Sát giao thừa, dân nghèo miền Tây vẫn hối hả gặt lúa thuê giữa Sài Gòn

Hương Thu ,
Chia sẻ

Những ngày cuối năm, nhiều người nghèo ở miền Tây, chủ yếu là người Khmer di chuyển lên TP HCM để gặt lúa thuê, trang trải cho những ngày Tết dù tiền công cũng không nhiều nhặn gì.

gatlua10
Những ngày cận Tết, khi đa số người dân bắt đầu kết thúc công việc của mình, rời thành phố để chuẩn bị đón một năm mới sắp đến thì với nhiều người lao động nghèo ở các tỉnh miền Tây lại ngược lên Sài Gòn để gặt lúa thuê.

gatlua2
Ở sát bên trung tâm thành phố, vẫn còn những cánh đồng rộng ở khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2). Dù chỉ cách quận nhất khoảng 10 km và đã nằm trong diện quy hoạch nhưng khu vực này từ nhiều năm nay vẫn được tận dụng để trồng lúa.

gatlua11
Cánh đồng lúa ở Thạnh Mỹ Lợi, phía bên chân cầu Phú Mỹ những ngày cận Tết trở thành điểm hẹn cho những người nghèo miền Tây dịp cuối năm lên gặt lúa thuê kiếm tiền sắm Tết. ""Chủ ruộng thiếu nhân công nhưng thành phố thì làm gì có người biết gặt lúa, nên cứ cuối năm tụi tui lại lên mần. Giá thuê cũng khá cao nên chấp nhận lên đây làm", chị Thạnh Thị Xuân (quê Sóc Trăng) cho biết.

gatlua6
Những người gặt lúa thuê ở đây là những người Khmer ở Sóc Trăng, ở quê công việc không ổn định, suốt năm làm thuê đủ việc để kiếm sống.


gatlua16
Ngày thường họ  làm ruộng ở quê. Khi nông nhàn có người làm công nhân cho các nhà máy, có khi lại ngược lên Tây Nguyên hái cà phê. "Những cánh đồng ở quận 2 chỉ trồng một vụ nên cuối năm chúng tôi lại kéo nhau gặt lúa kiếm thêm tiền", anh Thạch Y (29 tuổi) cho biết.

gatlua15
Những người phụ nữ chủ yếu là cắt và vác lúa, được trả 180.000 đồng một ngày. 

gatlua13
"Cánh đàn ông làm nhiều việc nặng, chủ yếu là vác các bao thóc nặng 60 ký, được trả hơn 200.000 đồng/ngày", anh Bảy (35 tuổi) nói.

gatlua17
Họ làm việc từ 7h sáng -17 mỗi ngày, công việc bắt đầu gần 1 tháng nay và sẽ kết thúc trước giao thừa một ngày.

gatlua19
Anh Châu Văn The (38 tuổi, H.Trần Đề, Sóc Trăng) cho hay: "Mỗi cánh đồng có một nhóm khoảng 15 người, được chủ cất cho một cái chòi cách ruộng hơn 1 tiếng đi xe. Sáng thì người chủ cho xe chở chúng tôi đến làm, chiều lại về. Chắc phải sáng 29 Tết tôi mới bắt xe đò về quê. Ngày cuối năm, anh em ai cũng ráng làm khi nghĩ đến số tiền công được trả".

gatlua18
 Việc ăn uống, họ tự mình tự mang đồ ăn theo. Theo chị Lý Thị Phương (dân tọc Khmer), ngoài trả công theo từng ngày thì chủ còn khoán cho mỗi nhóm mẫu ruộng. 

gatlua20
Cứ một mẫu nếu gặt hết sẽ được trả 5,3 triệu, mọi người tự chia nhau. Trung bình, một nhóm 15 người, làm chăm chỉ có thể xong 1 mẫu trong ngày.

gatlua5
Do đất ở vùng quận 2 không còn màu mỡ nên, những cánh đồng ở đây có có diện tích nhỏ, lại bị ngập nước, không thể áp dụng các loại máy tự gặt. Tuy nhiên, sau 1 tháng gặt thuê, mỗi người cũng tích cóp được từ 5- 6 triệu đồng. 

gatlua21
Ngoài những người gặt lúa thuê từ miền Tây lên, ở một số cánh đồng vẫn có dân thành phố tự tay gặt do đây là ruộng của họ có từ lâu, trước khi khu vực này còn chưa đô thị hóa.

gatlua22
Như hộ của chú Lê Văn Điều (P.Cát Lái,quận 2) có 1 mẫu ruộng. Mỗi mùa gặt, ngoài thuê người thì tự tay chú và các con ra phụ thu hoạch.

cs
Anh Trí, con trai chú Điều ngày thường làm nghề xây dựng, tranh thủ nghỉ Tết ra lội ruộng phụ ba. 

gatlua8
Những thửa ruộng này đều đã nằm trong diện quy hoạch, được nhà nước bồi thường. "Giờ họ chưa làm gì thì mình cứ trồng lúa, khi nào lấy lại thì thôi", ông Điều nói.

gatlua9
Thóc được phơi ngay trên những con đường quanh khu đô thị ở quận 2.

gatlua4
Do chỉ gặt được 1 mùa nên mỗi mẫu ruộng, họ thu hoạch được khoảng 3,5 tấn thóc, với giá bán chừng 5.000/kg, trừ chi phí thì tiền lời cũng không đáng bao nhiêu. "Chứ gia đình tôi làm ông từ đời ông cố, giờ không làm lúa cũng thấy thiếu thiếu", ông Điều chia sẻ.
Chia sẻ