Sau bốn tiếng rút ống thở, con đã chết trên tay tôi!
"Chết là kết thúc của sự sống nhưng không phải là kết thúc của một câu chuyện".
Ở đời, không một bậc cha mẹ nào lại muốn kết thúc sự sống của con mình. Nhưng khi bệnh tình của con không hề có cách cứu chữa, lại khiến con đau đớn, khổ sở một cách vô ích thì dường như đây lại là quyết định tốt cho đứa trẻ. Câu chuyện của bà mẹ Stacey Skrysak sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc này.
Đó là khoảnh khắc không thể nào quên được, một ngày đã được khắc sâu vào trái tim và trí nhớ tôi mãi mãi. 16/8/2013, tôi và chồng đã phải có một quyết định khó khăn nhất đối với bất kì bố mẹ nào: dừng sự chăm sóc đặc biệt với con, chuẩn bị tang lễ khi con chết trong vòng tay của mình.
Bất kì một phụ huynh nào cũng không nên sống lâu hơn con mình, tôi nghĩ thế. Thay vì lên kế hoạch cho tang lễ, chúng ta nên lên kế hoạch cho cuộc sống của con cái bên ngoài chiếc lồng ấp. Nhưng đời chẳng bao giờ như mình vẫn tính toán, và đối với gia đình tôi, chúng tôi luôn phải đối mặt với những tin tức đau lòng, hết tin này đến tin khác.
"Đời chẳng bao giờ như mình vẫn tính toán, và đối với gia đình tôi, chúng tôi luôn phải đối mặt với những tin tức đau lòng, hết tin này đến tin khác". (Ảnh: Huffingtonpost)
Sau khi ba đứa con sinh ba của tôi ra đời sớm hơn 17 tuần so với ngày dự sinh, chúng tôi luôn nhận được tin dữ. Abigail - đứa trẻ đầu tiên đã mất ngay sau khi sinh ra. Hai thiên thần còn lại của tôi thì được mang đi để nuôi trong lồng ấp. Mỗi đứa chỉ nặng hơn 450gr và cơ hội sống sót rất mong manh. Mỗi phút chờ đợi trôi qua với chúng tôi kéo dài như thể hàng giờ đồng hồ, rồi nhiều ngày, nhiều tuần sau đó, chúng tôi vẫn hồi hộp chờ đợi phép màu. Sau khi cả hai đã vượt qua được tháng đầu tiên, vợ chồng tôi đã có thể lạc quan hơn đôi chút. Chúng tôi còn nghĩ rằng sẽ có thể đón Parker và Peyton về nhà cùng chúng tôi nữa. Nhưng rồi bao nhiêu hy vọng, ước mơ của chúng tôi tan biến, hệt như một quả bóng bị đâm thủng, cuộc sống như thêm khủng hoảng.
Khi Parker và Peyton được 5 tuần tuổi, chúng tôi nhận được tin đau đớn đến tận tâm can và đó là tin thay đổi cuộc sống của chúng tôi mãi mãi. Ngồi trong phòng họp, chúng tôi hồi hộp chờ đợi tình hình cập nhật của hai đứa trẻ. Trong khi nàng công chúa Peyton của chúng tôi khá ổn thì hoàng tử của chúng tôi - Parker lại đối mặt với trở ngại. Parker bị tổn thương não nghiêm trọng. Tôi như trên mây khi nghe bác sĩ giải thích chi tiết, những gì tôi nhớ được chỉ là "tổn thương não" và "tê liệt". Nắm lấy tay tôi để vỗ về tôi nhưng những giọt nước mắt cũng đã rơi trên gương mặt của chồng tôi. Ngay khi bác sĩ ra khỏi phòng, tôi ngã quỵ trong vòng tay anh ấy với những giọt nước mắt và gào thét không ngừng.
Tổn thương não nghĩa là Parker sẽ từ từ liệt, cũng có khả năng phát triển thành bại não. Trên hết, con trai cần phải trải qua một cuộc phẫu thuật khác mà theo lời các bác sĩ, xác suất con sống sau cuộc phẫu thuật rất mong manh. Và đây cũng là lúc chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về tương lai của Parker. Tiếp tục điều trị để cứu sống con hay để con ra đi? Đó là một quyết định mà tôi mong là không bố mẹ nào phải đối mặt và đó sẽ là điều khiến tôi day dứt suốt phần đời còn lại. Làm thế nào để tạm biệt con? Và làm thế nào khi nhìn thấy con phải đau đớn?
Đó không phải là một quyết định nhanh chóng mà phải mất nhiều ngày, nhiều đêm không ngủ, đắn đo suy nghĩ. Parker vẫn được các bác sĩ duy trì sự sống bằng máy móc. Tôi tin vào phép màu nhưng khoa học thì không thể không nghe. Sức khỏe của Parker không thể phục hồi. Tôi và chồng phải sớm quyết định bởi không muốn con mình phải chịu đau đớn nữa. Mỗi ngày trôi qua, khi nhận thức của chúng tôi rõ ràng hơn, chúng tôi quyết định để Parker ra đi.
"Đó là một quyết định mà tôi mong là không bố mẹ nào phải đối mặt và đó sẽ là điều khiến tôi day dứt suốt phần đời còn lại". (Ảnh: Huffingtonpost)
Ngày 16/8, xung quanh chúng tôi là tình yêu và những lời cầu nguyện của người thân khi bác sĩ từ từ rút các dây dẫn và ống thở ra khỏi cơ thể bé nhỏ của Parker. Họ đặt Parker lên tay tôi và tôi bắt đầu đọc quyển sách mà con yêu thích. Nỗi đau cùng cực nhưng tôi phải nén lại, tôi không muốn con trai thấy mình buồn. Thỉnh thoảng Parker lại mở mắt và nở nụ cười khi nghe tôi kể về cuộc sống bên ngoài bệnh viện. 6 giờ 12 phút tối, 4 tiếng đồng hồ sau khi nhận Parker từ tay bác sĩ, con đã ra đi. Buổi tối hôm đó, sau nhiều tuần mất ngủ, tôi và chồng đã ngủ những những đứa trẻ. Chúng tôi an lòng khi biết Parker đã không còn chịu đau đớn nữa.
Một tháng sau khi con trai qua đời, tôi gặp vị bác sĩ chữa trị cho Parker tại bãi giữ xe. Chúng tôi trò chuyện về Peyton - đứa trẻ duy nhất sống sót - ông ấy đã nhìn tôi đầy thương cảm. Ông nói rằng đó là quyết định vị tha nhất mà bố mẹ có thể làm. Tôi biết chúng tôi đã quyết định đúng.
55 ngày cùng con đã cho chúng tôi cơ hội được bước vào thế giới của con. Paker đã cho chúng tôi hiểu rằng sức mạnh không đo lường bằng kích thước của cơ thể mà bằng ý chí sinh tồn. Cả ba đứa trẻ đã thể hiện rõ ý chí chiến đấu của chúng mạnh mẽ hơn bất kì ai mà tôi biết. Nhìn vào Peyton, chúng tôi cảm thấy sức mạnh đó còn mạnh hơn vào ba năm sau. Tôi nhìn thấy Parker với Abby qua Peyton, và tôi cũng tưởng tượng được những thiên thần ấy đang nhảy múa trong giấc mơ của Peyton. Chết là kết thúc của sự sống nhưng không phải là kết thúc của một câu chuyện. Những đứa trẻ của tôi đã chứng minh rằng, bạn có thể để lại dấu ấn trên thế giới này dù cho bạn đã ra đi lâu như thế nào.
(Nguồn: huffingtonpost)