Sau nâng đường, dân sống trong "nhà hầm", toilet tràn ngược lên sàn nhà, hôi thối không chịu nổi
Nhiều hộ dân còn sống trong cảnh “dở khóc, dở cười” khi nâng đường, nhà thành hầm, muốn ra ngoài phải... trèo.
Ngụ tại số nhà 122/53, đường Phan Văn Hân (P.17, Q.Bình Thạnh, TP. HCM), gần chục người nhà cô Lê Thị Thanh Mỹ (59 tuổi) phải chịu cảnh hôi thối của nhà vệ sinh bị vỡ ống cống hơn 8 tháng nay, kể từ khi tuyến đường này tiến hành giải tỏa mặt bằng, thi công dự án mở rộng, nâng đường cao lên khoảng 1m.
Nhà vệ sinh của gia đình bà Mỹ bị vỡ ống cống khiến tất cả dơ bẩn, rác thải vệ sinh trào ngược lên cả sàn nhà, bốc mùi hôi thối khiến già trẻ, lớn bé trong gia đình vô cùng khó chịu
Cô Mỹ cho biết: "Việc thi công đường khiến căn nhà tôi bị tách làm hai, bức tường đổ vỡ, rạn nứt; nhà vệ sinh thì vỡ ống cống, nước dơ dáy trong cống cứ trào ngược lên đầy cả một sàn nhà, hôi thối không chịu nổi. Những đứa trẻ con không đến dám gần vì sợ tai nạn bất ngờ".
Những căn nhà bị nứt lún do thi công đường, khiến người sống trong nhà lo lắng
Gia đình bà Mỹ sống trong cảnh "dở khóc, dở cười" khi nhà vệ sinh hôi thối, nhà bị tách ra làm đôi kể từ khi nâng đường
Việc nâng cấp và mở rộng đường Phan Văn Hân khiến hàng chục ngôi nhà của những hộ dân sinh sống tại phường 17, quận Bình Thạnh biến thành hầm, thành "hang" hơn 3 tháng nay, làm cuộc sống của họ bị xáo trộn.
Nhiều hộ dân phải đóng cửa, chuyển đi nơi khác sinh sống bởi việc thi công đường còn bừa bộn, nhà bị sụt lún
Ánh mắt buồn bã của bé Thùy (6 tuổi) khi sống trong cái "hang" nhìn ra bên ngoài con đường
Gia đình cụ bà Nguyễn Thị Tạo (83 tuổi) có tất cả 16 người, giờ phải sống chui rúc trong căn nhà nhỏ còn lại sau khi bị đập bỏ phần phía trước để mở rộng đường. Phần nhà còn lại thấp hơn đường khoảng 1m khiến cả nhà cụ rất bất tiện trong việc đi lại, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
"Lúc đầu đi tôi thường bị té và đụng đầu vì chưa quen, giờ leo lên leo xuống miết thành quen nhưng cái chân lại bị đau nhức, rất cực khổ", cụ Tạo chia sẻ.
Việc làm ăn, buôn bán của nhiều hộ dân bị xáo trộn khi căn nhà bỗng dưng biến thành hầm
Phải cúi đầu thật sát mới bước vào được căn "hầm" của mình
Không chỉ gây khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày, việc những ngôi nhà tự dưng biến thành "hang" khiến công việc làm ăn buôn bán của người dân hai bên đường trở nên khó khăn trăm bề. Rất nhiều hộ dân đã bỏ nhà, khóa cửa, đi tìm một chỗ ở mới trong khi chờ đợi con đường hoàn thành.
