Săn sale 11-11, coi chừng mua nhầm "cục tức"
Trước sức nóng từ các chương trình “siêu sale” dịp cuối năm, người tiêu dùng cần thận trọng để không rơi vào "bẫy" khuyến mãi hoặc mua phải hàng không như ý muốn.
Ngày 11-11 hay còn gọi là ngày Single's Day, được xem là lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc nhưng đang ngày càng phổ biến tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Năm nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các sàn thương mại điện tử càng xem đây là dịp để kích thích nhu cầu mua sắm của các tín đồ thích "săn sale".
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tất cả sàn thương mại lớn lớn nhỏ trong nước đều đang chạy chương trình "siêu sale 11.11" với hàng loạt ưu đãi, tặng quà, mã giảm giá lớn để thu hút khách hàng.
Đặc biệt, với tăng trưởng mạnh mẽ của hình thức mua sắm qua livestream, dịp này sàn Shopee kết hợp cùng các nghệ sĩ hàng đầu, những người KOL và KOC tổ chức chuỗi livestream liên tục 11 ngày, đồng thời đẩy mạnh các hỗ trợ thiết thực cho người dùng, nhà bán hàng và thương hiệu, như: ưu đãi mua 1 tặng 1 ngành hàng Thời Trang & Mỹ Phẩm, hàng ngàn thương hiệu giảm 50% qua Shopee Live, cơ hội trúng 111 iPhone 15 và đa dạng chương trình giải trí đặc sắc.
Sàn thương mại điện tử Lazada cũng tung hàng loạt deal "bom tấn" trong mùa lễ hội cuối năm, kéo dài trong 3 ngày từ 11-11 đến 13-11, như "LazFlash Max – Hàng hiệu sale bom tấn" giảm đến 50%, Voucher Bonus với mức giảm lên đến 800k mỗi đơn, freeship mọi đơn hàng cùng hàng loạt các hoạt động tương tác hấp dẫn như LazGames, LazLive và check in nhận xu mỗi ngày.
Đại diện Lazada cho biết đây là dịp mua sắm lớn nhất trong năm của sàn với sự tham gia của hàng trăm nghìn các thương hiệu, nhà bán hàng uy tín trong và ngoài nước.
Ngày 11-11 là ngày độc thân, có xuất phát từ Trung Quốc. Sau đó, ngày này trở thành ngày lễ mua sắm với nhiều chương trình "siêu giảm giá" từ 50% đến 80% của các thương hiệu lớn, nhỏ.
Anh Thanh Bình (ngụ TP Thủ Đức), một tín đồ "săn sale" trong các dịp giảm giá, cho biết đã lên kế hoạch mua các mặt hàng bách hóa như nước giải khát, sữa,… với giá khuyến mãi dịp 11-11 để bán lại kiếm lời.
"Tới ngày hội khuyến mãi, tôi và nhóm bạn sẽ dạo các sàn thương mại điện tử trước một đến hai hôm để xem gian hàng uy tín nào đang có nhiều mã giảm giá sốc. Đúng ngày "sale sập sàn" sẽ dồn hết tiền để mua, sau đó bán lại kiếm lời"- anh Bình chia sẻ.
Trong khi đó, chị Thùy Linh (ngụ quận 7, TP HCM), cho biết trước kia chị rất nóng lòng chờ đợi mua sắm trong các đợt giảm giá khủng nhưng sau đó cảm thấy hối hận khi nhận ra những món hàng đã đặt mua trong hôm đó đến nay không cần dùng đến, thậm chí mua nhầm hàng dỏm, hàng bị nâng giá cao hơn bình thường...
"Có những món hàng tôi đặt mua trong những ngày hội giảm giá nhưng đến tận nửa năm còn chưa khui ra để dùng"- chị Linh cười và nói.
Theo ông Trương Võ Tuấn, người từng điều hành trang web muabannhanh.com, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng nên xác định sản phẩm nào cần thiết để mua và không nên chạy theo hiệu ứng mua hàng đám đông.
"Người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm đúng với nhu cầu thực của mình. Thông thường tâm lý thấy sản phẩm giảm giá lên đến 50% đến 70%, họ sẽ bị cuốn theo và chốt đơn không tiếc tay dẫn đến việc vượt quá khả năng tài chính của mình. Nhiều sản phẩm kém chất lượng có thể sẽ xuất hiện với giá cực kỳ hấp dẫn. Vậy nên cần tỉnh táo trong những ngày hội giảm giá"- ông Tuấn nói.
Chuyên gia thương mại điện tử Lưu Thanh Phương, người từng sở hữu một sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, chia sẻ rằng người tiêu dùng không nên tin hoàn toàn vào quảng cáo trong những dịp giảm giá khủng vì có thể "sập bẫy" mua hàng giá cao hơn lúc chưa khuyến mãi.
"Người tiêu dùng nên cân nhắc tài chính, không nên sử dụng thẻ tín dụng chi tiêu quá nhiều vì sẽ rất khó kiểm soát được. Người mua thường chỉ quan tâm đến việc săn được hàng giá rẻ nhưng không hề để ý số tiền trong thẻ tín dụng liên tục bị trừ. Có nhiều món hàng họ mua nhưng không sử dụng.
Ngoài ra, trong những dịp khuyến mãi lớn, các tín độ chỉ muốn mua hàng thật nhanh vì các mã giảm giá thường có thời hạn rất ngắn. Các mã giảm giá này do sàn và các gian hàng lớn hợp tác đưa ra để bán được nhiều hàng và lấy tương tác. Trong khi các gian hàng nhỏ không được sàn hỗ trợ thường sẽ đu theo và lên giá, người mua nghĩ rằng giá đã giảm nhưng thực tế lại mua nhầm giá cao" – anh Phương lưu ý.
Theo ghi nhận, không chỉ riêng trên sàn TMĐT, các gian hàng trên mạng xã hội lẫn cửa hàng truyền thống cũng đang đu theo ngày hội "siêu sale" để tăng doanh số bán hàng vào dịp gần cuối năm.
Một cửa hàng giày nằm trên đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức đang khuyến mãi trong khoảng thời gian 11-11
Các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế giới Di động đang "Sale Tất Tần Tật" trong 5 ngày từ 8-11 đến 12-11 lên đến 50%
Siêu thị Mega cũng hòa mình trong cơn bão "siêu sale"
FPT Shop chạy chương trình "siêu sale" 11-11 trên mạng xã hội
Một cửa hàng mỹ phẩm, thời trang... sale khủng trong ngày 11-11.