Sau lũ lụt, người dân cần làm gì tránh "dịch chồng dịch"?

N. Huyền ,
Chia sẻ

Đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, cúm, bệnh ngoài da, ngộ độc thực phẩm… là những bệnh dễ phát triển thành dịch sau lũ lụt. Vậy làm thế nào để người dân phòng tránh?

Sau lũ lụt, người dân cần làm gì tránh "dịch chồng dịch"? - Ảnh 1.

VNPT các tỉnh miền Trung, vượt lũ để đảm bảo mạng lưới thông tin huyết mạch

Tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nên hôm nay (21/10), ở khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi 40-80mm, có nơi trên 100mm; Bình Định và Phú Yên 20-50mm, có nơi trên 70mm.

Trong khi đó, ghi nhận tại các địa phương hiện mực nước trên các sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Kiến Giang (Quảng Bình) vẫn đang ở mức cao và xuống chậm. Do đó, ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đặc biệt tại các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Khê, Cẩm Xuyên, Can Lộc, thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và Quảng Bình có Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, TP Đồng Hới.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thiên tai thường đi kèm với dịch bệnh, khi lũ xảy ra thì các điều kiện vệ sinh bị kém, không có nước, nước sạch không có, môi trường bị ô nhiễm, xác súc vật chết...

“Từ các nguyên nhân đó, người dân hay mắc các bệnh đường tiêu hóa do vệ sinh, an toàn thực phẩm, bệnh cúm, cảm lạnh… các bệnh đau mắt đỏ bệnh da liễu đặc biệt là nước ăn chân rất dễ xảy ra. Đây là những bệnh phổ biến sau lũ lụt”, PGS. TS Trần Đặc Phu nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, người dân cần thực hiện tổng thể các biện pháp vệ sinh môi trường sau lũ lụt. Theo đó, các cấp chính quyền địa phương cũng cần lưu ý đến việc cung cấp nước cho người dân trong và sau lũ lụt. Khi không có điều kiện cung cấp nước sạch thì cung cấp các viên khử khuẩn Cloramin B để khử trùng nước.

“Khi lũ rút, người dân phải vét giếng lấy nước mới sinh hoạt, đảm bảo việc phun trùng khử uế các chất thải, xác súc vật chết. Đây là việc rất quan trọng.

Ngoài ra, cần rà soát, đặc biệt phát hiện bệnh nhân càng sớm càng tốt, chỉ điểm dịch có thể xảy ra để chúng ta tích cực điều trị khoanh vùng dập dịch. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường hệ thống khám bệnh, cung cấp thuốc cho người dân”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo ông, việc quan trọng lúc này là tuyên truyền người dân thục hiện biện pháp đề phòng trước khi lũ lụt xảy ra, trong khi xảy ra phải làm gì và sau khi lũ lụt xảy ra thì càng phải làm vấn đề gì khi thiếu từng thứ như thế.

“Thời điểm này lưu ý bệnh sốt xuất huyết, cúm, với những người dân ở vùng rừng núi còn lưu hành thêm bệnh sốt rét. Tất cả những vấn đề này địa phương cần lưu tâm tránh dịch chồng dịch”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Để phòng nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ.

Cục Y tế dự phòng hướng dẫn, sau mưa lũ, ngập lụt cần phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Với xác động vật chết trong mưa lũ cần thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Người dân cũng cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.

Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, TS Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết: Khi mưa, bão xảy ra, sức khỏe và tính mạng người dân bị đe dọa do dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; nhất là sau lũ, lụt. Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Chia sẻ