Sau 3 năm 'cuồng chân', lượt tìm kiếm chuyến bay quốc tế của dân Trung Quốc tăng 850%
Người dân Trung Quốc đã đổ xô tìm kiếm thông tin về các địa điểm du lịch và các chuyến bay quốc tế khi có thông báo khôi phục hoạt động du lịch từ ngày 8-1-2023.
Vào cuối ngày 26-12, Trung Quốc tuyên bố không còn yêu cầu du khách nhập cảnh phải cách ly. Sau đó một ngày, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Trung Quốc cho biết họ sẽ tiếp tục cấp thị thực cho cư dân đại lục đi du lịch nước ngoài kể từ ngày 8-1-2023.
Theo báo The Guardian, dữ liệu từ nền tảng du lịch Ctrip cho thấy trong vòng nửa giờ sau thông báo ngày 26-12, số lượt người Trung Quốc tìm kiếm các điểm đến xuyên biên giới nổi tiếng đã tăng gấp 10 lần. Macau, Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc được tìm kiếm nhiều nhất.
Dữ liệu từ Qunar, một nền tảng khác, cho thấy trong vòng 15 phút sau thông báo trên, lượt tìm kiếm các chuyến bay quốc tế đã tăng gấp 7 lần, trong đó Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đứng đầu danh sách.
Dữ liệu từ Trip.com cho thấy lượng đặt chuyến bay đi nước ngoài đã tăng 254% vào đầu ngày 27-12 so với ngày hôm trước.
Dữ liệu từ Tongcheng Travel, một công ty du lịch niêm yết tại Hong Kong, cho thấy lượng tìm kiếm theo thời gian thực đối với vé máy bay quốc tế đã tăng 850%, trong khi tìm kiếm thông tin về thị thực cũng tăng gấp 10 lần.
Trung Quốc đã đảo ngược các biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt được áp dụng từ đầu năm 2020, vốn đã gây thiệt hại cho nền kinh tế trị giá 17.000 tỉ USD.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) vào cuối tuần qua cho biết sẽ ngừng công bố ca mắc COVID-19 hằng ngày. Số liệu thống kê chính thức cho thấy Trung Quốc chỉ có một ca tử vong do COVID-19 trong 7 ngày gần nhất, tính tới ngày 26-12.
Cũng có không ít người Trung Quốc cho rằng còn quá sớm để đi du lịch nước ngoài.
Anh Xiao Chen, 25 tuổi, một kỹ sư phần mềm, cho biết anh sẽ không du lịch nước ngoài trước Tết âm lịch ngày 22-1 vì hộ chiếu đã hết hạn.
Dylan Zhao, 25 tuổi, đang sống ở Pháp, cho biết cha mẹ anh muốn đến Pháp để dự lễ tốt nghiệp của anh vào tháng 5 nhưng họ chưa xin được thị thực vì lãnh sự quán Pháp tại Bắc Kinh đang dừng dịch vụ này.
"Hiện cả bố mẹ tôi đều chưa an tâm với dịch bệnh ở nước ngoài, nhưng thái độ của họ có thể thay đổi sau khi biên giới mở trở lại - anh Zhao nói - Họ cũng có thể đi một số nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc vì đường bay ngắn hơn".
Ông Xie Xingquan, phó chủ tịch khu vực Bắc Á của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại là đáng hoan nghênh và sẽ có "tác động tích cực" đến ngành công nghiệp hàng không ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
IATA dự kiến số lượng hành khách sẽ đạt 70% so với mức năm 2019 vào năm tới, nhưng ông Xie cho biết Trung Quốc cần "chuẩn bị kỹ lưỡng" để tránh bị gián đoạn.
Một đại diện của Korean Air cho biết các chuyến bay giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ tăng từ 9 chuyến/tuần vào tháng 12 lên 15 chuyến/tuần vào tháng 1.
Theo Tongcheng Travel, giá vé máy bay từ Trung Quốc đến các điểm đến hàng đầu châu Á hiện không tăng đáng kể.
Vé một chiều từ Thượng Hải đến Tokyo có giá từ 1.065 nhân dân tệ (153 USD) đến 4.262 nhân dân tệ (612 USD) trong ba tuần tới, trong khi các chuyến bay đến Seoul sẽ có giá từ 986 - 2.140 nhân dân tệ.
Mỹ, Nhật e ngại đón du khách từ Trung Quốc
Tình hình thực tế tại các bệnh viện trên khắp Trung Quốc cho thấy nước này đang quá tải với bệnh nhân COVID-19. Ngay cả các y bác sĩ cũng đã đổ bệnh. Ngày 27-12, các bác sĩ nói với Hãng tin Reuters rằng bệnh viện mà họ đang làm việc bị quá tải với số bệnh nhân cao gấp sáu lần so với bình thường, hầu hết là người cao tuổi.
Việc chưa có sự tương đồng về dữ liệu và tình hình thực tế khiến một số quốc gia lo lắng. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết sẽ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả du khách đến từ Trung Quốc. Người có kết quả dương tính sẽ phải cách ly trong 7 ngày tại các cơ sở chỉ định. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hạn chế các hãng hàng không tăng chuyến bay đến Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ ngày 27-12 cũng cho biết có thể áp dụng các biện pháp COVID-19 mới đối với du khách đến Mỹ từ Trung Quốc, do lo ngại về "minh bạch dữ liệu".
Ngoài ra, Ấn Độ và Malaysia cũng có động thái tương tự trong 24 giờ qua.