Sau loạt ồn ào với vợ cũ Xuân Hương, Thanh Bạch lặng lẽ rời khỏi "Ký ức vui vẻ"
Thay thế cho Thanh Bạch ở "Ký ức vui vẻ" là NSƯT Chí Trung.
Theo thông báo chính thức từ ekip sản xuất chương trình truyền hình Ký ức vui vẻ, MC Thanh Bạch đã chính thức rời vị trí đội trưởng. Người thay thế Thanh Bạch là NSƯT Chí Trung. Sự thay đổi này là chính thức chứ không phải chỉ 1 vài số ghi hình.
Ký ức vui vẻ là chương trình truyền hình có nội dung giúp người xem nhớ về hoặc biết thêm những ký ức ở những thập niên 1960, 1970, 1980, 1990 và 2000. Chương trình được Việt hóa từ De generatie show của Bỉ. Đồng hành cùng Ký ức vui vẻ trong vai trò người dẫn dắt, MC - Nhà báo Lại Văn Sâm đã thường xuyên tương tác với Thanh Bạch để tạo nên những câu chuyện hấp dẫn, thu hút người xem.
Trước đó không lâu, Thanh Bạch từng vướng vào ồn ào đấu tố với vợ cũ là nghệ sĩ Xuân Hương. Thông qua Facebook cá nhân, nghệ sĩ Xuân Hương có nhiều bài đăng làm công chúng bất ngờ. Trong đó, Xuân Hương kể Thanh Bạch cưới bà chỉ vì muốn có bức bình phong nhằm che giấu giới tính thật. Xuân Hương cũng chia sẻ trong thời gian còn làm vợ chồng, Thanh Bạch đã nhiều lần đối xử tệ bạc với Xuân Hương.
Những chia sẻ tiêu cực này khiến hình ảnh của Thanh Bạch bị ảnh hưởng khá nhiều. Không ít khán giả có bình luận khiếm nhã dành cho Thanh Bạch xoay quanh câu chuyện với Xuân Hương.
Về phần chương trình Ký ức vui vẻ, trong số phát sóng mới nhất, ekip sản xuất đã làm khán giả xót xa khi mang đến câu chuyện của ca sĩ Phi Nhung. Trên sóng truyền hình, Phi Nhung khóc nghẹn khi kể về quá khứ đen tối của mình:
"Tôi không muốn mọi người tội nghiệp cho mình. Nhiều chuyện buồn đã qua, tôi cũng không muốn kể lại. Tuy nhiên, hôm nay tôi xin chia sẻ rằng tôi vốn thiếu tình thương của cha mẹ. Tôi ở với ông bà ngoại vì mẹ đi lấy chồng". Phi Nhung cũng nói rằng, vì cô là con lai nên thời điểm đó không được đi theo mẹ. Những sự kỳ thị, chê cười đã làm cô phải sống xa gia đình từ khi còn khá bé.
"Từ nhỏ, tôi đã được để ở chùa, không được ở trong nhà, một tháng sau sinh, tôi mới được ngoại đem về. Lúc đầu ông ngoại không đồng ý, sau thấy dễ thương mới cho ở trong nhà. Mẹ tôi đi lấy chồng, tôi chưa bao giờ được gọi má, cũng không được gặp má" - Phi Nhung nhớ lại.
"Đến năm 8 tuổi thì tôi được ở với má. Nhưng chỉ 2 năm sau má đã qua đời. Tôi rất thần tượng má mặc dù má không có nuôi tôi. Tôi thèm gọi chữ má nhưng không dám gọi như mấy chị em khác. Tôi thèm lắm nhưng chỉ đến khi má chết, tôi mới dám cầm chân má và khóc. Tôi nói rằng sẽ thay má nuôi các em ăn học".
"Tôi làm nhà mồ côi, cho các em nhỏ gọi tôi bằng má, nó cũng như bù lại cái hồi nhỏ tôi không có má để gọi. Và tôi hiểu tiếng gọi đó thiêng liêng và giá trị như nào".