Sau khi tôi sinh con trai, mẹ chồng bắt cháu gái mới 3 tuổi sang ngủ cùng giúp việc, nửa đêm con bé rón rén vào xin "cho con ngủ với mẹ xíu xíu thôi" khiến tôi bừng tỉnh
Khi thấy tôi ngồi dậy, con bé đôi mắt đỏ hoe, hai tay ôm chặt chiếc gối nhỏ: "Mẹ cho em ngủ với mẹ 1 xíu thôi, 1 xíu xíu thôi được không?".
Đêm hôm đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi.
Tôi vẫn nhớ như in ngày con gái đầu lòng chào đời. Trong khi tôi mệt lả vì cuộc vượt cạn kéo dài, mẹ chồng chỉ liếc nhìn đứa cháu gái rồi thở dài: "Nghỉ ngơi mấy tháng rồi 2 vợ chồng xem thế nào sinh thêm thằng cu rồi chăm luôn cả thể". Ánh mắt thất vọng ấy theo tôi suốt những ngày ở cữ.
Thật ra tôi hiểu chứ, chẳng có cái gì gọi là chăm luôn cả thể cả, mẹ chồng chỉ muốn tôi nhanh chóng mang thai và sinh cháu đích tôn càng sớm càng tốt. Giống như thể lần sinh đầu là con gái của tôi là lần sinh nở thất bại và vô dụng vậy...
Tôi cố gắng trì hoãn nhưng hai năm sau tôi và chồng không chịu nổi áp lực nên đã đồng thuận chuyện thả để có con. Lần này tôi mang thai 1 bé trai.
Khi tôi sinh con trai, cả nhà chồng vui mừng như bắt được vàng. Mẹ chồng ôm cháu trai không rời, miệng không ngớt lời khoe khoang với hàng xóm về "cháu đích tôn" của nhà.
Chỉ một tuần sau khi sinh con trai, mẹ chồng đã có những sắp xếp khiến tôi sửng sốt. Bà bắt tôi dồn hết sức chăm cháu trai, không chỉ tôi mà cả cái nhà này đều dồn hết quan tâm cho em bé mới chào đời.
Bà giật lấy đứa con gái mới lên 3 của tôi, giao cho người giúp việc chăm sóc. Thậm chí còn dọn hết đồ đạc của con bé sang phòng ngủ của giúp việc.
Tôi phản đối: "Con bé mới 3 tuổi, nó ngủ ngoan lắm, mẹ cứ để con bé ngủ ở phòng con đi!". Nhưng lúc ấy mẹ chồng nói, em bé mới sinh có thể quấy khóc nên cần được chăm sóc nhiều hơn, tôi đành im lặng.

Đêm đầu tiên xa mẹ, từ phòng bên vọng lại tiếng con gái tôi khóc thét gọi mẹ, nhưng tôi không dám sang vì sợ mẹ chồng mắng.
Vả lại, lúc ấy tôi còn yếu ớt và may mắn là bác giúp việc nhà tôi rất tốt, bác thương con gái tôi như con cháu trong nhà nên việc để con sang ngủ với bác tôi cũng tự trấn an là không sao đâu.
Con trai tôi được 2 tháng tuổi, thằng bé khá quấy chứ không dễ chăm sóc như chị gái mình. Tôi gần như cạn kiệt sức lực vì chăm sóc 1 em bé nhỏ. Thú thực, lúc ấy tôi phần nào ít quan tâm đến con gái hơn, chủ yếu mọi sinh hoạt của con đều là bác giúp việc làm hết.
Sự áy náy của việc vô tâm dần dần mai một, tôi cũng dần dần chỉ chú tâm vào con nhỏ...
Thế rồi, mấy đêm liền, tôi thấy cánh cửa phòng mình hé ra 1 chút nhưng vì quá mệt mỏi nên tôi không bận tâm nhiều. Cho đến tối hôm ấy...
Khi cánh cửa phòng khẽ mở, con gái bé bỏng của tôi - đứa trẻ mới lên 3 rón rén bước vào. Từng bước chân của con bé đầy thận trọng, cái đầu nhỏ nghiêng nghiêng nhìn vào giường như thể quan sát xem mẹ đã ngủ hay chưa.
Khi thấy tôi ngồi dậy, con bé đôi mắt đỏ hoe, hai tay ôm chặt chiếc gối nhỏ: "Mẹ cho em ngủ với mẹ 1 xíu thôi, 1 xíu xíu thôi được không?" - giọng nói ngắt quãng ấy như nhát dao cứa vào tim tôi.
Tôi vội vàng xuống giường ra bế con bé lên nằm cùng. Tôi khóc không ngừng được, mặc kệ cho việc tiếng nức nở của mình có thể đánh thức bé út mà tôi phải ru mãi mới chịu đi ngủ.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra nếu không phải là tôi, nếu không phải là người sinh ra những đứa trẻ ấy thì ai sẽ là người bảo vệ được chúng đây?
Sáng hôm sau, tôi tuyên bố với cả nhà sẽ để hai con ngủ cùng phòng. Mẹ chồng nổi giận ra mặt nhưng thấy tôi có vẻ kiên quyết nên bà quay sang sưng sỉa và chiến tranh lạnh. Chồng tôi cũng khuyên tôi nghe lời mẹ. Nhưng lần này, tôi kiên quyết không nhượng bộ.
Tôi sắp xếp lại phòng mình 1 chút, con gái tuy không nằm cùng giường với tôi nhưng có 1 chiếc giường nhỏ ngay trong phòng mẹ. Con bé vui vẻ chấp nhận việc không được ngủ chung giường với mẹ, nó thỏa mãn với việc được ở cùng phòng với mẹ, với em trai.
Điều quý giá nhất là ánh mắt con gái tôi lại sáng lên. Mỗi tối, trước khi ngủ, nó lại thủ thỉ với em trai: "Em ngoan nhé, đừng có khóc để mẹ còn ngủ nhé!".
Trải qua tất cả, tôi hiểu rằng không đứa trẻ nào đáng bị đối xử bất công vì giới tính của mình. Tình mẫu tử không thể bị chia năm xẻ bảy hay đong đếm bằng những định kiến cổ hủ. Hạnh phúc thực sự là khi những đứa con của ta được yêu thương vô điều kiện, được là chính mình trong vòng tay ấm áp của mẹ. Giờ đây, mỗi khi thấy con gái dạy em trai hát, lòng tôi lại trào dâng niềm hạnh phúc khôn tả - hạnh phúc của một người mẹ đã dũng cảm đứng lên bảo vệ quyền được yêu thương của những đứa con mình.