Sau nhiều năm, bức ảnh chụp loạt công ty tại Trung Quốc vào đêm khuya vẫn gây kinh ngạc: Sự thật đằng sau là gì?
Vào thời điểm 11-12h đêm, văn phòng tại các tập đoàn công nghệ tại Trung Quốc vẫn sáng đèn như "giờ tan làm" chưa hề xuất hiện.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các công ty công nghệ tại Trung Quốc như ByteDance, Huawei, Xiaomi, Tencent đã trở thành những "gã khổng lồ" trong lĩnh vực. Nhờ quy mô lớn, các công ty này cũng cung cấp số lượng lớn việc làm cho nhiều người và những nhân viên được các công ty này tuyển chọn chắc chắn đều sở hữu profile và khả năng làm việc đáng nể.
Trong những năm qua, loạt bức ảnh chụp bên ngoài các công ty công nghệ vào thời điểm đêm khuya thỉnh thoảng sẽ lại được chia sẻ rầm rộ. Qua bức ảnh, có thể thấy dù đã quá giờ làm việc theo quy định nhưng cửa sổ của tòa nhà vẫn sáng đèn với nhiều nhân viên đang tập trung làm việc trước máy tính.
Dữ liệu từ BOSS Zhipin, một trong những nền tảng việc làm lớn nhất Trung Quốc, cho biết mức lương mà các nhân viên tại các công ty công nghệ đình đám này lên tới hàng chục ngàn USD/năm. Làm việc chăm chỉ và nhận mức lương đáng mơ ước, nhiều người vô cùng ngưỡng mộ công việc của những nhân viên tập đoàn công nghệ này. Tuy nhiên, sự thật đằng sau có lẽ không "đẹp đẽ" đến thế?
Văn hóa 996 khét tiếng
Văn hóa làm việc 996 từ lâu đã trở thành "quy tắc ngầm" trong giới công nghệ. Theo đó, văn hóa này chỉ việc các cá nhân làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối mới nghỉ, mỗi tuần làm việc 6 ngày. Tổng cộng mỗi tuần làm việc 72 giờ.
Với việc dành đa phần thời gian ở công ty, không khó để bắt gặp hình ảnh các nhân viên ăn ở thậm chí là ngủ luôn tại văn phòng làm việc của mình trong nhiều giờ. Mặc dù cách làm việc này cải thiện năng suất làm việc của nhân viên, khiến các công ty có thể nhanh chóng phát triển và các nhân viên đều nhận được mức lương không ít cho mỗi giờ làm thêm nhưng nó khiến cho nhiều người không còn thời gian và tâm trí cho những điều khác trong gia đình.
"Không thời gian, không sức lực"
Zeng, một kỹ sư điện, được gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc tuyển dụng làm giám đốc sản phẩm tại Thâm Quyến vào năm 2012, sau khi làm việc cho một số công ty công nghệ lớn khác ở nơi gọi là "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc.
Kể từ khi làm việc, công việc nhanh chóng "chiếm lĩnh" cuộc sống cá nhân Zeng và khiến anh không có thời gian dành cho gia đình, thời gian rảnh rỗi hay thậm chí là ngủ. Tất cả những gì Zeng có thể dành thời gian cho là công việc.
Sau khi rời khỏi vị trí làm việc của mình, Zeng cho biết: "Thường thì chúng tôi vẫn họp cho đến 11 giờ đêm".
Đối với những nhân viên trẻ tuổi hơn như Wang Shichang (28 tuổi), anh cho biết công việc kỹ sư phần mềm khiến anh luôn trong tình trạng mệt mỏi khi làm việc 12 giờ/ngày và 6 ngày/tuần và hầu như không có thời gian cho vợ mới cưới.
Bên cạnh việc không có thời gian cho gia đình, việc ngồi làm việc trong thời gian dài cũng khiến sức khỏe của Wang bị ảnh hưởng khi anh tăng 9 kg kể từ khi bắt đầu công việc, trầm cảm vì áp lực công việc và thường xuyên thiếu ngủ.
"Giờ leo 4 tầng cầu thang tôi đã thấm mệt. 996 chính là nguồn cơn của tất cả", Wang khẳng định.
Zhu, một lập trình viên 25 tuổi ở Thượng Hải, cho biết hầu hết mọi người trong công ty của anh đều bị "hội chứng lưng phẳng" - một chứng rối loạn khiến cột sống mất đi đường cong thấp tự nhiên, chủ yếu do ngồi sai tư thế trong một thời gian dài.
"Trong các kiểm tra hàng năm, một số bác sĩ mặc nhiên bỏ luôn phần kiểm tra cột sống và lưng phẳng", anh nói.
Nỗ lực xóa bỏ văn hóa làm việc độc hại
Mặc cho mức lương đáng mơ ước, nhiều người trẻ đang dần thoát ra khỏi văn hóa làm việc 996, văn hóa làm việc được họ cho là "độc hại", để dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình và làm những điều mình muốn.
Để loại bỏ môi trường làm việc độc hại, nhiều người trẻ Trung Quốc đã tự chọn cho mình một con đường riêng để phát triển sự nghiệp mà vẫn đảm bảo cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần như "bỏ phố về quê", tự trở thành những người bán hàng livestream hay chỉ đơn giản là chọn công việc giúp họ có thể được nghỉ ngơi, không phải làm việc vào ngày cuối tuần.
Li Qiang, phó chủ tịch điều hành của Zhaopin, cho biết: " Lực lượng lao động trẻ tuổi không còn chấp nhận việc làm thêm giờ vì lợi ích của họ. Do đó, người sử dụng lao động cần cam kết phát triển nhân viên, đồng thời cân bằng giữa việc gia tăng lợi nhuận và giúp nhân viên tìm thấy niềm đam mê của họ trong công việc".
Sun Xianhong, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng của Oriental Yuhong, một công ty vật liệu tại Thâm Quyến, cho biết: "Thay vì tiền, thế hệ này hy vọng tìm thấy bản sắc trong công việc của họ và cảm giác những giá trị của họ được tôn trọng".
Nguồn: Tổng hợp