Sáng nay, 57/63 tỉnh, thành tổ chức khai giảng năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục

Đỗ Hợp-Châu Anh,
Chia sẻ

Một năm học nữa đã bắt đầu, năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục nước nhà khi không ít địa phương bắt đầu năm học mới không bằng lễ khai giảng truyền thống, thay vào đó là khai giảng trực tuyến.

Sáng nay, 57/63 tỉnh, thành tổ chức khai giảng năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục - Ảnh 1.

Sáng nay, (5/9), cả nước có 32 địa phương tổ chức khai giảng trực tiếp, 25 địa phương khai giảng trực tuyến hoặc trên truyền hình.

Năm nay, lần đầu tiên, 6 địa phương không tổ chức khai giảng gồm: Quảng Trị, TP.HCM, Quảng Bình, Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu.

Trong công điện Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo Sở GD&ĐT sẵn sàng các phương án tổ chức dạy học, tăng cường các biện pháp chống dịch trong trường học; tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương tổ chức khai giảng năm học mới 2021 - 2022 linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh trên địa bàn, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

Trong trường hợp chưa đảm bảo an toàn phòng dịch, có thể tổ chức lễ khai giảng chung theo hình thức trực tuyến hoặc trên truyền hình để học sinh thuộc khu vực đang phải giãn cách được hòa chung vào không khí khai giảng của địa phương và cả nước.

Đối với địa phương có dịch COVID-19 phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Trước mắt, cần dành thời gian để tập trung chống dịch, động viên giáo viên vừa tham gia chống dịch theo phân công, vừa chuẩn bị thật tốt mọi điều kiện để triển khai năm học mới khi điều kiện cho phép.

Kế hoạch khai giảng và học online của 63 tỉnh, thành phố:

Sáng nay, 57/63 tỉnh, thành tổ chức khai giảng năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục - Ảnh 2.

Sáng nay, 57/63 tỉnh, thành tổ chức khai giảng năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục - Ảnh 3.

Sáng nay, 57/63 tỉnh, thành tổ chức khai giảng năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục - Ảnh 4.

Sáng nay, 57/63 tỉnh, thành tổ chức khai giảng năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục - Ảnh 5.

Sáng nay, 57/63 tỉnh, thành tổ chức khai giảng năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục - Ảnh 6.

Quảng Bình lùi lịch học tới 20/9, riêng lớp 9 và 12 học từ 6/9

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Theo đó, thời gian tổ chức dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên bắt đầu từ ngày 20/9. Riêng đối với lớp 9 và lớp 12, ngành giáo dục, các địa phương và đơn vị trường học cần nghiên cứu áp dụng hình thức dạy học thông qua Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, tổ chức từ ngày 6 đến 20/9.

Tỉnh cũng giao Sở GD-ĐT căn cứ tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn và điều kiện của học sinh các vùng, miền, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để có hình thức dạy học phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 trước đó, trẻ mầm non, học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên ở Quảng Bình sẽ khai giảng vào ngày 5/9. (TTXVN)

Trà Vinh lùi ngày khai giảng tới 20/9

UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 2022 đối với các cấp học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngày tựu trường các bậc giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh từ ngày 15 đến 17-9; khai giảng vào ngày 20-9 và kết thúc năm học trước ngày 11-6-2022.

Tỉnh hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 trước ngày 31-7-2022; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30-6-2022.

Tỉnh Trà Vinh hiện đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19. Tính đến sáng 4-9, tỉnh ghi nhận 1.377 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tỉnh đã điều trị 781 ca khỏi bệnh và ghi nhận 17 ca tử vong. (TTXVN)

Hơn 850.000 học sinh Nghệ An dự lễ khai giảng trực tuyến qua sóng truyền hình

Sáng 5/9, đúng 8h sáng lễ khai giảng năm học mới sẽ được tổ chức tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh). Năm nay, do thành phố Vinh và nhiều địa phương khác trong tỉnh đang cách ly xã hội nên lễ khai giảng sẽ được tổ chức theo quy mô nhỏ, đảm bảo các điều kiện giãn cách và được rút ngắn trong thời gian 30 phút.

