Sau bao năm, bức ảnh chụp nhóm sinh viên trong thư viện này vẫn hot rần rần: Đằng sau ẩn chứa cả bầu trời bí mật
Đằng sau bức ảnh "sinh viên chăm học" này còn ẩn chứa điều gì khác?
Mới đây, netizen thi nhau đào lại bức ảnh sinh viên cặm cụi học tập trong thư viện dù trời xung quanh đã tối om. Được biết, đây là bức ảnh chụp vào năm 2017, ghi lại cảnh sinh viên ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển cao học tại thư viện của trường Đại học Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Nhiều người không khỏi trầm trồ vì sự "chăm học" của các bạn sinh viên này, dù trời đã tối om như mực nhưng bàn học của ai cũng sáng đèn. Ai cũng chăm chỉ học tập vì đạt được mục tiêu đỗ vào kỳ tuyển sinh cao học. Giữa thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, các bạn sinh viên Trung Quốc phải cố gắng rất nhiều để chứng minh bản thân.
Nếu mọi người thường chỉ biết đến Gaokao - kỳ thi đại học tại Trung Quốc được xem là khắc nghiệt nhất trên thế giới, thì những năm gần đây Kaoyan (khảo nghiên) - kỳ thi tuyển sinh sau đại học của Trung Quốc cũng "gây sốc" bởi mức độ cạnh tranh cực lớn của nó. Để vượt qua kỳ thi Kaoyan, sinh viên Trung Quốc phải làm bài kiểm tra viết với tổng số điểm là 500 vào cuối tháng 12. Nếu đủ điều kiện, họ sẽ phải tiếp tục tham gia vòng phỏng vấn vào tháng 3 trước khi bắt đầu quá trình học cao học.
Giới quan sát giáo dục Trung Quốc mô tả kỳ thi tuyển sinh sau đại học tại quốc gia này là "kỳ thi tuyển sinh đại học lần thứ hai" vì số lượng đăng ký ngày càng mở rộng và áp lực việc làm ngày càng tăng. Ngoài ra, đây còn được coi là "cuộc chiến" mới của người trẻ Trung Quốc để tìm kiếm việc làm trong thị trường lao động hiện nay.
Khốc liệt kỳ thi tuyển sinh học cao học ở Trung Quốc
Từ khi Trung Quốc mở rộng hệ thống giáo dục đại học, tỷ lệ nhập học đại học ở quốc gia này tăng từ 34% vào năm 1998 lên 92% vào năm 2021. Giờ đây, bằng đại học đã trở nên cực phổ biến tại quốc gia này. Nếu muốn khẳng định vị thế của mình, nhiều người trẻ học ngày học đêm để quyết tâm thi vào các trường top đầu như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Vũ Hán...
Còn những người chỉ trúng tuyển các trường đại học ở top dưới, họ phải chuẩn bị cho kỳ thi sau đại học. Đây được coi là cơ hội thứ hai để chứng tỏ bản thân trong "cuộc chiến" tìm việc làm. Có hai cách để các trường tìm kiếm thí sinh để học lên cao học: Trực tiếp lựa chọn những học sinh ưu tú từ các trường được xếp hạng top đầu trong nước và tổ chức kỳ thi tuyển sinh sau đại học.
Thật ra, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích cử nhân học cao học để giải quyết bài toán thất nghiệp cho sinh viên mới ra trường. Được sự khuyến khích của chính phủ, ngày càng nhiều sinh viên quyết định học cao học. Thậm chí, Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ thêm 189.000 (gần 25%) để giảm bớt tình trạng thất nghiệp.
Dù đã tăng chỉ tiêu, nhưng theo dữ liệu được công bố bởi China Education Online , 4,74 triệu người đã đăng ký tham gia kỳ thi sau đại học diễn ra vào cuối năm 2022 và tỷ lệ vượt qua kỳ thi này chỉ là 1/4.
Học cao học để "chạy trốn" thị trường lao động
Năm 2022, Trung Quốc có 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Được biết, đây là lần đầu tiên quốc gia này vượt mốc 10 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, số liệu do Cục Thống kê Quốc gia của nước này công bố cho thấy vào tháng 7 năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 - 24 tuổi là gần 20% - mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu vào năm 2018.
Nhận thấy được tính cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động hiện nay, nhiều sinh viên chọn cách rẽ hướng học lên cao học và nghiên cứu sâu về chuyên môn thay vì đi tìm kiếm việc làm luôn.
Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, cùng với đó là nhiều người trẻ lựa chọn theo học cao học sau khi tốt nghiệp cử nhân, thay vì đi tìm việc làm có thể giải quyết phần nào bài toán thất nghiệp cho sinh viên, song cũng có mặt trái. Theo đó, nhiều sinh viên cho rằng bằng cấp càng cao là càng bắt buộc nên ngay từ khi vào đại học, các em đã xác định phải học lên cao.
Giáo sư Wu Xiaogang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội ứng dụng chia sẻ, khi bằng đại học trở nên phổ biến, các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn. Vậy nên, các ứng viên trẻ phải đối mặt với vô vàn áp lực hơn so với những đồng nghiệp lớn tuổi, vốn giàu kinh nghiệm. Trong khi đó, Trung Quốc còn phải đối mặt với một thử thách nữa là lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn quá mức cần thiết. Hiểu một cách đơn giản, trình độ học vấn của một nhân viên Trung Quốc hiện nay đang vượt quá yêu cầu đối với công việc của họ.
Giáo sư Wu Xiaogang nhấn mạnh, ở cấp độ xã hội, học quá cao là sự lãng phí to lớn vào đầu tư vốn con người. Nếu tư duy quan trọng hóa bằng cấp không thay đổi, các kỳ tuyển sinh của Trung Quốc sẽ càng trở nên căng thẳng hơn.
Ngoài ra, việc tập trung quá độ vào trình độ học vấn đã làm nảy sinh "nỗi ám ảnh về học tập", nuôi dưỡng sự lo lắng, bối rối với người trẻ Trung Quốc. Các báo cáo chỉ ra rằng quá trình chuẩn bị cho các kỳ thi cao học là một thử thách lớn đối với sức khỏe của giới trẻ quốc gia tỷ dân. Một cuộc khảo sát về tình trạng sức khỏe tâm thần của sinh viên đại học cho thấy những người dự định học cao học có mức độ lo lắng cao hơn so với những người cùng lứa tuổi.
Tổng hợp