Từ ngày nâng đường, nhà biến thành "hang", bé Ngọc Thùy (6 tuổi) không cách nào leo ra đường được
Muốn leo lên đường, bé Thùy phải nhờ ông ẵm lên để ra ngoài chơi
Bé Tỵ (4 tuổi) bình thường vẫn hay chạy nhảy lung tung, giờ phải ngoan ngoãn ngồi ở nhà tự chơi đùa vì không có cách nào để thoát ra khỏi căm "hầm" của mình
Gia đình chú Huỳnh Văn Phát (57 tuổi, làm nghề may) cho biết: "Từ khi mở đường, đi lên đi xuống rất khó khăn, việc đụng đầu chảy máu xảy ra thường xuyên, khách hàng thấy nhà cửa, đường xá bừa bộn cũng ít lui tới. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn. Hai vợ chồng tôi giờ đã già cả, lại không có tiền để san cất lại nhà nên chấp nhận sống như vậy chứ biết tính sao".
Không có tiền sửa nhà, xin giấy phép không được, hai vợ chồng ông Phát phải sống trong căn hầm, mỗi lần bước lên là đụng đầu chảy máu, rất nguy hiểm
Cuộc sống của hàng chục hộ dân tại đường Phan Văn Hân bị đảo lộn bởi việc nâng đường
Ngồi một góc thẩn thờ tại đống gạch, bà Lê Thị Mến (ngụ tại số nhà 144/25) cho biết, từ khi mở đường, nhà bà bị công trình thi công làm cho đổ sập, bà phải sống trong cảnh không nhà không cửa. Bà nghẹn ngào: "Chở đống gạch tới định sửa sang lại nhà nhưng có làm được đâu, cái gì cũng phải chờ cấp phép cả, trong khi nhà tôi thì bị làm sập, tôi phải lang thang thuê phòng trọ để ở tạm. Có nhà cũng không ở được, phải đi ở thuê nhà người ta sao tôi chịu được".
Có nhà nhưng không sửa chữa để ở được, bà Mến phải đi thuê trọ ở chỗ khác, cuộc sống rất vất vả
Chú chó bất lực vì không thể nào trèo ra khỏi căn nhà của mình để ra đường
Rất nhiều hộ dân sinh sống tại tuyến đường này cho biết, do những rắc rối trong việc xin phép cấp sửa sang lại nhà cửa, lại thiếu tiền để thực hiện nên họ phải chịu đựng sống trong những ngôi nhà "hang" như thế này.
Người dân tự tạo các bậc thang để thuận tiện cho việc đi lại
Cô Sang vẫn đang mòn mỏi đợi giấy phép để sửa chữa lại căn nhà cho 7 người ở
Căn nhà cũ của cô Lâm Thị Sang (63 tuổi) tại số 114/11 chỉ còn lại hơn chục m2 sau khi nâng cấp con đường mới. Cô cho biết: "Căn nhà nhỏ quá, lại có đến 7 người sinh sống nên rất bất tiện. Tôi đã làm đơn nhiều tháng nay để xin mua lại 15 m2 nhà kế bên, hiện đã chuyển đi nơi khác sinh sống theo diện đền bù giải tỏa nhưng chưa được. Chỉ mong muốn chính quyền nhanh giải quyết để gia đình cô sớm sửa lại nhà. Nhà có đến 4 người già yếu, bước lên bước xuống hoài sao mà chịu được".
Nhiều hộ gia đình có điều kiện đã dựng những lối đi bằng khung sắt trước khi sửa chữa căn nhà của mình
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quý - Chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh cho biết sau khi nhận được phản ảnh của báo chí về việc nâng đường Phan Văn Hân (P.17, Quận Bình Thạnh) gây ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân có nhà thấp hơn đường. Ngày 15-3, UBND phường 17 đã làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng nhà thấp hơn đường khoảng 1m và đều nhận được sự thống nhất cao khi việc nâng đường mang lại môi trường sống tốt hơn cho các hộ dân. Họ không yêu cầu bất kỳ chi phí hỗ trợ nào khác.
Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng của công trình như làm sập nhà, vỡ ống nước...UBND quận Bình Thạnh đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân phường 17 quan tâm, hỗ trợ trong việc xin phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận đặc biệt cho các hộ dân gặp khó khăn, tổ chức đo và lập bản vẽ sơ đồ nhà đất miễn phí cho các hộ dân này để nhanh chóng ổn định cuộc sống.