'Sao lì xì của cậu lại nhiều hơn của tớ nhỉ?' – Câu nói của con khiến tôi muốn độn thổ ở nhà sếp
Từng câu, từng chữ con thốt ra khiến vợ chồng anh P. mặt đỏ bừng vì xấu hổ.
Sau khi thăm họ hàng hai bên nội ngoại ở quê, vừa qua vào mùng 3 Tết, vợ chồng anh P. (36 tuổi, Hà Nội) quyết định về Hà Nội để đến thăm nhà sếp vào buổi tối. Vì không gửi được con gái Bông, 5 tuổi nên anh P. đành đưa con đi cùng.
Khi tới nơi đúng lúc có một gia đình khác cũng đang ngồi chơi và rút hầu bao lì xì cho con sếp. Nhìn thấy bé Bông đứng đó, người lạ lập tức rút một phong bao nhỏ hơn tặng. Sau đó, Bông cùng con của sếp chạy ra sân nhà chơi và mở phong bao lì xì.
Anh P. nghe tiếng con gái mình lảnh lót vang lên: "Sao lì xì của cậu lại nhiều hơn của tớ nhỉ?". Giọng Bông đủ lớn để tất cả mọi người ngồi trong nhà nghe thấy. Vị khách vừa mừng tuổi ngượng ngùng, đỏ mặt. Còn gia đình anh P. phải giả vờ không nghe thấy gì.
Nhưng hai đứa trẻ chưa dừng lại câu chuyện ở đó. Bông chạy ào vào kể với bố mẹ, còn con sếp thì cầm hai phong bao lì xì đến thắc mắc với khách. Cả chủ nhà và khách đều rơi vào không khí gượng gạo, chỉ biết nhìn nhau cười trừ. Vị khách đành chữa thẹn bằng cách xoa đầu Bông rồi nói: "Chắc bác nhầm đấy, để bác đổi lại nhé".
Sau khi nhận được bao lì xì mới, Bông vui mừng hớn hở. Cô bé tiếp tục kéo người bạn ra sân chơi. Đến lúc này, cả nhà mới thở phào.
Anh P. trầm ngâm chia sẻ: "Cả sếp, gia đình nhà kia và vợ chồng tôi đều khó xử, không biết nên nói gì và làm gì. Nhiều tình huống oái oăm khiến người lớn xoay sở không kịp. Thật sự vì lời nói, hành động hồn nhiên của con mà vợ chồng tôi vô cùng xấu hổ!".
Sau tình cảnh trớ trêu ấy, anh P. cho biết, vợ chồng anh đã nhận ra thiếu sót của mình trong việc hướng dẫn con nhận lì xì. Anh P. lập tức dạy lại các con cách ứng xử khi nhận phong bao ngày Tết như sau.
Hướng dẫn con nhận lì xì sao cho lịch sự
Bố mẹ nên giải thích để trẻ hiểu, khi trẻ nhận được lời chúc may mắn, yêu thương từ người khác thì bản thân cũng cần biết cách chia sẻ niềm vui, may mắn đến người đối diện. Vì vậy, khi nhận được tiền mừng tuổi, con phải bày tỏ thái độ biết ơn và chúc Tết lại người lớn bằng những lời chúc phúc, may mắn đầu năm.
Bố mẹ có thể giúp con học vài lời câu chúc đơn giản, phù hợp với từng đối tượng. Nếu chúc các cô thì chúc "năm mới đẹp rạng ngời tươi tắn", gặp chú và bác thì chúc "phát tài phát lộc". Hay gặp người lớn tuổi thì nên chúc "sức khoẻ dồi dào, sống lâu trăm tuổi".
Ngoài ra, trẻ thường mắc lỗi là xé phong bao lì xì trước mặt khách, khi được tiền to thì vui vẻ, khi được tiền nhỏ thì ỉu xìu. Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy vô cùng xấu hổ. Dù được dạy cẩn thận, vẫn có những lúc trẻ cư xử bất lịch sự. Bởi trẻ vẫn quen thể hiện thẳng thắn cảm xúc cá nhân. Vì vậy, bố mẹ không nên kỳ vọng lúc nào trẻ cũng hành xử lịch sự.
Thay vì mắng hoặc tức giận với con, phụ huynh nên lấy lại bình tĩnh, hiểu cho trẻ. Hãy đợi đến khi có thể trao đổi riêng để giải thích cho trẻ hiểu về hành động bất lịch sự của mình và tìm cách thay đổi trong những lần tiếp theo.
Một vài điều cư xử khéo léo sẽ giúp trẻ hình thành được kỹ năng sống cũng như sự tinh ý như: Không được mở lì xì trước mặt khách; không chê bai nếu tiền lì xì ít. Bố mẹ có thể giúp con thực hành ứng xử ở nhà để con có thể thực hiện ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh nhắc nhở.
Kỹ năng sống được hình thành thông qua một quá trình. Vì vậy, bố mẹ nên tạo điều kiện để trẻ có cơ hội tập luyện.