Sắp thi học kì, cô giáo lớp 1 bật mí mẹo làm bài thi môn Tiếng Việt giúp con đạt được điểm cao

Hạ Uyên ,
Chia sẻ

Theo cô Ngọc Anh, đây là dạng bài vô cùng quan trọng xuất hiện trong các đề thi của môn tiếng Việt học kỳ 2.

Nhiều phụ huynh thường than phiền con mình không chịu đọc hiểu mà chỉ mãi đánh vần hoặc đọc trơn. Sự thực không phải như vậy. Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng, các con sẽ có ba mức khác nhau: Thấp nhất là đánh vần, tiếp nữa là đọc trơn và kỹ năng cao hơn là đọc hiểu văn bản. Có nghĩa là các con phải đánh vần tốt thì kỹ năng đọc trơn mới tốt. Tương tự khi kỹ năng đọc trơn đã tốt rồi thì kỹ năng đọc hiểu mới tốt được: "Vậy nên không phải con không muốn đọc hiểu văn bản mà con đang ở mức độ đánh vần và đọc trơn".

Cô giáo lớp 1 bật mí mẹo chinh phục đọc - hiểu văn bản chỉ với 2 bước, chẳng sợ dạng bài Tiếng Việt nào làm khó được các con trong kỳ thi học kỳ nữa - Ảnh 1.

Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội.

Cô Ngọc Anh bật mí một bí quyết rất hay để các con có thể đọc hiểu dễ dàng, đó chính là xác định các cụm từ, sau đó tìm cụm từ đó ở trên văn bản: "Câu văn mà có cụm từ đó hoặc câu văn liền trước hoặc liền sau nó sẽ là đáp án".

Ví dụ với đoạn văn mẫu: 

Đôi bạn thân

Sóc và Nhím chơi với nhau rất thân. Hai bạn thường rủ nhau ra bờ suối hái hoa, nô đùa. Mùa đông tới, gió lạnh thổi về, Sóc không thấy Nhím đâu nữa. Sóc buồn và nhớ Nhím lắm. Rồi mùa xuân lại về, tiết trời thật ấm áp. Sóc lại ra bờ suối và tình cờ gặp Nhím, Sóc vui quá. Thì ra họ hàng nhà Nhím không chịu được rét. Khi gió rét về là chúng phải đi tìm nơi kín đáo để ngủ suốt mùa đông.

Cô giáo lớp 1 bật mí mẹo chinh phục đọc - hiểu văn bản chỉ với 2 bước, chẳng sợ dạng bài Tiếng Việt nào làm khó được các con trong kỳ thi học kỳ nữa - Ảnh 2.

Câu hỏi đầu tiên: Khi không thấy Nhím đâu, Sóc cảm thấy thế nào?

Ở đây chúng ta phải xác định được cụm từ quan trọng, đó là "không thấy Nhím đâu". Bước tiếp theo chúng ta sẽ tìm cụm từ này trên bài đọc. Thông thường những cụm từ quan trọng nằm ở câu nào thì câu đó sẽ là đáp án. Hoặc là câu liền trước hay câu liền sau.

"Mùa đông tới, gió lạnh thổi về, Sóc không thấy Nhím đâu nữa" sẽ chứa cụm từ cần tìm. Nhưng câu này chưa diễn tả về cảm xúc. Vậy nên câu liền sau "Sóc buồn và nhớ Nhím lắm" mới là câu trả lời.

Chúng ta sẽ chọn đáp án C cho câu hỏi thứ nhất.

2. Sóc tình cờ gặp Nhím ở đâu?

Tương tự, ở câu hỏi thứ 2, cụm từ quan trọng là "gặp Nhím ở đâu". Bước tiếp theo tìm cụm từ ở trong đoạn văn: "Sóc lại ra bờ suối và tình cờ gặp Nhím". Vì vậy trong ba đáp án chúng ta sẽ hướng dẫn con chọn đáp án A là bên bờ suối.

3. Vì sao họ hàng nhà Nhím phải ngủ suốt mùa đông?

Cụm từ quan trọng ở đây là "ngủ suốt mùa đông". Chúng ta sẽ tìm trên đoạn văn câu có chứa cụm từ: "Khi gió rét về là chúng phải đi tìm nơi kín đáo để ngủ suốt mùa đông". Tuy nhiên câu này chưa chứa lý do mà Nhím phải ngủ đông, cho nên chúng ta sẽ tìm ở câu trước đó: "Thì ra họ hàng nhà Nhím không chịu được rét".

Vậy chúng ta sẽ chọn đáp án B: Vì chúng không chịu được giá rét.

Như vậy, với các dạng bài đọc hiểu như thế này, bố mẹ chỉ cần cho con chuẩn bị một chiếc bút chì để gạch chân những cụm từ quan trọng ở trong câu hỏi và tìm cụm từ đó trong đoạn văn. Thông thường thì đáp án chỉ nằm xung quanh ở những câu có chứa cụm từ quan trọng đó thôi. Bố mẹ cũng cần lưu ý là con chỉ có thể đọc hiểu tốt khi đã đọc trơn tốt.

Cô giáo lớp 1 bật mí mẹo chinh phục đọc - hiểu văn bản chỉ với 2 bước, chẳng sợ dạng bài Tiếng Việt nào làm khó được các con trong kỳ thi học kỳ nữa - Ảnh 3.

 

Chia sẻ