Sau COVID-19, WHO định nghĩa bệnh lây lan "qua không khí"
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và khoảng 500 chuyên gia lần đầu tiên đã thống nhất về ý nghĩa của việc một căn bệnh lây lan qua không khí.
Việc này nhằm tránh nhầm lẫn trước đó về đại dịch COVID-19 mà một số nhà khoa học cho rằng phải trả giá bằng mạng sống.
Tổ chức Y tế Thế giới có trụ sở tại Geneve (Thụy Sĩ) đã công bố một tài liệu kỹ thuật về chủ đề này vào ngày 18/4. Họ cho biết đây là bước đầu tiên hướng tới việc tìm ra cách ngăn chặn dạng lây truyền này tốt hơn - đối với cả các bệnh hiện có như bệnh sởi và các mối đe dọa đại dịch trong tương lai.
Tài liệu kết luận rằng từ lây lan "qua không khí" có thể được sử dụng cho các bệnh truyền nhiễm trong đó hình thức lây truyền chính liên quan đến mầm bệnh di chuyển trong không khí hoặc lơ lửng trong không khí, tương tự với các thuật ngữ khác như bệnh "lây lan bằng nước uống", lan truyền qua việc dùng nước nhiễm trùng được đa số người dân hiểu trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Gần 500 chuyên gia đã đóng góp vào định nghĩa này, bao gồm các nhà vật lý, chuyên gia y tế công cộng và kỹ sư, nhiều người trong số họ trước đây đã không thống nhất về chủ đề này.
Với định nghĩa định nghĩa bệnh lây lan "qua không khí", việc thông gió phòng bệnh đã được chú ý tới (Ảnh: Walter Popp)
Trước đây, các cơ quan luôn yêu cầu mức độ bằng chứng cao trước khi gọi các bệnh lây truyền qua đường không khí, đòi hỏi các biện pháp ngăn chặn rất nghiêm ngặt; định nghĩa mới cho biết nguy cơ phơi nhiễm và mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng cần được xem xét.
Những bất đồng trước đây cũng xoay quanh việc liệu các hạt truyền nhiễm là "giọt" hay "khí dung" dựa trên kích thước hay không, điều mà định nghĩa mới đã loại bỏ.
Trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19 vào năm 2020, khoảng 200 nhà khoa học về khí dung đã công khai phàn nàn rằng WHO đã không cảnh báo người dân về nguy cơ virus có thể lây lan qua không khí. Họ cho biết điều này dẫn đến việc tập trung quá mức vào các biện pháp như rửa tay để ngăn chặn virus, thay vì chú ý tới việc thông gió.
Đến tháng 7/2020, cơ quan này cho biết đã có "bằng chứng mới" về sự lây lan qua không khí nhưng nhà khoa học trưởng lúc đó là Soumya Swaminathan cho biết đã mở định nghĩa mới mà lẽ ra WHO phải mạnh mẽ đưa ra từ trước đó
Người kế nhiệm của bà - Jeremy Farrar - thông tin việc có được sự đồng thuận về định nghĩa giữa các chuyên gia từ tất cả các lĩnh vực sẽ cho phép các cuộc thảo luận bắt đầu về những vấn đề như hệ thống thông gió ở nhiều môi trường khác nhau, từ bệnh viện đến trường học.
Ông so sánh nó với việc nhận ra rằng các loại virus lây truyền qua đường máu như HIV hoặc viêm gan B có thể lây lan do các bác sĩ không đeo găng tay trong quá trình làm thủ thuật.
Ông nói với Reuters: "Trước đây, các sinh viên y khoa, y tá, bác sĩ - không ai trong chúng tôi đeo găng tay khi lấy máu. Bây giờ không thể tưởng tượng được rằng bạn sẽ không đeo găng tay khi làm công việc này. Nhưng điều đó diễn ra vì mọi người đều đồng thuận vấn đề là gì, họ thống nhất về thuật ngữ".