Sau Tết, osin... "không liên lạc được", gia chủ khốn đốn
Thời điểm này, nhiều gia đình phát cáu, tá hỏa khi osin liên tục cáo lỗi: "Sau Tết bị ốm", "Nhiều việc cần làm nên sang tháng mới lên"... Thậm chí có những người giúp việc bỗng dưng “mất tích” luôn sau Tết.
“Osin … chảnh lắm!”
Sau những ngày dài được nghỉ ngơi, chơi bời, nhiều chị em lại bắt đầu công cuộc tìm kiếm mỏi mòn người giúp việc. Ngoài những lời chúc đầu xuân, mọi người còn "share contact" người giúp việc cho nhau và coi đó là việc cần thiết hơn bao giờ hết.
Gia đình anh Thái, chị Hoa (Cầu Diễn - Hà Nội) đang lo lắng với việc không biết gửi con nhỏ cho ai khi phải quay trở lại với công việc của mình.
Chị Hoa tâm sự, gia đình đã giao hẹn với cô Xoan - cô giúp việc nhà chị phải lên đúng hẹn sau Tết nhưng sáng mùng 3, chị đã gọi điện báo: "gia đình có việc đột xuất, khả năng ra Giêng mới lên được".
Sau khi năn nỉ chán chê, cô Xoan hứa sẽ thu xếp rồi gọi lại sớm nhưng chờ mãi không thấy, tới khi chị Hoa gọi lại thì điện thoại cô Xoan đã trong tình trạng "không liên lạc được".
Chị Hoa ấm ức chia sẻ: "Cũng tại mình dễ dãi, mình thưởng cho cô những 2 tháng lương Tết, cùng quà Tết. Cứ nghĩ làm vậy họ sẽ có trách nhiệm hơn. Ấy thế mà... Vợ chồng tôi đang lo lắng, không biết tìm đâu ra người thay thế. Người giúp việc thời nay… chảnh lắm nên tìm kiếm một người ưng ý là rất khó. Mấy hôm nay vợ chồng tôi đến đau đầu vụ này”.
Sau Tết, nhiều người giúp việc tranh thủ đề xuất lương thưởng tăng mạnh khiến không ít gia chủ bối rối (Ảnh minh họa)
Cùng chung cảnh “khát” osin, chị Phạm Thu Ngần (An Dương, Ba Đình, Hà Nội) bức xúc: “Đấy, vừa rồi tôi có thưởng Tết cho bà giúp việc cộng với tiền lương ứng trước một tháng để về ăn Tết cho đầy đủ, bà ấy hứa lên hẹn xuống, thề non hẹn biển là sáng sớm mùng 6 lên. Thế mà tối mùng 5 nhắn 1 cái tin gọn lỏn: "Cô phải 2 tuần nữa mới lên được". Tôi gọi lại thì tắt máy, quyết không chịu nghe. Thế có mệt không cơ chứ? Ức không chịu được nhưng không dám làm gì, vì sợ bà ta tự ái không lên thì còn khổ nữa".
Thực tế, đã xảy ra không ít trường hợp, osin về quê trong dịp nghỉ Tết hoặc với bất kỳ một lý do nào đó rồi không trở lại nữa. Với rất nhiều lý do, không hợp gia chủ, tâm lý nhớ nhà, "có mới nới cũ"...
Xót ruột thuê giúp việc giá cao
Biết rằng nếu ra Tết, giúp việc "biệt tích" thì gia đình sẽ bế tắc, gặp khó khăn, nhiều người đã tìm đủ mọi cách, từ tăng lương, đến thưởng nọ thưởng kia với mong muốn giữ chân osin, nhưng kết quả nhận được vẫn không mấy khả quan.
Sau Tết, với muôn vàn lý do người giúp việc cũ một đi không trở lại, trong khi nhu cầu của mọi người vẫn không ngừng tăng, dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, giúp việc nhà lại càng trở nên hút khách. Đỏ mắt tìm người giúp việc sau mấy ngày Tết, nhiều gia đình cũng chẳng còn cách nào ngoài “buốt ruột” móc ví thuê người giá cao.
Không chỉ dừng lại ở mức 3.000.000 đồng/tháng như trong năm, thời điểm này, nhiều gia đình phải thuê giúp việc từ 40.000 – 75.000 đồng/giờ, thậm chí có người hét giá 100.000 – 120.000 đồng/giờ chưa kể phí môi giới.
Với những người làm dịch vụ dọn nhà theo giờ không thuộc công ty, sau Tết cũng là thời điểm “chạy show”. Chị Lò Thị Hằng mấy ngày sau Tết kín lịch dọn dẹp, chị cho biết, mỗi ngày chị chạy 3- 4 ca, có ngày cao điểm chị kiếm được 500.000 – 800.000 đồng/ngày, chị tính lẩm nhẩm, 2 tuần đút túi hơn chục triệu đồng rồi.
Mùng 6 Tết, nhiều cơ quan bắt đầu đi làm trở lại, trong khi đó, người giúp việc thì vẫn ở quê chưa lên, còn trẻ nhỏ thì chưa đi học. Anh Trường (Bà Triệu, Hà Nội) làm việc cho một công ty truyền thông, anh bắt đầu đi làm từ mùng 6 Tết. Vợ anh làm cho công ty nước ngoài, nên đã đi làm từ mùng 5 Tết. Anh cho biết: “Nhà có 2 trẻ, cùng 1 người già cần chăm sóc. Trong khi cô giúp việc cũ thì hẹn sai lần lữa. Chúng tôi ngoài cách thuê tạm dịch vụ giá cao thì hiện chưa có phương án nào khả thi hơn thế”.
Không phải chỉ mình gia đình anh Trường chịu cảnh "rối như tơ" khi osin khất lần. Thực tế, có rất nhiều gia đình có con nhỏ, có người già cũng rơi vào trường hợp "khổ sở" khi osin sai hẹn. Như gia đình chị Khánh Yên (Lĩnh Nam) có hai cháu nhỏ. Bé lớn đã đi nhà trẻ, cháu nhỏ phải có người ở nhà bế ẵm hàng ngày. Vì cô bé giúp việc chưa đi làm lại, mà ngày nghỉ Tết đã hết, nên vợ chồng chị phải thay nhau xin nghỉ phép, ở nhà trông con.
Theo bác Yến – chủ một trung tâm môi giới giới thiệu việc làm, do đầu năm mới việc tìm giúp việc cũng rất khó khăn, nên phí môi giới thành công mỗi vụ cũng được tăng lên 800.000 - 1.200.000 đồng. “Giá thuê người giúp việc bây giờ cũng rất cao, đa số 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng thậm chí 5 triệu đồng/tháng đối với gia đình có con nhỏ hoặc người già.
Cô Bùi Linh (ở Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ: “Người giúp việc thời nay khác xưa nhiều lắm. Họ biết tầm quan trọng của họ trong gia đình mình nên họ hay làm khó. Nếu mình mà không có những chính sách như tăng lương, thỉnh thoảng thưởng cho họ thì khó mà giữ họ ở lại với gia đình và tận tụy với công việc. Thôi thì tốn kém hơn một chút nhưng được việc thì mình chấp nhận thôi”.