Lễ khai giảng được tổ chức long trọng với đầy đủ các nghi thức như chào cờ, đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước nhân dịp khai giảng năm học mới và phát biểu của đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Toàn bộ chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp lên sóng truyền hình của Đài truyền hình Nghệ An, app NTVgo, và livestream trên fanpage truyenhinhnghean.

Thống kê hiện nay, Nghệ An cũng đang còn 508 trường phải sử dụng để làm khu cách ly tập trung tại 20/21 huyện, thành, thị (trừ thị xã Cửa Lò), trong đó có 292 trường mầm non, 138 trường tiểu học và 77 trường THCS) và 1 trung tâm GDNN – GDTX.

Trước thềm năm học mới, Nghệ An cũng đang còn hàng chục học sinh và giáo viên phải điều trị tại các bệnh viện dã chiến; hàng trăm giáo viên, học sinh thuộc diện F1 và F2 đang phải cách ly tập trung hoặc giám sát tại nhà. (CA)

Học sinh sáng tác clip, tạo phông nền cho ngày khai giảng online

Khai giảng online là một hình thức rất mới mẻ với nhiều nhà trường. Nhưng qua đó đã cho thấy sức sáng tạo của học sinh ra sao.

Lễ khai giảng của Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội có sự chung tay của đội ngũ nhà trường, học sinh cũng như cha mẹ các em. Những clip do chính tay học sinh thực hiện được trình chiếu trong buổi lễ khai giảng.

Trường Nguyễn Siêu (Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phát động một phong trào thiết kế background (phông nền) cho lễ khai giảng sắp tới. Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh cũng như giáo viên nhà trường. Nhiều lớp học đã lên những thiết kế rất độc đáo mang "màu cờ sắc áo" của lớp mình.

Sáng nay, 57/63 tỉnh, thành tổ chức khai giảng năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục - Ảnh 7.

Kế hoạch khai giảng năm học mới của Trường Tiểu học Quang Trung, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Sau Lễ khai giảng chung của toàn thành phố, nhiều trường sẽ chia học sinh về từng lớp học Zoom và thực hiện “tiết học đầu tiên của năm học mới”, đó là tổ chức cho HS học tập nội quy, giới thiệu truyền thống của nhà trường, quy định trong giờ học online; dặn dò học sinh chuẩn bị dụng cụ học tập và tinh thần sẵn sàng cho buổi học đầu tiên của năm học mới vào ngày 6/9.

Hà Nội khai giảng tại trường THCS Trưng Vương

Do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại Hà Nội, lễ khai giảng được tổ chức tại trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm vào sáng 5/9 và được truyền hình trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn tham dự buổi lễ khai giảng.

UBND TP Hà Nội yêu cầu ngày khai giảng được tổ chức bảo đảm trang trọng, ngắn gọn, phù hợp với lứa tuổi học sinh; bảo đảm an toàn, tránh phô trương, hình thức; tạo không khí vui tươi, phấn khởi; bảo đảm các điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo kế hoạch, tại lễ khai giảng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới; Chủ tịch UBND thành phố đánh trống khai giảng năm học mới và nhiều hoạt động khác.

Các cơ sở giáo dục theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp lễ khai giảng của thành phố và tổ chức sinh hoạt đầu khóa theo hình thức trực tuyến theo đúng các văn bản chỉ đạo của thành phố và Sở GD&ĐT. (PV)

Miễn học phí, bày cách học trực tuyến sao cho hiệu quả

Nhưng dù khai giảng hay không, thì khi dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp, tại tất cả các địa phương, việc học trực tuyến, học trên truyền hình là giải pháp đã được tính đến cho năm học này.

