Một dải sương mù bí ẩn kéo dài hàng trăm km từ một ngọn núi lửa trên sao Hỏa đã khiến các nhà khoa học cảm thấy bối rối trong nhiều năm và cho đến thời điểm hiện tại.
Vào năm 2018, tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã chụp lại hình ảnh một đám mây dài xuất hiện trên bề mặt của sao Hỏa, kéo dài khoảng 1.500km từ một ngọn núi lửa đã tắt từ lâu.
Đám mây dài Arsia Mons dài 1.800km trên sao Hỏa. Ảnh: ESA/GCP/UPV/EHU Bilbao
Nằm ở bán cầu Nam của sao Hỏa, dải mây bí ẩn được đặt tên là Đám mây dài Arsia Mons (AMEC), xuất hiện và tan biến vào mỗi mùa xuân hoặc mùa hè trên "Hành tinh Đỏ". Nhiều tàu thăm dò sao Hỏa đã chụp được hình ảnh của AMEC vào những năm 2009, 2012, 2015 và một lần nữa vào năm 2020.
Một nghiên cứu gần đây đưa ra lời giải thích cho nguồn gốc của đám mây và cách nó xuất hiện rồi tan biến.
Các nhà nghiên cứu các hiện tượng trên sao Hỏa đã so sánh và đối chiếu các quan sát có độ phân giải cao của đám mây năm 2018, đồng thời nghiên cứu các quan sát từ những năm 1970.
Phân tích của các nhà nghiên cứu đã đưa ra một kết luận: AMEC là một loại "orographic" (mây trên đỉnh núi). Tại Trái đất, hiện tượng này thường xuất hiện ở sườn đón gió của đỉnh núi, hình thành do không khí dày đặc bên dưới núi và mở rộng ra khi lên trên, kết hợp với nhiệt độ thấp để hơi ẩm ngưng tụ tạo thành mây.
AMEC được hình thành khi gió đập vào ngọn núi lửa, ngưng tụ thành đám mây khi chúng đạt độ cao khoảng 45km so với bề mặt. Trước mỗi lần mặt trời mọc, đám mây phát triển với tốc độ lên tới 600km/giờ trước khi tan biến vào mỗi buổi sáng.
Theo quan sát của các nhà khoa học, AMEC có chiều dài khoảng 1.800km và rộng 150km.
Theo RT, nếu hiểu về đám mây này, chúng ta sẽ có cơ hội thú vị để tái tạo sự hình thành của đám mây bằng các mô hình, qua đó nắm thêm thông tin về hệ thống thời tiết ở sao Hỏa và Trái Đất./.