Sau vụ 'học sinh ăn thức ăn từ thùng rác': Dạy trẻ cần sự mềm mỏng, sâu sắc!
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đề nghị cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục nhà giáo, cán bộ quản lý tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử sau vụ 'học sinh ăn thức ăn từ thùng rác'.
Ngày 1/5, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã có công văn về chấn chỉnh hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, trong thời gian qua, mặc dù bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng phần lớn đội ngũ thầy, cô giáo vẫn tận tụy với nghề, vượt khó, hết lòng vì học sinh thân yêu, góp phần giúp ngành giáo dục tỉnh nhà hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, gần đây vẫn còn hiện tượng cán bộ quản lý, nhà giáo có biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo, cá biệt có trường hợp được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.
Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đề nghị các đơn vị, cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục nhà giáo, cán bộ quản lý tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử văn hóa học đường.
Các cơ sở giáo dục phải xem việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng giao tiếp… cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu (trong đó, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp).
Thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường.
Yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm, kịp thời cán bộ quản lý, nhà giáo có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.
"Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo đơn vị, trường học nếu để cán bộ quản lý, nhà giáo vi phạm và xử lý kịp thời theo quy định", lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.
Trước đó, dư luận được phen xôn xao khi sáng 18/4, thầy L.T.Đ., Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) đi kiểm tra nền nếp học sinh. Quá trình kiểm tra, thầy Đ. phát hiện có 6 học sinh lớp 12 (2 nam, 4 nữ) mang thức ăn vào lớp ăn.
Theo quy định của trường không cho học sinh ăn trong lớp nên thầy Đ. gọi 6 học sinh này ra ghế đá trước sân trường ngồi ăn.
Khi đi ra ngoài sân trường, có 2 học sinh nam quăng thức ăn đi. Sau đó, thầy Đ. đi kiểm tra một vòng trở lại thì thấy 2 nam học sinh không có thức ăn trong tay nên yêu cầu đi lấy lại ăn.
"Lúc đó, thầy Đ. không biết học sinh đã quăng thức ăn vào thùng rác nên chỉ kêu để ở đâu thì lấy lại ăn", thầy Lê Chí Nguyễn, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển cho biết.
Theo thầy Nguyễn, sau khi sự việc xảy ra, thầy Đ. đã có gặp nhà trường và học sinh, thừa nhận có chút nóng vội, sơ suất không kiểm tra việc học sinh để thức ăn ở đâu, chứ nếu biết thì đã không làm như vậy. Thầy Đ. đã nhận khuyết điểm với học sinh.
Nhiều người cho rằng giáo dục học sinh có khen thưởng, xử phạt, tuy nhiên nên làm sao cho thật lòng, công tâm; phạt sao cho hợp lý, vẹn tình thầy trò mới là điều đáng nói. Nội quy nhà trường không cho phép học sinh ăn sáng trong lớp, thầy hiệu phó nhắc nhở là đúng. Nhưng học sinh ở tuổi 17, 18 nếu biết tôn trọng các em, sẽ hướng các em theo con đường tích cực. Đằng này, cứng nhắc, “bêu” các em ra ngồi ghế đá sân trường ăn mà bạn bè trong lớp, cùng trường đều nhìn được thì rõ ràng đó không phải là giáo dục nhân văn.
Là nhà quản lý giáo dục mà nặng quyền uy nên dễ mất kiểm soát cảm xúc, trong trường hợp này, nếu thầy cô nhẹ nhàng ghi nhận sự việc đến hôm sau, gọi các em lên phòng riêng, tìm hiểu ngọn ngành rồi ân cần góp ý, mong các em hợp tác để trường học được giữ xanh - sạch - đẹp. Đó mới là cách giáo dục hợp tình, hợp lý.
Suy cho cùng thì dạy trẻ, cần sự mềm mỏng, sâu sắc, kiên trì, ấy mới là vì học sinh thân yêu. Học sinh cũng cần được giáo dục để biết phản ứng trước những điều không đúng, để biết thực hiện văn hóa trong môi trường học. Được vậy, thầy trò mới cùng trưởng thành trong ngôi trường hạnh phúc.
Hoàng Thanh