Samsung thời hậu Chủ tịch Lee Kun-hee
Chủ tịch Lee Kun-hee qua đời vào một thời điểm phức tạp khi "thái tử" Lee Jae-yong đang đối mặt với một số rắc rối pháp lý có thể đẩy ông vào tù một lần nữa.
Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee, người biến hãng sản xuất tivi nhỏ thành gã khổng lồ điện tử tiêu dùng toàn cầu, đã qua đời vào ngày 25-10, thọ 78 tuổi.
Tập đoàn Samsung trong một tuyên bố cho biết các thành viên trong gia đình, bao gồm Phó Chủ tịch Lee Jae-yong - con trai cả của Chủ tịch Lee Kun-hee - có mặt lúc ông lâm chung. Samsung không tiết lộ nguyên nhân cái chết của ông Lee Kun-hee, chỉ biết rằng ông đã nằm viện từ tháng 5-2014 sau một cơn suy tim.
"Tất cả chúng tôi tại Samsung sẽ nhớ mãi Chủ tịch Lee Kun-hee và biết ơn hành trình mà chúng tôi đã chia sẻ cùng ông… Di sản của ông sẽ trường tồn" - Samsung chia sẻ.
Ông Lee Kun-hee trở thành chủ tịch đời thứ hai của Samsung sau khi cha ông, người sáng lập tập đoàn Lee Byung-chul qua đời vào năm 1987. Theo Reuters, sự ra đi của Chủ tịch Lee Kun-hee sẽ để lại những vấn đề khó khăn liên quan đến quyền kế thừa cho thế hệ thứ ba.
Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee trong chuyến thăm một doanh nghiệp Việt Nam hồi tháng 10-2012. Ảnh: REUTERS
"Đã 6 năm kể từ khi Chủ tịch Lee Kun-hee nhập viện. Nếu có sự đồng thuận giữa 3 người con, Samsung sẽ trải qua quá trình chuyển giao quyền thừa kế êm xuôi. Nếu không, có khả năng xảy ra xung đột" - chuyên gia Park Sang-in của Trường ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) khẳng định.
Cái chết của ông Lee Kun-hee, người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản ròng được Tạp chí Forbes ước tính 20,9 tỉ USD, nhiều khả năng thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với khả năng tái cấu trúc tập đoàn liên quan đến cổ phần của ông trong các công ty con chủ chốt của Samsung, như Samsung Life Insurance và Samsung Electronics. Ông Lee Kun-hee sở hữu 20,76% cổ phần của Samsung Life Insurance và là cổ đông lớn nhất của Samsung Electronics với 4,18% cổ phần.
"Với sự ra đi của Chủ tịch Lee Kun-hee, Tập đoàn Samsung hiện đối mặt với sự thay đổi lớn nhất về mặt quản trị kể từ sau vụ sáp nhập Công ty Cheil Industries và Công ty Samsung C&T hồi 2015" - chuyên gia Ahn Sang-hee của Viện Nghiên cứu Kinh tế Daishin (Hàn Quốc) nhận định.
Chủ tịch Lee Kun-hee qua đời vào một thời điểm phức tạp khi "thái tử" Lee Jae-yong đang đối mặt với nhiều rắc rối pháp lý liên quan đến việc sáp nhập 2 công ty con của Samsung để củng cố quyền kiểm soát tập đoàn. Trước đó, ông Lee Jae-yong cũng đã phải ngồi tù và được trả tự do vào tháng 2-2018 vì liên quan đến bê bối hối lộ khiến Tổng thống Hàn Quốc vào thời điểm đó là bà Park Geun-hye bị luận tội và phế truất.
Tuy nhiên, vụ án đang được xét xử trở lại trong khi một phiên tòa riêng biệt với các cáo buộc liên quan đến gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu đã bắt đầu vào tháng này. Những rắc rối pháp lý này có thể đẩy ông Lee Jae-yong vào tù lần nữa.
Theo một quan chức giấu tên của Samsung tiết lộ với báo The Korea Herald, kể từ khi Chủ tịch Lee Kun-hee nhập viện vì suy tim vào tháng 5-2014, "thái tử" Lee Jae-yong đã nắm quyền điều hành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc này. Bên cạnh đó, ông Lee Jae-yong còn củng cố vị thế nhà lãnh đạo thực sự bằng việc tham gia vào các thỏa thuận kinh doanh quan trọng, trong đó có quyết định đầu tư 748 triệu USD vào việc xây dựng nhà máy thứ ba cho Công ty Công nghệ sinh học Samsung Biologics vào cuối năm 2014.
Năm ngoái, nhân dịp 50 năm thành lập Samsung, phó chủ tịch Lee Jae-yong đã công bố tầm nhìn mới của tập đoàn, đồng thời trình bày những nỗ lực của ông trong việc tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới. "Trí tuệ nhân tạo, hệ thống trên các vi mạch (SOC), 5G và phụ tùng ôtô là những mảng kinh doanh mới sẽ tạo nên một Samsung dưới thời của ông Lee Jae-yong" - một quan chức giấu tên của Samsung tiết lộ.
Để tiếp quản vai trò lãnh đạo ở Samsung, "thái tử" Lee Jae-yong đã xây dựng một mạng lưới toàn cầu vững chắc bằng việc duy trì liên lạc với giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn, trong đó có Coca-Cola và Boeing.