Sau ly hôn, chồng ‘bắt cóc’ con

Theo Pháp luật TP.HCM,
Chia sẻ

Sau ly hôn, tòa giao quyền nuôi con cho vợ nhưng người chồng đã đem con về nhà riêng ở luôn. Người vợ khiếu nại khắp nơi nhưng nguyện vọng chính đáng của chị vẫn không được giải quyết.

Mẹ đi vắng, cha “bắt cóc” con

Theo chị Nhung, tháng 5-2014, vì có việc riêng nên chị phải ra nước ngoài hai tháng. Trong thời gian đó, chị gửi con trai ĐNH (hai tuổi) cho chị ruột trông nom. Sau đó cha cháu bé là anh NVT (huyện Trảng Bàng) đến thăm rồi đưa con về nhà luôn. Đến tháng 7, chị Nhung đến nhà anh T. xin đưa con về nhưng luôn bị khước từ. Có vài lần chị được phép gặp con nhưng dưới sự giám sát của cả gia đình anh T. Họ nhất quyết không cho cháu bé về ở với mẹ dù chị Nhung đau khổ van xin.

Trước đó, giữa chị Nhung và chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên hai vợ chồng ly hôn vào năm 2012. TAND huyện Trảng Bàng trao quyền nuôi con cho chị Nhung.

Chị Nhung cho biết sau khi được tòa trao quyền nuôi con, chị luôn tôn trọng quyền thăm nuôi con của anh T. và gia đình bên nội cháu bé. Bởi theo chị, đứa bé vẫn cần có đầy đủ tình yêu thương của cả cha và mẹ. Không ngờ chị chỉ đi khỏi nhà một thời gian là xảy ra cớ sự.

Từ tháng 7 đến nay, nhiều lần chị đến thăm con nhưng lần nào anh T. cũng ẵm con đi trốn. Kể đến đây, chị bật khóc: “Tôi không ngủ được, không làm gì được vì rất nhớ con!”. Chị đang làm thuê cho một cơ sở may. Nhiều hôm mở điện thoại ra thấy ảnh con chị lại thẫn thờ, sau đó lại xin nghỉ làm sớm để chạy đi thăm con rồi làm bù vào ngày hôm sau.

Sau ly hôn, chồng ‘bắt cóc’ con 1

Chị Nhung và con trai. (Ảnh do chị Nhung cung cấp)

Trong khi đó, anh T. từ chối mọi câu hỏi về lý do “bắt cóc” cháu bé khỏi mẹ. Anh chỉ nói: “Nhung muốn gì thì cứ kiện ra tòa chứ tôi không giao con. Con mới hai tuổi mà Nhung đi mấy tháng như vậy là không được. Đừng ai hỏi tôi về chuyện gia đình tôi”.

Giành lại quyền nuôi con trong vô vọng

Chị Nhung tìm đến VKS huyện nộp đơn cầu cứu. VKS hướng dẫn chị đến Chi cục Thi hành án (THA) huyện Trảng Bàng nhờ giải quyết. Tuy nhiên, THA huyện từ chối nhận đơn của chị Nhung. Ông Huỳnh Văn Út, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Trảng Bàng, nhận định: “Nếu sau khi tòa án quyết định trao quyền nuôi con cho chị Nhung mà anh T. không giao con, lúc đó THA mới thực hiện cưỡng chế giao con cho chị Nhung. Nhưng lúc tòa tuyên thì chị Nhung đã nuôi con rồi, sau này anh T. mới bắt lại con, vì vậy vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của THA”. Chị Nhung nộp đơn lên tòa án xin giải quyết, tòa án cũng không thụ lý vì vụ án đã xử xong. Một số ngành chức năng đã hướng dẫn chị liên hệ với công an xã và công an huyện nhờ giải quyết.

Chị Nhung tìm đến công an xã nhờ can thiệp. Sau đó đại diện UBND xã, công an xã, Hội LHPN xã đã mời anh T. và chị Nhung lên hòa giải. Trong cuộc hòa giải ngày 29-8, chị Nhung trình bày bản thân có việc làm ổn định, yêu cầu anh T. chấp hành bản án của tòa giao con cho mẹ. Chị sẽ không cản trở quyền thăm nuôi con của anh T. Hội phụ nữ cũng yêu cầu anh T. giao con cho chị Nhung theo phán quyết của tòa. Tuy nhiên, anh T. cương quyết không đồng ý. Cuộc hòa giải bất thành.

Chị Nhung khổ sở bày tỏ: “Tại sao các ngành chức năng lại bất lực như vậy? Tôi rất đau khổ vì bị chiếm đoạt quyền nuôi con của mình. Lâu lâu mới được gặp con, cả hai mẹ con đều khóc, bé nói chỉ muốn về với mẹ thôi…”.

Chi cục THA huyện Trảng Bàng phải giải quyết

Thời hiệu THA là năm năm tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trong năm năm, đương sự có yêu cầu THA lúc nào là quyền của họ. Vì còn trong thời hiệu nên chị Nhung có quyền làm đơn yêu cầu THA gửi đến Chi cục THA huyện Trảng Bàng. Chi cục THA huyện Trảng Bàng phải có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của chị Nhung.

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC,Đoàn Luật sư TP.HCM

Trường hợp này chị Nhung có quyền làm đơn yêu cầu THA gửi đến Chi cục THA huyện Trảng Bàng để được giải quyết.

Ông NGÔ VĂN CHÍNH,Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức THA Cục THA tỉnh Tây Ninh


Chia sẻ