Họ biết ở nhà chẳng có gì mới mẻ và hấp dẫn trong khi bên ngoài cánh cửa ngôi nhà của họ ở luôn là những thứ đầy mới mẻ đang chờ đợi họ khám phá.
Lấy nhau được 3 năm, cuộc hôn nhân của Tùng và Phương đang trải qua giai đoạn trầm của khuông nhạc tình yêu. Từ ngày còn là sinh viên, Tùng đã luôn phải chịu đựng tính hay làu bàu, nói nhiều của Phương. Phải mỗi tật nói nhiều nhưng Phương lại được cái tốt nết và không để bụng lâu. Chính vì vậy mà anh quý trọng và yêu thương cô hết lòng. Tình yêu của họ gặp một số trở ngại khi mà bố mẹ cô yêu cầu Tùng phải ở rể. Họ không muốn cô con gái duy nhất của mình lại trao tặng cho một chàng trai “phố núi”.
Lúc đầu, Tùng chẳng chịu nghe vì như thế khác nào phận “chó chui gầm chạn” chẳng đáng mặt nam nhi. Anh nhất quyết không nghe theo quyết định của cha mẹ Phương. Năm đầu tiên, cuộc sống của họ diễn ra khá suôn sẻ, đôi uyên ương thoải mái tận hưởng hanh phúc của những cặp vợ chồng son. Đến năm thứ hai khi Phương mang bầu tháng thứ 6, cô đề nghị anh dọn về sống với bố mẹ mình để tiện việc sinh nở và có người chăm sóc. Ban đầu, Tùng vì tự ái mà lưỡng lự, nhưng hết nịnh nọt lại đến giận hờn, anh đành chiều theo ý bà bầu mà trong lòng cũng vương một chút ấm ức.
Được về nhà, Phương như chim sổ lồng, cô bớt chăm chỉ hẳn, chỉ suốt ngày ngồi kêu mệt mỏi và chẳng động chân động tay làm việc gì. Cứ mỗi khi đi làm về muộn là y như rằng Tùng lại gặp ánh mắt dò xét của bố mẹ cô. Khi sinh con xong, Phương tỏ ngay thái độ muốn ở hẳn nhà bố mẹ để có người trông cháu.
Dạo này công ty của Tùng đang làm dự án nên bận liên miên, nhưng hễ cứ mò được về đến nhà Tùng lại nghe Phương càu nhàu: “Anh cứ đi tối ngày, anh phải để ý xem con nó lớn thế nào? Sáng đi thì con chưa dậy, tối về thì con đã ngủ”. Vừa mới tắm xong, Phương "đập" thẳng vào mặt Tùng: “Tiền tháng này thiếu nhiều quá đấy, anh phải nghĩ đến em và con chứ”. Có những hôm Tùng về sớm ăn cơm cùng gia đình, Phương không những không phục vụ anh mà lại còn sai phái bắt anh lấy thứ nọ thứ kia, kể tội và so sánh anh trước mặt bố mẹ cô với mấy ông chồng của cô bạn: “Cái Nga ở cơ quan em vừa được chồng tặng cho một bộ dây chuyền nhân dịp sinh nhật, có chồng thế mới sướng chứ...".
Cứ như thế, niềm tự ái trong Tùng dâng lên cao hơn. Anh thấy Phương ngày càng quá quắt, cô không con hiểu và tôn trọng anh như ngày xưa nữa. Chính vì vậy, cứ hết giờ làm anh lại thích ngồi quán xá bụi bặm với mấy ông bạn, đơn giản là chỉ ngồi nhâm nhi với nhau cốc bia hơi và đĩa lạc hơn là quay trở về ăn bữa cơm thịnh soạn với vợ. Không phải anh cố tình làm như vậy mà là do cứ đến bữa anh lại nghe "bản tin phát thanh" chao chát của vợ. Thế là "trốn nhà là giải pháp an toàn để tránh bom oanh tạc" của vợ.
Lại có những người đàn ông không phải vì vướng mắc chuyện gì đó trong gia đình mới không muốn về nhà, mà đơn giản "sinh thời" họ đã quen đàn đúm tụ tập. Nếu mấy ngày không được hàn huyên với mấy anh bạn chí cốt, với đàn ông cuộc sống cứ nhàn nhạt như thiếu muối.
Minh Nghĩa chính là mẫu đàn ông như vậy. Thuở còn mặn nồng yêu đương, Huệ đã không ít lần bị cho leo cây vì tính “không thể bỏ bạn bè lại được” của Minh. Nhưng Minh lại xin lỗi và hứa sửa chữa thì Huệ lại bỏ qua vì cô tin khi đã có một gia đình, bản chất la cà của Nghĩa sẽ được dẹp bỏ.
Thế nhưng sự đời lại không như vậy, Nghĩa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người chồng, yêu vợ, yêu con, mang tiền đầy đủ về nhà, chỉ mỗi tội một tuần thì chỉ ăn cơm với được nhiều nhất là hai lần. Khóc lóc, khuyên nhủ đủ kiểu, Nghĩa vẫn im lặng như một tờ giấy.
Cô cũng hiểu nghề copywriter của anh rất cần có nhiều ý tưởng và việc “vạ vật” chỗ nọ chỗ kia cũng là cách để anh sáng tạo và thăng hoa. Nhưng càng ngày anh càng tệ hơn. Cứ đến giờ giờ cơm là y như rằng điện thoại tắt máy. Cô biết anh cố tình làm thế để lảng tránh tiếng cằn nhằn và giục giã của vợ nhưng cô vẫn tức.
Có lúc nghi ngờ Nghĩa có bồ nhưng qua mấy lần làm “trinh thám” cô biết được bản chất con người anh lại trở về thời trai trẻ. Chẳng cần vào những nhà hàng sang trọng đắt tiền, chẳng cần phải đến những món ăn sơn hào hải vị, Nghĩa chỉ cần say sưa chén chú chén anh để hưởng thụ cái không khí náo nhiệt tưng bừng của hội hè đàn đúm, nơi cứ việc cười ha hả và tán phét thỏa thích. Và khi tâm hồn phơi phới, anh mới nhớ ra mình phải về nhà vì mình đã có một gia đình.
Nhà tâm lý học người Mỹ, Kriput R. Adams lại cho rằng :"Khi một người chồng hay bỏ nhà đi chơi tức là anh ta không tìm thấy niềm vui trong gia đình và đi tìm vui ở chỗ khác. Trong trường hợp đó, người cần phải xem lại mình trước nhất là người vợ, vì đó là người quyết định bầu không khí gia đình đầm ấm, thanh thản hay lạnh lẽo, nặng nề ?
Muốn cho chồng gắn bó với gia đình phải làm sao để anh ta cảm thấy không ở đâu anh ta có thể thoaỉ mái và tiện nghi hơn trong ngôi nhà của mình. Ơ đó, anh ta là chủ, như ông vua trong cái vương quốc nhỏ bé của mình, chứ không phải là một kẻ phá hoại vụng về luôn bị chê trách, phàn nàn, gắt gỏng một cách khó chịu. Nếu muốn chồng cứ sểnh ra là biến khỏi nhà ngay lập tức thì bạn cứ đay nghiến nhiều vào, thành một "bà la sát" cho đến bao giờ anh ta đi hẳn không trở về nữa. Khi đó ngôi nhà có thể sạch như li như lau, đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng sáng choang lên nhưng chắc chắn sẽ lạnh lùng vì còn đâu hơi ấm của đàn ông?
TH - HM
Tổng hợp