Từ đầu tháng 8, sôi nổi trên rất nhiều diễn đàn, hội nhóm của giáo viên là những câu hỏi có nên dạy online cho học sinh lớp 1,? Làm thế nào để dạy online như thế nào cho hiệu quả, hấp dẫn? Phụ huynh lo lắng về thể chất khi con sẽ ngồi hàng giờ trước máy tính, sẽ gù lưng, cận thị. Biết bao giáo viên cũng bắt đầu năm học giữa bộn bề, vừa lo toan cuộc sống, vừa chung sức chống dịch, vừa tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới...

5 tỉnh gồm Hà Nội và TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng đều đã đưa ra phương án miễn giảm học phí cho học sinh các cấp, cả công lập và ngoài công lập. Nhiều trường học ở các địa phương như TPHCM đã lên phương án hỗ trợ những học sinh không có thiết bị học trực tuyến…

Với học sinh không thể có thiết bị để học online, ngành giáo dục đều có tài liệu học tập, sách, bài giảng điện tử đã được ghi hình. Các tài liệu này sẽ hướng dẫn cụ thể cho học sinh, phụ huynh và kết hợp với các hình thức học tập khác.

Giữa tâm dịch, hơn 75.000 học sinh TPHCM bước vào năm học mới

Sở GD&ĐT TPHCM cho biết đã xây dựng các phương án để học sinh có thể bắt đầu năm học mới, ngay cả đối với những học sinh không có điều kiện tiếp cận công nghệ để học trực tuyến.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều 4/9, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM, cho biết: ngành giáo dục thành phố đang đứng trước nhiều khó khăn trong đợt bùng phát dịch. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tất cả học sinh trên địa bàn sẽ không đến trường mà học qua mạng internet.

Qua thống kê, TPHCM có tổng cộng hơn 75.000 học sinh tại các cấp bậc trong năm học này. Cụ thể, học sinh tiểu học là 31.000 em, học sinh THCS là 22.000 em và học sinh THPT là hơn 15.000 em.

Trong năm học này, ngành giáo dục TPHCM lên kế hoạch cho các em học tại nhà đến hết học kỳ I năm học 2021-2022. Cụ thể, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM ghi lại các tiết học do thầy cô có nhiều kinh nghiệm đứng lớp, các chương trình này dự kiến được phát sóng từ giữa tháng 9.

Bên cạnh đó, các phòng giáo dục, trường học trên địa bàn đều có tài liệu học tập, sách, bài giảng điện tử đã được ghi hình. Các tài liệu này sẽ hướng dẫn cụ thể cho học sinh, phụ huynh và kết hợp với các hình thức học tập khác.

Tuy nhiên, một khó khăn được đặt ra là có khoảng 4% trong tổng số học sinh trên địa bàn không đủ điều kiện để tiếp cận các phương tiện, trang thiết bị công nghệ. Để khắc phục khó khăn này, Sở Giáo dục Đào tạo đã xây dựng đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên đưa các phiếu học tập và hướng dẫn tại nhà cho các em học sinh theo tuần.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ thêm, hiện trên toàn địa bàn có khoảng 6.600 học sinh các cấp là F0. Hầu hết các em không có triệu chứng. Bên cạnh đó, nhiều học sinh có ngươi thân, cha mẹ là F0, thậm chí có trường hợp cả cha và mẹ không qua khỏi.

Chủ tịch nước gửi thư cho ngành giáo dục

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2021-2022.

Trong thư, Chủ tịch nước viết đợt dịch bùng phát lần thứ tư, nhiều học sinh, sinh viên đã phải trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu điều kiện, phương tiện để học trực tuyến.

Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung, do vậy đã bị ngắt quãng việc học.

Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục, cùng các ngành, các cấp lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa với các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa.

“Hơn bao giờ hết, toàn xã hội cùng cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động với ngành giáo dục vì tương lai đất nước, vì tương lai con em chúng ta” – thư viết.

Cũng theo Chủ tịch nước, lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm dùi mài kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt ngàn năm văn hiến.

"Bước vào năm học mới 2021-2022, tôi mong muốn ngành giáo dục tiếp tục "tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài" như nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.


Chia sẻ