Sau giờ học, trẻ nên chơi trước hay làm bài trước? Thứ tự sai ảnh hưởng đến thành tích học tập
Sau giờ học, trẻ nên chơi trước hay làm bài trước? Cha mẹ khác nhau có ý kiến khác nhau, và mỗi người có lý do riêng của họ.
Sau giờ học, trẻ nên làm bài tập về nhà trước hay chơi trước? Câu hỏi được đưa ra trên một diễn đàn dành cho phụ huynh ở Trung Quốc dẫn đến 2 quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau và lý do nào cũng có vẻ... hợp lý khiến nhiều bậc cha mẹ phải đau đầu.
1. Quan điểm thứ nhất là làm bài trước rồi mới chơi
Nếu chơi trước rồi bị ngắt giữa chừng, trẻ sẽ cảm thấy mức độ vui chơi chưa đủ, việc tập trung hoàn thành bài tập không cao. Nếu làm bài tập về nhà trước và dành nhiều thời gian hơn để chơi sau đó, sẽ cải thiện hiệu quả học tập của bạn.
Đường cong lãng quên Ebbinghaus (đặt theo tên nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus) đã mô tả sự suy giảm khả năng lưu giữ trí nhớ của não bộ theo thời gian. Ebbinghaus nhận thấy đường cong lãng quên có bản chất là cấp số nhân. Khả năng ghi nhớ là 100% tại thời điểm học bất kỳ thông tin cụ thể nào. Tuy nhiên, nó giảm nhanh chóng xuống 40% trong những ngày đầu tiên. Sau đó, tốc độ duy trì trí nhớ lại chậm lại.
Điều đó có nghĩa, làm bài tập sau thời gian học trên lớp càng lâu trẻ sẽ càng quên nhiều hơn, vì thế sẽ khó khăn và tốn thời gian hơn. Sau khi đứa trẻ chơi đùa, não đang trong tình trạng quá phấn khích, trẻ không thể ngồi yên một chỗ, không thể tập trung để làm bài tập về nhà.
2. Quan điểm thứ hai là chơi trước rồi làm bài
Có rất nhiều bài tập về nhà, sau khi làm xong, đứa trẻ có rất ít thời gian để chơi. Hơn nữa, lúc đó đã rất muộn, không còn phù hợp để trẻ ra ngoài chơi nữa. Sau một ngày học mệt mỏi ở trường, trẻ nên được nghỉ ngơi, vui chơi một lúc sẽ rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần, tâm trạng trẻ sẽ vui vẻ, hiệu quả làm bài sẽ cao hơn.
Giống như khi tan sở về nhà, chúng ta cũng cần nghỉ ngơi trước khi làm việc nhà. Vì vậy không cần thiết phải có sự kết nối liền mạch từ việc học ở trường đến bàn học ở nhà.
Cả hai quan điểm đều có lý, vậy cuối cùng thứ tự nào tốt hơn?
Giáo sư Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) cho biết trong một cuộc phỏng vấn: Sau khi đón trẻ từ trường về, bạn có thể cho trẻ xuống nhà để tập thể dục một lúc, đi xe đạp, chơi bóng, nhảy dây để trẻ đổ mồ hôi rồi mới làm bài.
Trong cuốn sách "Nuôi dạy con hoang dã", tác giả cũng có viết: Trước khi bắt đầu làm bài tập về nhà hoặc làm việc nhà, trẻ cần ra ngoài chơi một lúc và ăn uống đầy đủ.
Bản chất của trẻ em rất hiếu động. Cả ngày đã ngồi ở trường, chúng đặc biệt cần được xả hơi và giải tỏa thông qua vận động. Như vậy mới có thể vui vẻ và có động lực thực hiện một số công việc khác. Trẻ đang trong giai đoạn lớn, cộng với việc lao động trí óc trong học tập, cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng, cần bổ sung nước và thức ăn để có năng lượng làm bài tập về nhà.
Tập thể dục có thể cải thiện sự tập trung của trẻ. Một thí nghiệm tại Đại học Illinois ở Hoa Kỳ cho thấy rằng bất cứ khi nào sinh viên tham gia các hoạt động thể chất, họ sẽ tập trung hơn vào việc học và có thành tích học tập cao hơn.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo của nhiều phụ huynh là: trẻ nghịch phá không muốn học, trẻ quên nội dung học dẫn đến làm bài chậm. Muốn con không gặp phải tình trạng này, cha mẹ nên thống nhất với trẻ thời gian vui chơi, vận động, chẳng hạn nửa tiếng hay một tiếng. Sau đó, nhắc nhở trẻ về nhà đúng giờ, không ảnh hưởng đến thời gian làm bài. Nếu con không thực thi đúng, có thể bị trừ thời gian vui chơi những ngày sau.
Hướng dẫn con xem đi xem lại những gì đã học trên lớp bằng cách đọc sách giáo khoa và ghi chú. Đối với những kiến thức không rõ, cần tham khảo thêm tài liệu.
Khi làm bài xong cần hình thành thói quen kiểm tra đúng sai và sửa bài. Sau đó, xem trước nội dung học tập của ngày hôm sau. Tự đặt ra câu hỏi và vấn đề muốn giải quyết, những thắc mắc chưa hiểu để ngày mai hỏi giáo viên. Cuối cùng, hãy tự chuẩn bị cặp sách và đồ dùng học tập.
Sau giờ học, trẻ nên chơi trước hay làm bài trước? Cha mẹ khác nhau có ý kiến khác nhau, và mỗi người có lý do riêng của họ. Phụ huynh có thể quan sát biểu hiện của con mình trước. Nếu trẻ không tập trung làm bài, làm bài kém hiệu quả thì phải nhận ra trình tự đang thực hiện có thể sai và kịp thời điều chỉnh để trẻ luôn có tâm trạng tốt.