“Sau khi bạn bị sa thải, sếp cũ vẫn gọi điện hơn 20 cuộc để nhờ giúp đỡ, có nhận lời hay không?”

Thùy Linh,
Chia sẻ

Cách trả lời của ứng viên cũng để lại nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, đáp án như vậy sẽ khiến công ty “phật lòng”.

‏Trong một cuộc phỏng vấn cho vị trí kỹ sư cấp cao, một ứng viên tên H. (29 tuổi, Trung Quốc) đã nhận 1 câu hỏi tình huống vô cùng bất ngờ. Nội dung câu hỏi và quá trình trao đổi sau đó cũng khiến anh phải suy ngẫm không ngừng. Cuối cùng, anh quyết định chia sẻ vấn đề này lên một diễn đàn nội địa để mọi người cùng thảo luận và đưa ra cái nhìn từ nhiều góc độ.‏

‏"Năm nay tôi 29 tuổi, là một ứng viên không quá trẻ trên thị trường lao động. Nhưng với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong ngành, tôi vẫn nhận được rất nhiều cuộc gọi mời phỏng vấn và đề nghị công việc. ‏

‏Tuần trước, tôi đã nhận lời mời phỏng vấn vị trí kỹ sư cấp cao của một công ty có tiếng trong ngành thiết bị cơ khí. Quá trình trao đổi ban đầu không có gì bất ngờ khi họ tìm hiểu về kinh nghiệm, thành tựu và những gì mà tôi có thể đóng góp cho công ty. Đãi ngộ công ty này rất tốt, mức lương đề xuất tuy không quá cao, nhưng cũng nằm trong mong muốn của tôi.‏

‏Tôi tự tin mình thể hiện khá tốt trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, điều khiến tôi phân vân suy nghĩ suốt nhiều ngày qua lại là câu hỏi tình huống cuối cùng.‏

‏Lúc đó, một quản lý cấp cao đã đặt câu hỏi thế này: ‘Giả sử, nếu như anh đã bị sa thải khỏi công ty nhưng sếp cũ vẫn liên tục gọi điện. Ban đầu, anh cố tình không nghe máy, nhưng vị sếp đó kiên trì gọi hơn 20 cuộc. Cuối cùng, anh đành phải nhận điện thoại và biết rằng, công ty cũ đang gặp một vấn đề khó khăn mà anh có thể giải quyết. Vị sếp cũ muốn nhận được sự giúp đỡ từ anh. Khi đó, anh sẽ xử lý thế nào?’

photo-1698461562366

‏Tại thời điểm ấy, vì muốn thể hiện bản thân là người có trách nhiệm, biết trước biết sau chứ không "cạn tàu ráo máng", tôi đã đồng ý sẽ nhận lời giúp đỡ, đồng thời đưa ra những điều kiện liên quan. Dù vậy, bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy khá lo ngại cho câu trả lời này. Liệu người phỏng vấn của công ty mới có nghĩ rằng, tôi là người "làm việc 2 mang" hay không? Điều này có gây ảnh hưởng tới thiện cảm của họ hay không?‏

‏Nếu rơi vào tình huống như vậy, mọi người sẽ phản ứng thế nào?"‏

‏Câu hỏi của nam ứng viên H. nhận được khá nhiều sự chú ý. Không ít người để lại bình luận và chia ra nhiều ý kiến trái chiều.‏

‏Có người đồng thuận với cách trả lời của anh chàng vì cho rằng, những người thông minh sẽ rời bỏ công việc một cách có trách nhiệm và thân thiện. Họ chắc chắn sẽ không phá vỡ chiếc cầu nối, mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp cũ. ‏

‏Hơn nữa, trước khi nhân sự nghỉ việc, các công ty đều có quy trình bàn giao tất cả thông tin cần thiết để tránh gây ảnh hưởng đến công việc chung. Nhân sự chuẩn bị nghỉ việc sẽ cần thống kê và hướng dẫn để đồng nghiệp có thể tiếp tục đảm nhận công việc của họ một cách thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp có thể đề nghị nhân sự nghỉ việc phải sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào về công việc trong vòng 3 tháng tới để giúp họ giải quyết tiếp các trách nhiệm.‏

‏Vì thế, nếu sếp cũ mở lời mong muốn được giúp đỡ, bạn hoàn toàn có thể nhận lời. Bạn càng tỏ ra thiện chí thì sự ra đi của bạn càng hiên ngang. Đồng nghiệp và sếp cũ đều ý thức được giá trị mà bạn mang lại. Thế giới rất nhỏ bé, bạn có thể gặp lại sếp hay đồng nghiệp cũ trong một tình huống nào đó trong tương lai mà chính bạn cũng không ngờ. Vì thế, cư xử lịch thiệp khi rời bỏ công việc mà nhiều người đều đồng thuận.‏

photo-1698461563309

‏Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, nhiều lãnh đạo chỉ muốn nhân viên tập trung làm việc cho công ty của mình. Có công ty còn ghi rõ nghiêm cấm nhân viên làm thêm trong hợp đồng lao động, nếu làm trái, họ sẽ thẳng tay kỷ luật, thậm chí là đuổi việc khi bị phát hiện ra. Đặc biệt là với những vị trí cốt cán trong doanh nghiệp hoặc những cá nhân đã được nhắm bổ nhiệm lên vị trí cấp cao (chẳng hạn như người quản lý, kỹ sư trưởng, các cấp lãnh đạo…)‏

‏Bởi lẽ, công việc làm thêm có thể là nguyên nhân làm nhân viên dưới quyền của họ không thể tập trung vào công việc chính, thậm chí làm việc không tận tâm, không làm hết sức mình. Không phải tự nhiên mà người xưa có câu: "Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề". ‏

‏Mặc dù bạn có thể sắp xếp công việc chính một cách thật tốt, hết giờ hành chính mới về. Việc này là đúng quy định, trách nhiệm. Thế nhưng, các sếp không dừng lại ở mong muốn đó. Ai cũng muốn nhân viên của mình cống hiến và hết mình với công việc, đó là chưa kể đặc thù của nhiều công việc cần nhiều thời gian để ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm, sáng tạo.‏

‏Vì thế, khi ứng tuyển vị trí kỹ sư cấp cao - một vị trí khá quan trọng trong công ty, anh H. nên thể hiện bản thân một lòng muốn cống hiến cho duy nhất một đối tượng. Công ty cũ đã không còn liên quan. Nếu nhận lời giúp đỡ, điều đó tương đương với việc anh H. đang làm thêm ngoài giờ. ‏

Chia sẻ