Sáng nay, hơn 23 triệu học sinh khai giảng năm học mới
Sáng sớm nay, hàng triệu phụ huynh nô nức đưa trẻ đến trường khai giảng năm học mới, năm học 2024 - 2025. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường học tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, vui tươi, lấy học sinh làm trung tâm.
Tại điểm Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội từ sáng sớm các em học sinh đã chuẩn bị cờ hoa để chào mừng năm học mới. Đây cũng là năm học đầu tiên thầy trò nhà trường được học tập và làm việc trong ngôi trường vừa mới xây xong.
Trường THCS Giảng võ chào mừng hơn 2.300 em học sinh đã tựu trường sau kỳ nghỉ hè và 651 em học sinh lớp 6 vừa mới nhập trường ngày hôm nay.
Báo cáo với lãnh đạo Thành phố, bà Tô Thị Hải Yến cho biết ngành giáo dục và đào tạo quận Ba Đình đã chú trọng đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
“Năm học 2023-2024 nhiều cơ sở giáo dục được cải tạo, sửa chữa, xây mới với tổng số tiền hơn 476 tỉ đồng. Tính đến hết năm 2024, toàn quận đã có 44/49 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 90%, trong đó có 21 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 chiếm tỉ lệ 43%. Chất lượng giáo dục học sinh đại trà, giáo dục toàn diện được giữ vững, phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt”, bà Yến bày tỏ.
Đồng thời bà Tô Thị Hải Yến gửi gắm đến các em học sinh: “Trong ngày khai giảng năm học mới, cô mong tất cả các em hãy ra sức học tập và rèn luyện bản thân để sống một cuộc đời hữu ích. Các em hãy luôn ghi nhớ: Tương lai của đất nước mình, của dân tộc mình thuộc về chính các em ngày hôm nay.
TPHCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng
Sáng 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 với giáo viên, học sinh Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cùng lãnh đạo các bộ, ngành.
Trong không khí nô nức khai giảng năm học mới, từ sáng sớm phụ huynh đưa học sinh đến trường dự lễ khai giảng, bắt đầu năm học mới, năm học 2024-2025.
Thành lập từ năm 1982, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu là ngôi trường có sứ mệnh nuôi dạy trẻ khiếm thị của Thủ đô Hà Nội để các em có thể hoà nhập cộng đồng, sống tự lập và có đóng góp cho xã hội.
Những năm qua, nhà trường đã thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó chú trọng việc giúp phát triển các năng khiếu và sở thích của học sinh, tổ chức các lớp hướng nghiệp dạy nghề, dạy kĩ năng giúp các em hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Nói đến Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, là nói đến niềm kiêu hãnh của một ngôi trường có bề dày truyền thống và thành tích trong công tác dạy học hòa nhập của cả nước. Nhà trường đã có 12 năm liền đạt danh hiệu Tập thể Lao động Xuất sắc cấp Thành phố, được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố...
Năm học này, trường đón 400 học sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 nâng tổng học sinh lên 1.600 em.
Em Nguyễn Minh Phong, lớp 9A1 chia sẻ niềm háo hức, vinh dự lễ khai giảng năm học mới. "Em chuẩn bị đồng phục và là phẳng tinh tươm từ tối qua. Sáng nay, em dậy sớm hơn mọi ngày và 6 giờ sáng đã đạp xe ra khỏi nhà để đến trường dự lễ", Minh Phong nói. (Hà Linh)
Quảng Ngãi
Hôm nay 5/9, cùng với cả nước, trên 271 ngàn học sinh tỉnh Quảng Ngãi bước vào năm học mới.
Năm học 2024 – 2025, Quảng Ngãi có 584 đơn vị, trường học ở các cấp học. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Nhiều phòng học được xây mới, đáp ứng đủ chỗ cho các khối lớp học, kể cả lớp học 2 buổi/ngày.Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ học tập phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới là 55 tỷ đồng. Toàn ngành có hơn 18 ngàn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Năm học 2024 – 2025, ngành GD&ĐT Quảng Ngãi quyết tâm thực hiện 8 nhóm giải pháp trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá, xếp loại học sinh.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, tạo sự phát triển toàn diện trong ngành giáo dục. (Ngọc Toàn)
Hà Tĩnh
Sáng nay (5/9), hơn 374.000 cán bộ, giáo viên, học sinh ở 668 trường học trên địa bàn Hà Tĩnh bước vào ngày khai giảng năm học mới.
Theo chỉ đạo, lễ khai giảng ở Hà Tĩnh được tổ chức đảm bảo khoa học, trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa, phù hợp với điều kiện địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Năm học 2024-2025 là năm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp và cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, nhiệm vụ mà ngành GD&ĐT Hà Tĩnh trong năm học này là triển khai và hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; có các giải pháp mạnh mẽ ứng dụng đổi mới phương pháp vào dạy học...
