Sau tất cả, first7jobs cho thấy: Không có công việc sang hèn, trải nghiệm là thứ quý giá nhất
Nhặt đồng nát, đi lồng báo, gọt vỏ mì, lượm cà phê hay thậm chí đi vỗ tay thuê - những công việc đầu đời đầy vui nhộn đang được nhiều cư dân mạng kể lại trong trào lưu Firstsevenjobs - 7 công việc đầu tiên bạn làm trong đời.
Từ nhặt đồng nát đến lượm cà phê - những công việc đầu đời đầy kỷ niệm
Mấy ngày qua, trào lưu Firstsevenjobs đang càn quét mạng xã hội Facebook khi người người, nhà nhà hào hứng “kể tên 7 công việc đầu tiên” họ làm trong đời. Đầy cảm xúc và tự hào là cảm giác chung của nhiều người khi bồi hồi nhớ lại những đồng tiền đầu tiên họ kiếm được dù tên công việc không được “hào nhoáng và hoành tráng” gì cho cam.
Nhiều bạn không ngại ngần “bật mí” công việc đầu tiên của mình là đi
nhặt đồng nát, lượm ve chai, rửa chén…với thu nhập đôi khi chỉ đủ mua cây kem
hay tờ báo mình yêu thích, như nick Như Quỳnh, hiện đang làm BTV của một tờ báo
điện tử dí dỏm kể: “Hồi ấy ở bển cạnh nhà có ông sửa quạt điện, ổ điện, nói
chung là liên quan đến điện. Công việc của mình hàng ngày là rình coi ổng đóng
cửa hàng lúc nào và quét nhà lúc nào thì ra nhặt dây điện về dùng dao lam hoặc
lửa đốt cho khét lẹt để lấy đồng với cả đồng vụn bó lại thành bó - bán được 5K/lạng/tuần
- đủ xèng mua tờ Hoa Học Trò thèm thuồng cả tuần”. Có lẽ
việc tuổi còn nhỏ mà kiếm được tiền, bất kể việc ấy là việc gì, số tiền kiếm
được chẳng đáng là bao cũng khiến người ta tự hào.
Cũng từ trào lưu này, cư dân mạng có dịp cập nhật vô số công việc có thể kiếm ra tiền mà trước giờ không hề hay biết. Điển hình như việc lồng báo quảng cáo (việc này thường diễn ra lúc 4 giờ sáng trước các tòa soạn hay đơn vị phát hành báo), làm người mẫu mặt (dành cho những ai có khuôn mặt dễ nhìn, nhiệm vụ là ngồi yên để những người học nghề trang điểm tô vẽ lên mặt), gọt vỏ mì (mùa thu hoạch sắn mì, người lớn lại thuê con nít tới gọt vỏ, 5k/thúng, mỗi buổi được chừng 20-30K), khánh tiết (làm mẫu đứng chào khách ở các tiệc cưới), bán tờ dò số (mỗi ngày thu nhập từ 2 – 5K), bán giấy kiểm tra, đóng vai quần chúng trong phim, vỗ tay thuê (cho các show truyền hình), hoạt náo viên (người đứng đầu hàng ghế khán giả múa, hát, la hét cho mọi người làm theo).
Nhà văn Nguyễn
Thiên Ngân cũng hài hước kể về “tuổi thơ dữ dội” của mình từng có thời gian đi
lượm cà phê “Các đại lý có trò thuê người
phân loại cà phê hạt đen và hạt trắng ra riêng. Ngưn (Ngân) đi lụm 10 ngày còng lưng
đủ tiền mua cuốn báo in hình Backstreet Boys. Mẹ lỗ tiền xà phòng cho Ngưn tắm,
vì lụm xong về dơ như trâu”.
Bên cạnh các status đậm chất hài hước, nghiêm túc hơn, có nhiều bạn chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên ở buổi đầu đi làm kiếm tiền. Nick Trần Thanh Truyền, phóng viên một tờ báo thiếu nhi, bồi hồi kể về thời anh từng làm nghề leo dừa và bán chổi suốt những năm tháng đi học: “Hồi đó, anh em mình đến nhà bà con trong xóm, xin leo dừa, chặt lá xuống, tét lá, đem về vót, phơi để má mình bó thành chổi. Sau đó anh em mình đem bán, lúc đầu bán chổi bằng cách đổi gạo, sau mới bán lấy tiền. Nhớ có lần gạo đổi nhiều đến nỗi anh em mình phải dùng cây làm giá khiêng về nhà. Mấy bữa đó đương nhiên nhà rộn niềm vui. Về sau đi học, mình tranh thủ ôm theo chổi, giấu đâu đó, học xong đi bán luôn. Cứ thế mà anh em mình lớn lên và đi qua thời khốn khó”.
