Sáng 1/4: Trẻ đã mắc COVID-19 sau bao lâu có thể tiêm vaccine? Không mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai
Bộ Y tế cho biết, đến nay số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi là hơn 7,5 triệu người; Ca COVID-19 nặng đang điều trị giảm mạnh, còn hơn 2.900 trường hợp; Từ ngày 1/4, không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai.
Hơn 7,5 triệu người mắc COVID-19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh
Trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 cho biết ngày 31/3 ghi nhận 80.838 ca mắc COVID-19 mới, giảm 4.932 ca so với ngày trước đó tại 62 tỉnh, thành phố (có 56.105 ca trong cộng đồng).
5 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh nhiều nhất như sau: Hà Nội (8.054), Phú Thọ (3.415), Nghệ An (3.399), Yên Bái (3.156), Đắk Lắk (3.107); 27 tỉnh, thành phố khác ghi nhận ca mắc từ 1.000- 3.000 ca/ngày;
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 91.762 ca/ngày;
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.564.609 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 96.747 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.556.876 ca, trong đó có 7.516.196 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.474.782), TP. Hồ Chí Minh (594.585), Nghệ An (391.871), Bình Dương (376.566), Hải Dương (344.058).
Bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh trong ngày 31/3 là 250.482 ca (cao gấp hơn 3 lần số mắc mới trong ngày), nâng tổng số ca được điều trị khỏi đến nay ở nước ta 7.519.013 ca
Số ca COVID-19 nặng và tử vong đều giảm liên tục
Theo thống kê của Bộ Y tế, số bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị đến ngày 31/3 là 2.975 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.379 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 281 ca; Thở máy không xâm lấn: 99 ca; Thở máy xâm lấn: 216 ca; ECMO: 0 ca
Số bệnh nhân tử vong trong ngày 31/3 là 39 ca. Như vậy, đây là ngày Việt Nam ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong vòng 56 ngày qua (kể từ ngày 3/2 ghi nhận 286 ca).
Trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua là 50 ca, giảm so với cùng kỳ (trung bình 66 ca/ ngày). Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.493 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Bộ Y tế đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.
Từ ngày 1/4/2022, không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ đã kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc quản lý trang thiết bị y tế, giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập hiện nay của hệ thống pháp luật quản lý trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.
Để thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định số 5699/QĐ-BYT ngày 15/12/2021 phê duyệt kế hoạch triển khai Nghị định, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tổ chức thực hiện nghiêm.
Bộ Y tế đã xây dựng Cổng thông tin điện tử thực hiện kê khai, công khai giá để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện.
Kể từ ngày 1/4/2022, không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm điều 45 Nghị định 98 bao gồm: Kê khai giá trang thiết bị y tế; Công khai giá trang thiết bị y tế; Giá trang thiết bị y tế được tính theo đồng tiền Việt Nam; Chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế chịu trách nhiệm; Giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế bao gồm đầy đủ các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này…
Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 sau bao lâu thì tiêm vaccine?
Tại Hội nghị tập huấn về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi của Bộ Y tế chiều 31/3, một số địa phương đặt câu hỏi về việc, trẻ đã nhiễm COVID-19 sẽ tiêm vắc xin sau bao lâu, vì hiện nay vẫn còn ý kiến chưa thống nhất, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ, ngành y tế đã lấy ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế để triển khai thống nhất, đồng bộ chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em.
Theo GS Phan Trọng Lân, trẻ em trong lứa tuổi này mắc COVID-19 thường bị nhẹ nên miễn dịch chưa đầy đủ. Kể cả ở người lớn, miễn dịch tự nhiên của COVID-19 không chuẩn hóa bằng miễn dịch của vaccine.
Vì vậy, Cục trưởng Phan Trọng Lân cho rằng, tiêm vaccine trên những người đã mắc COVID-19 là cần thiết. Cho đến hiện tại, ở trẻ em lứa tuổi 5 - dưới 12 tuổi, cần tiêm ở thời điểm 3 tháng sau khi mắc COVID-19, đồng thời phải đảm bảo an toàn là trên hết tại chiến dịch tiêm chủng.
Tỷ lệ F0 ở TP HCM khai báo trực tuyến đạt 72%
Sở Y tế TP HCM ngày 31/3 cho biết, sau 20 ngày triển khai thí điểm chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà trên địa bàn TPHCM, đã có 84.799 lượt F0 khai báo (tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn), qua đó, các Trạm y tế trên địa bàn TP HCM đã tiếp nhận thông tin khai báo, đánh giá, sàng lọc và đã xác nhận 61.406 trường hợp là F0 do có đầy đủ thông tin được khai báo theo yêu cầu, chiếm tỷ lệ 72%.
Tỷ lệ này đã cải thiện rõ rệt nếu so với những ngày đầu tiên triển khai (chỉ chiếm khoảng 20%).
Theo Sở Y tế TP HCM, có 1.233 người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi và có bệnh nền) và 12.753 người khai báo có triệu chứng nghi nặng (khai báo có cảm giác mệt, khó thở, đau tức ngực) đã được Trạm y tế chủ động tiếp cận, chăm sóc và điều trị kịp thời sau khi được cảnh báo nhắc qua tin nhắn gửi đến các Trạm y tế.
Đây là một tiện ích đã được Sở Y tế bổ sung sau 1 tuần triển khai thử nghiệm, giúp các bác sĩ của Trạm y tế không bỏ sót các trường hợp F0 có dấu hiệu nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 488.066.100 ca, trong đó có 6.165.557 người tử vong. Các nước cũng ghi nhận trên 422 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 58 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 31/3, thế giới có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới. Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 320.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 330 ca. Theo thống kê của trang worldometers.info, đến hết ngày 31/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 27 triệu trường hợp mắc COVID-19.