Để tạo điều kiện cho các nhà trường thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học, trước đó, các địa phương đã huy động nguồn lực hàng trăm tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy, học đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ngành giáo dục cũng đã tham mưu thực hiện điều chuyển biệt phái, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên, đồng thời triển khai các đợt bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ, giáo viên; hoàn thành công tác tập huấn triển khai sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 5, 9 và 12. (Hoài Nam)
Nhiều trẻ em đồng bào Cơ Tu lần đầu khai giảng năm học mới
Sáng 5/9, cùng chung niềm vui tựu trường của hàng triệu học sinh trên cả nước, tại điểm Trường Tiểu học Hòa Bắc, thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã tổ chức buổi lễ khai giảng mừng năm học mới và chào đón các em học sinh Cơ Tu vào lớp 1.
Năm nay có 61 em học sinh lần đầu tiên theo học tại điểm trường tiểu học Hoà Bắc, trong đó nhiều em là đồng bào Cơ Tu sẽ chính thức khởi đầu hành trình học tập và khám phá tri thức của mình.
Bình Định
Sáng nay (5/9), hơn 331 nghìn học sinh các cấp trong tỉnh Bình Định tham dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025.
Nhằm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng mới 503 phòng học, 121 phòng học bộ môn, 106 phòng chức năng, 2 nhà sinh hoạt văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số, 24 công trình vệ sinh, 83 công trình phụ trợ khác và 11 hệ thống hạ tầng phòng cháy chữa cháy…
Cùng với đó, sửa chữa 686 phòng học, 53 phòng học bộ môn, 22 phòng chức năng, 12 nhà hiệu bộ, 11 nhà ăn, 18 công trình vệ sinh, 90 công trình phụ trợ khác…
Toàn tỉnh hiện có 17.800 giáo viên các cấp học có trình độ chuyên môn, năng lực, có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm.
Đà Nẵng khai giảng trong 45 phút, cấm thả bóng bay
Sáng nay (5/9), gần 290.300 trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại Đà Nẵng bước vào năm học mới 2024 - 2025. Trong đó có hơn 65.500 trẻ mầm non và hơn 224.800 học sinh phổ thông.
Đúng 7h15, lễ khai giảng được tổ chức thống nhất trên toàn thành phố. Sở GD&ĐT yêu cầu buổi lễ diễn ra trong thời gian tối đa 45 phút. Phần lễ tổ chức ngắn gọn, nghiêm túc với chào cờ, hát Quốc ca, giới thiệu đại biểu, đọc thư của Chủ tịch nước, phát biểu chào mừng năm học mới và đánh trống khai trường.
Riêng các cơ sở giáo dục mầm non không đọc toàn văn thư của Chủ tịch nước, chỉ giới thiệu thư và tóm tắt những điều Chủ tịch nước gửi các cháu mầm non.
Sở GD&ĐT lưu ý, tuyệt đối không được thả bong bóng bay trong Lễ Khai giảng nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, Đà Nẵng có sân bay nằm ngay trung tâm thành phố, việc thả bóng bay từ các trường có thể ảnh hưởng đến đường bay, gây nguy hiểm cho các chuyến bay.
Năm nay, thành phố tiếp tục miễn học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông.
Nghệ An
Là một trong những địa phương được Bộ GD&ĐT yêu cầu chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 3. Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, các trường học ở địa phương chuẩn bị sẵn sàng cho khoảng 900 nghìn học sinh, trẻ mầm non tựu trường, trong đó khâu lưu ý đặc biệt là vệ sinh trường, lớp và rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn; thầy cô được tập huấn sẵn sàng đón học sinh quay lại trường học sau 3 tháng hè trọn vẹn.
Đầu tư xây dựng trường lớp
Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho hay, để chuẩn bị cho năm học mới, các trường học trên địa bàn quận đã rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất kỹ càng. Quận có 2 trường tiểu học được thành phố đầu tư xây mới với tổng kinh phí hơn 51 tỷ đồng và đưa vào sử dụng trong năm học mới này. Ngoài ra, có 7 trường THCS, mầm non được nâng cấp, sửa chữa với kinh phí 18,4 tỷ đồng.
Cùng với việc đầu tư xây dựng trường lớp, việc điều tiết học sinh, bố trí phòng học, giáo viên được triển khai linh hoạt nên năm nay ở cấp tiểu học, số lớp được học 2 buổi/ngày sẽ đảm bảo đạt 100% (năm ngoái chỉ đạt 89%).
Tại tỉnh Quảng Nam , theo Sở GD-ĐT tỉnh, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 725 trường công lập, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên với tổng 354.403 học sinh; 70 trường ngoài công lập với 27.260 học sinh.
Các trường đã sửa chữa phòng học với kinh phí hơn 73,1 tỷ đồng; đầu tư hơn 363 tỷ đồng xây mới 407 phòng học và hơn 98,5 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị đáp ứng việc dạy học.
