Sáu câu hỏi xung quanh vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris

BẢO HÂN,
Chia sẻ

Chưa rõ nguyên nhân về vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra tối 15/4 (giờ Pháp) trong khi nhiều người quan tâm tới công tác cứu hỏa phức tạp đối với công trình 850 năm tuổi của nước Pháp.

Sáu câu hỏi xung quanh vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 1.

Các nhà điều tra đang tiến hành làm rõ nguyên nhân vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris

Những giả thiết đầu tiên

Văn phòng Công tố Paris nhanh chóng mở cuộc điều tra, giao cho Đội Hình sự của Cảnh sát Tư pháp do nhận thấy sự phức tạp trong quá trình điều tra cũng như mức độ phá hủy nghiêm trọng.

Theo một nguồn tin từ cảnh sát, các nhà điều tra bước đầu nghiêng về giả thiết vụ cháy bắt nguồn từ việc hàn trên khung gỗ.

Một chuyên gia tư pháp về hỏa hoạn nhận định, nhà thờ Đức Bà Paris là một hộp diêm khổng lồ. Khung nhà thờ có tuổi thọ lâu đời, bụi gỗ, vật liệu bằng gỗ dễ bắt lửa nên chỉ cần tia lửa hàn có thể nhanh chóng đốt nóng vật liệu, có thể âm ỉ vài giờ hoặc thậm chí vài ngày trước khi bùng phát thành đám lửa lớn.

Các chuyên gia tư pháp có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân vụ hỏa hoạn, xác định người phải chịu trách nhiệm về vụ cháy hoặc do sơ suất.

Lính cứu hỏa có thể tiếp cận đỉnh nhà thờ không?

Trong suốt nhiều thế kỷ, nhà thờ Đức Bà là công trình cao nhất Paris với ngọn tháp cao tới 96m. Đây là công trình hoành tráng khiến cho công tác cứu hỏa gặp khó.

“Mái nhà thờ cao 45m, thế mà cánh tay nâng của xe cứu hỏa chỉ có thể đạt tới độ cao khoảng 30m”, ông Gilles Glin, Đội trưởng đội cứu hỏa Paris (2011-2014) nói. Chính vì thế các chuyên gia cứu hỏa đều nhận định việc can thiệp vào đám cháy hết sức phức tạp, khó khăn.

Sáu câu hỏi xung quanh vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 3.

Chiều cao của công trình khiến công tác cứu hỏa gặp khó

Tại sao lính cứu hỏa không dập lửa từ bên ngoài?

Hình ảnh đám cháy bùng lên với tốc độ nhanh chóng tương phản với sự vắng mặt trong ít phút của đội cứu hỏa: Không có vòi nước kéo tới, không thấy hệ thống thang lớn đặt bên ngoài nhà thờ. Nhiều người thắc mắc như vậy, tuy nhiên đây lại là thuyết cứu hỏa của người Pháp.

Trái với lính cứu hỏa Mỹ, lính cứu hỏa Pháp lại dập lửa từ bên trong không phải từ bên ngoài. Chiến thuật này nguy hiểm hơn cho tính mạng lính cứu hỏa nhưng lại hiệu quả hơn để cứu các di sản. Nếu ''chúng ta chỉ tập trung bên ngoài, chúng ta có nguy cơ đẩy ngọn lửa, khí ga nóng lên tới 800 độ vào phía trong khiến thiệt hại càng lớn hơn”, chuyên gia Serge Delhaye nói.

Sáu câu hỏi xung quanh vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 4.

Nguyên tắc cứu hỏa riêng của người Pháp

Tại sao không huy động Canadair cứu hỏa trên không?

Câu hỏi lập tức nảy ra trong đầu nhiều người, kể cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thốt lên như thế.

“Một khối nước khổng lồ trút từ những chiếc máy bay cứu hỏa hoặc trực thăng là quá nguy hiểm trong thành phố, kể cả đối với lính cứu hỏa cũng như người dân. Nghịch lý thay, sức mạnh của nước có nguy cơ khiến lửa cháy dữ dội hơn, đe dọa tính mạng lính cứu hỏa bên trong”, ông Glin giải thích.

Thêm một lí do nữa, những chiếc máy bay cứu hỏa canadair này nằm ở phía Nam nước Pháp, rồi việc hút nước từ sông Seine đe dọa tới những cây cầu.

Hệ thống báo động hỏa hoạn ở công trình lịch sử này thế nào?

Nhà thờ Đức Bà Paris được trang bị hệ thống báo cháy, nó vẫn hoạt động. “Chúng tôi nghe thấy báo động vào 18h30”, André Finot, người phát ngôn của nhà thờ nói. Người ta nhanh chóng xác định được tiếng chuông báo cháy, bởi chỉ ít ngày trước họ tham gia vào cuộc tập huấn cứu hỏa.

Theo giải thích hệ thống dập lửa tự động rất phức tạp để hoạt động trong những công trình như nhà thờ Đức Bà Paris. Bởi với kiến trúc của tòa nhà, hệ thống chữa cháy tự động phản ứng nhanh, nhưng lại có nguy cơ phá hủy các tác phẩm rất nhanh chóng.

Sáu câu hỏi xung quanh vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 5.

Dàn đàn ống được xây dựng vào thế kỷ 15

Làm thế nào cứu những di vật trong nhà thờ?

Đại diện đội cứu hỏa cho biết, với những công trình quốc gia như Nhà thờ Đức Bà công tác cứu hỏa luôn có kế hoạch giải cứu hiện vật. Được biết, trong khoảng 400 lính cứu hỏa được huy động, một nhóm được chia ra dập lửa, nhiều lính cứu hỏa được huy động để giải cứu di vật khẩn cấp, một số khác lại lĩnh trách nhiệm bảo vệ các tác phẩm trong đó có cả những bức tranh quý giá.

Thực tế, hai thánh tích quý giá được sơ tán kịp thời, trong khi nhiều bức tranh quý thế kỷ 17, 18 biến mất trong đám lửa. May mắn thay vài ngày trước, 16 bức tượng đồng được tháo khỏi bệ đem đi tu sửa.

Theo Parisien, Figaro

Chia sẻ