẩm tăng giá mạnh
Ghi nhận tại các chợ bán lẻ trên địa bàn TP.HCM, hầu hết các mặt hàng thực phẩm, rau củ đều tăng giá bán từ 5%-20% so với thời điểm trung tuần tháng 6.
Té nước theo... xăng
Sáng ngày 9/7, tại chợ Tân Định (quận 1), giá rau, củ tăng cao hơn so với tuần trước, đặc biệt là các mặt hàng Đà Lạt tăng từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Cụ thể, giá khoai tây tăng từ 18.000 đồng lên 22.000 đồng/kg, cải thảo từ 16.000 đồng lên 18.000 đồng/kg, bông cải từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/kg.
Bà Tuyên, chủ sạp bán rau củ tại chợ, cho biết trước đây để thuê một chuyến xe tải chở hàng từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức về mất 250.000 đồng, nay do xăng tăng giá nên chủ xe đòi thêm 50.000 đồng nữa mới chở. “Vì vậy phải tăng giá bán lẻ mỗi thứ một ít để bù vào tiền chuyên chở”, bà Tuyên nói.
Cũng với lý do cước vận chuyển hàng từ chợ đầu mối Bình Điền về chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) tăng nên ông Phái, chủ sạp kinh doanh thịt gà, phải tăng giá bán nếu không sẽ thâm vào vốn. Tại sạp của ông Phái, giá mỗi kg xương gà tháng 5 chỉ 18.000 đồng/kg, nay tăng lên đến 28.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đình Tạo, chủ doanh nghiệp vận tải H.D chuyên chở hàng nông sản từ Đà Lạt về TP.HCM, cho biết do bị siết chở quá tải nên mỗi xe chỉ chở đúng 8 tấn hàng hoặc cùng lắm thêm được 1 tấn nên chi phí cho mỗi chuyến tăng cao gấp đôi. Chưa kể giá xăng dầu liên tục tăng buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh theo.
Cùng với rau củ, các mặt hàng gia vị cũng tăng giá đến bất ngờ. Tại chợ Xóm Chiếu (quận 4), giá gừng tươi sau Tết ổn định khoảng 40.000 đến 50.000 đồng/kg, gần đây nhảy lên 80.000 đến 100.000 đồng/kg. Tiểu thương ở đây cho hay các loại gừng, nghệ, tỏi, hành từ Trung Quốc nhập về rất ít, hàng trong nước không đáp ứng đủ nên giá tăng cao. “Nếu cứ đà này, giá các mặt hàng này còn tăng nữa”, một tiểu thương nói.
Trứng gia cầm cũng đã tăng giá mạnh từ đầu tháng 7, từ 3.000 đến 5.000 đồng/hộp (10 trứng). Theo các nhà cung cấp, ngoài nguyên nhân do vào mùa sản xuất bánh trung thu nên nhu cầu tăng cao, còn do các hộ chăn nuôi giảm đàn vì giá thức ăn, con giống tăng.
Siêu thị ổn định, chợ đầu mối nhấp nhổm
Ông Phan Diên, Phó Phòng Dịch vụ Xúc tiến Thương mại công ty Quản lý kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết hiện lượng rau củ, quả, thủy hải sản về chợ vẫn ổn định với khoảng 2.400 tấn/ngày. Giá thịt heo, gà vẫn giữ như hồi tháng 6, chưa có dấu hiệu tăng. “Tuy nhiên, việc xăng, dầu tăng giá 2 lần liên tiếp trong 2 tuần sẽ kéo các mặt hàng thiết yếu tăng theo nhưng tạm thời tiểu thương vẫn đàm phán được với các doanh nghiệp vận tải để hàng hóa thông suốt, còn thời gian tới như thế nào thì chưa biết”, ông Diên nói.
Còn theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc công ty Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thông thường vào mùa mưa, sản lượng rau củ bị hao hụt do úng, thối trong quá trình thu hoạch và vận chuyển nên giá về chợ có cao hơn mùa nắng. Việc điều chỉnh giá xăng dầu và cước vận tải cũng tác động đến giá cả nông sản, thực phẩm nhưng chủ yếu ở các chợ lẻ, còn ở chợ đầu mối hiện tại giá tăng không nhiều.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing hệ thống siêu thị Co.op Mart, cho biết hợp đồng giữa các nhà cung cấp với siêu thị được ký kết đều quy định thời hạn điều chỉnh nên doanh nghiệp muốn tăng giá vì lý do thời tiết hay cước vận tải cũng không thể thực hiện ngay được. “Hiện hàng hóa nhập về siêu thị vẫn ổn định, chưa thấy đơn vị nào đề nghị tăng giá. Vì thế, giá các loại rau, củ, quả, thực phẩm vẫn giữ nguyên như cũ; còn diễn biến giá cả thời gian tới chưa thể đoán được”, ông Hoàng Anh nói.
Cân nhắc điều chỉnh giá vận tải
Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định, cho biết 2 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp cách nhau hơn 10 ngày khiến doanh nghiệp vận tải rất khó khăn trong điều chỉnh giá. “Đợt tăng giá lần trước (23/6), doanh nghiệp chưa kịp hoàn thành văn bản điều chỉnh giá cước thì đã “vấp” phải đợt tăng thứ 2.” - ông Thạc nói.
Theo tính toán của ông Thạc, với giá cước cũ (trước khi tăng giá xăng dầu ngày 7/7), doanh thu của doanh nghiệp phải “gánh” đến 60%-65% tiền đầu vào xăng dầu, lợi nhuận chỉ còn 0,7%-0,8% tổng doanh thu. Sau đợt tăng giá ngày 7/7, phần lãi đó đã hết, thậm chí còn lỗ thêm khoảng 15%-17%. Theo ông Thạc, giá cước vận tải cần phải điều chỉnh tăng khoảng 5%-20% trong bối cảnh này thì mới bảo đảm doanh nghiệp có lợi nhuận.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Hải Phòng, cho biết chi phí xăng dầu chiếm khoảng 20%-25% tổng chi phí vận tải. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiến hành đàm phán với khách hàng để tăng cước nhưng chắc chắn mức tăng không thể “như ý” mà 2 bên phải cùng chia sẻ gánh nặng giá xăng. Đối với các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội, theo ông Đỗ Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã đến ngưỡng lỗ nhưng vẫn chưa có kế hoạch tăng cước vận tải do lo sợ giảm hợp đồng. “Tuy nhiên, nếu mức lỗ lớn thì vẫn phải nghĩ đến việc điều chỉnh cước, tránh gây thiệt hại quá nặng cho doanh nghiệp”, ông Liên nói.
Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. HCM
Thái Văn Chung, cho biết vẫn chưa nhận được thông báo từ các doanh nghiệp về việc tăng hay không tăng giá cước vận tải hàng hóa. Trước đó, trong tháng 4, cước vận tải hàng hóa đã tăng cao sau quy định siết tải trọng xe.