Tại Quảng Ngãi , năm học 2024-2025, toàn tỉnh đón gần 287.000 học sinh, học viên. Năm nay, địa phương dành 30 tỷ đồng để ngành GD-ĐT sửa chữa cơ sở vật chất cho các đơn vị trực thuộc.
Năm học mới ở nơi cơn lũ vừa đi qua
Tại Sơn La, sau trận lũ tháng 7, trường học ở xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn) bị thiệt hại nặng nề; hàng nghìn khối bùn ập vào trường, nhiều thiết bị giáo dục của nhà trường bị hư hỏng.
Ông Hà Minh Công, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Nơi, cho biết với những nỗ lực khắc phục của nhà trường và địa phương, trường cơ bản dọn dẹp xong chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Tại Cao Bằng, Trường Tiểu học Quang Vinh (huyện Trùng Khánh) cũng bị ngập lụt nhiều ngày khiến nhiều thầy cô, phụ huynh lo lắng sợ không kịp chuẩn bị cho khai giảng. Sau khi nước rút, ngành Giáo dục đã nhanh chóng dọn dẹp.
Ông Hoàng Văn Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thầy cô và học sinh tích cực chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Tại Lai Châu , 25 học sinh người Mông và 2 cô giáo tại điểm trường Mầm non Đán Tọ (xã Tà Mung, huyện Than Uyên) sẵn sàng bước vào năm học mới. Năm học này, lớp học đã được xây dựng mới kiên cố, khang trang với đầy đủ thiết bị dạy học.
Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trước đây, phòng học sử dụng các vật liệu lắp ghép, mùa mưa dột nước, mùa hè oi bức. Do điều kiện nguồn lực của địa phương có hạn nên cô và trò đều phải khắc phục vượt nắng, thắng mưa.
Ước mơ về một phòng học mới để các cháu bớt “khổ” đã trở thành hiện thực vào đúng năm học mới. Sau 5 tháng thi công, lớp học mới rộng hơn 70m2, có khu vực sân chơi rực rỡ sắc hoa sẵn sàng đón cô trò tới lớp. (Theo VNN)
Năm học này, Bộ GD&ĐT xác định chủ đề năm học là: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Các trường học trên toàn quốc đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới vào sáng ngày 5/9 một cách nghiêm trang, ngắn gọn, lấy học sinh làm trung tâm, chú ý học sinh đầu cấp lớp 1.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường tổ chức lễ khai giảng gồm hai phần: Lễ và hội. Trong đó, phần lễ tổ chức ngắn gọn, đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng bản nhạc có lời ghi sẵn), đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước… Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể an toàn, lành mạnh.
Các hoạt động đầu năm học phải đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, điều kiện của nhà trường và gắn với thực tế địa phương, chú trọng xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo an ninh, an toàn và có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, địa phương có gần 2,3 triệu học sinh sẵn sàng bước vào năm học mới. Trước đó, các nhà trường được yêu cầu chuẩn bị cho lễ khai giảng sáng nay chu đáo, nghiêm túc.
Thời gian tổ chức lễ khai giảng cũng được lưu ý đúng giờ, ngắn gọn, tạo không khí tươi vui cho học sinh. Theo đó, từ 7 giờ đến 7 giờ 30 phút, tập trung học sinh và đón học sinh đầu cấp.
Đối với trẻ mầm non, thời lượng tổ chức lễ khai giảng tối đa 60 phút, thực sự trở thành ngày hội đến trường của bé một cách linh hoạt, sáng tạo, tạo ấn tượng tốt cho trẻ.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động đón học sinh đầu cấp học cần đặc biệt quan tâm học sinh lớp 1; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp.
Ngay sau lễ khai giảng, trường học ổn định và duy trì nền nếp học tập, chú trọng xây dựng văn hoá học đường, bảo đảm an ninh an toàn trường học ngay từ những ngày đầu năm học.
Giáo dục đạo đức học sinh, phòng chống bạo lực học đường
Ngay sau lễ khai giảng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường ổn định nền nếp, triển khai hoạt động dạy học theo chương trình.
Các trường học nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc trong học sinh, sinh viên và chủ động phát hiện nhằm phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương và các cơ quan xử lý các vấn đề phức tạp.
Không để học sinh, sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật và gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường công tác tư vấn học đường, đặc biệt chú trọng công tác tư vấn tâm lý; xây dựng quy trình rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh; có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp của học sinh, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Phát động phong trào học tiếng Anh cho học sinh, sinh viên ở các nhà trường; xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Đối với mầm non, các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non,chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm thực hiện Chương trình mới.
Thực hiện nghiêm quy định về công tác phòng chống bạo hành trẻ em, bảo đảm an toàn trường học. Trường nào tổ chức xe đưa đón trẻ phải tuân thủ quy định của pháp luật.