Nick Vy Rùa, họa sĩ, kể công việc đầu tiên của mình là chép tranh “Hồi khoảng lớp 6, có chị hàng xóm nọ cũng là sư phụ vẽ vời đầu tiên của mình, chị vẽ rất đẹp, chủ yếu vẽ công chúa, hoàng tử bán với giá 200đ một bức. Mình đu theo dòm chị vẽ ngày qua ngày và để dành tiền ăn vặt mua tranh của chị về vẽ lại. Vẽ riết tay nghề cũng khá dần lên, rồi chị đông khách quá, vẽ không hết, khách thấy mình vẽ được, giao cho mình, cũng là chép lại tranh của chị hay truyện tranh. Rồi mình kiếm được những 200đ đầu tiên, lại dùng tiền đó mua tranh của chị về chép”.
Vy cho biết chính công việc chép tranh đầu đời này đã thắp
lửa tình yêu mỹ thuật trong cô và khiến cô theo đuổi nghề họa sĩ như ngày hôm
nay.
Càng về sau, công việc càng kiếm được nhiều thu nhập hơn và cùng với đó là những kinh nghiệm mà mỗi người tích lũy được trước khi đến với công việc hiện tại. Firstsevenjobs tựa như một cách để nhiều người hồi tưởng lại con đường lập nghiệp của mình, có gian khó, có vấp ngã, nhưng khi nhìn lại chỉ thấy toàn niềm vui và kỷ niệm. Giống như chia sẻ của bạn Nguyễn Tuấn Anh, một chàng trai làm nghề PR ở một trường đại học kể về lần làm cộng tác viên cho một công ty phân phối sản phẩm: "Mình thực hiện khảo sát và phỏng vấn các chị bầu tại bệnh viện và các phòng khám phụ khoa, một trải nghiệm lạ và vui, để hiểu và thương mẹ hơn nhiều”.
Nhà văn Phan Ý Yên
cũng kể về thời trẻ mình đã làm qua rất nhiều nghề như phục vụ bàn, thu hoạch
trái cây và làm bánh trước khi trở thành một trong những nhà văn được giới trẻ
yêu mến như hiện nay. “Bằng đại học luôn
đáng quý, nhưng quý nhất vẫn là chúng ta thực sự học được gì chứ không phải có
bằng nhưng vẫn là những con gà công nghiệp thiếu phản xạ xã hội linh hoạt, tình
huống giải pháp nhưng lại thừa tự tin huyễn hoặc bản thân”, Ý Yên bày tỏ.
Có những công việc dù không kiếm được nhiều tiền nhưng khiến ta thấu hiểu tình mẹ như câu chuyện của bạn Tuấn Anh.
Theo thông tin từ tờ Time, trào lưu #firstsevenjobs khởi nguồn từ một người dùng Twitter có tên @mariancall hỏi bạn cô về 7 công việc đầu tiên của họ, rồi từ đó internet và mạng xã hội đã mang trò chơi lan ra khắp thế giới, ngay cả những người nổi tiếng cũng không cưỡng nỗi sức hút của trào lưu này.
Buzz Aldrin, phi hành gia Apollo, một trong những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, tiết lộ công việc đầu tiên của ông là rửa chén.
Aaron Levie, người đồng sáng lập và CEO của công ty lưu trữ đám mây Box, đã từng là một ảo thuật gia trong các bữa tiệc sinh nhật.
Trước khi trở thành một nữ diễn viên đoạt giải Oscar, Mira Sorvino cho biết cô từng dạy tiếng Anh ở Bắc Kinh và là một gia sư tiếng Trung.
Đạo diễn phim Star Wars 9 Colin Trevorrow từng có thời gian là thợ làm bánh pizza.
Lần lượt lướt qua nhiều dòng chia sẻ trên Facebook hay Twitter, #Firstsevenjobs cho chúng ta những bài học về cuộc sống khá thú vị. Đầu tiên, con đường đi đến thành công của mỗi người là khác nhau và hầu như không ai có xuất phát điểm giống nhau. Kế đến, con đường phát triển nghề nghiệp thường mất nhiều năm trước khi có kỳ tích lớn lao nào xuất hiện. Có người tìm thấy niềm đam mê của mình từ rất sớm, cũng có những người phải trải qua rất nhiều nghề mới phát hiện ra công việc nào khiến họ say mê và háo hức thức dậy lao mình ra khỏi nhà vào mỗi buổi sáng.
Hầu hết mọi người, kể cả những người bình thường lẫn người đã đứng trên đỉnh thành công đều không khoe khoang về số tiền cao nhất họ kiếm được mà chỉ kể về những công việc họ từng làm qua với giọng điệu đầy tự hào.
Sau tất cả, #Firstsevenjobs cho chúng ta thấy không có ranh giới
giữa công việc sang hèn, đồng tiền kiếm được từ bất kể công việc nào cũng đều
đáng quý, và trải nghiệm là thứ tài sản quý giá nhất mà tất cả mọi người đều cố
gắng thu thập trong quãng đời tuổi trẻ.