Sai sót xét nghiệm nồng độ cồn nữ sinh tử nạn: Cần làm rõ có chủ đích, chủ mưu hay không?
Luật sư cho rằng, sai sót trong việc xác định nồng độ cồn đối với vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng là không thể chấp nhận được. Đặc biệt là xác định nồng độ cồn đối với nạn nhân đã chết, do đó, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ sai sót này là có chủ đích hay không? Nếu có thì cần làm rõ ai là chủ mưu làm sai lệch hồ sơ vụ việc để xử theo quy định của pháp luật.
Sự việc ông Hoàng Văn Minh (38 tuổi, ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) điều khiển ô tô đâm tử vong nữ sinh Hồ Hoàng Anh (18 tuổi) điều khiển xe máy, đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua.
Tại buổi họp báo hôm 2/8, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận cho biết nữ sinh Hồ Hoàng Anh đi đúng làn đường và tốc độ quy định. Trong khi tài xế Minh đã chuyển hướng ô tô không an toàn và sử dụng điện thoại khi lái xe.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cũng thừa nhận có sai sót trong việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Hoàng Anh. Đây là tình tiết khiến nhiều độc giả bày tỏ thái độ bức xúc. Với tình tiết này, những ai có thể phải chịu trách nhiệm trong vụ việc?
Trao đổi với Tiền Phong, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, sai sót trong việc xác định nồng độ cồn đối với vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng là không thể chấp nhận được. Đặc biệt là xác định nồng độ cồn đối với người đã chết, là nạn nhân của vụ tai nạn, do đó, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ sai sót này là có chủ đích hay không?
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp là lỗi vô ý, cũng cần xem xét kỷ luật thích đáng những người liên quan; còn trường hợp sai sót là cố ý, có chủ đích, cần làm rõ ai là chủ mưu “làm sai lệch hồ sơ vụ việc” để xử theo quy định của pháp luật.
Vị luật sư phân tích thêm, quy trình điều tra một vụ tai nạn giao thông rất tỉ mỉ, cụ thể. Đặc biệt là hoạt động giám định, xác định các tình tiết của vụ việc. Bởi, kết quả xác minh sẽ là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp cán bộ qua loa, thiếu trách nhiệm, thu thập không đúng quy trình, quy định, có thể tạo ra những chứng cứ giả mạo, sai sự thật, không khách quan, làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ việc hoặc nếu cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc để đổ lỗi cho người chết, đây còn là hành vi coi thường pháp luật và có thể khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan Nhà nước.
Vì vậy, nếu phát hiện ra hành vi bao che, làm sai lệch hồ sơ để đổ lỗi cho người bị hại, cần phải xem xét xử lý nghiêm minh, trong đó không loại trừ việc áp dụng chế tài hình sự đối với người vi phạm.
Còn thạc sĩ, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Sa cho hay, dựa vào thông tin ban đầu do Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm công bố cho thấy tài xế Hoàng Văn Minh chuyển làn không an toàn, vi phạm luật giao thông đường bộ, đồng thời khi điều khiển xe anh này còn sử dụng điện thoại nên đủ cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự.
Chiều 2/8, tại buổi họp báo ở Sở TT-TT Ninh Thuận về vụ TNGT làm nữ sinh Hồ Hoàng Anh tử vong, thượng tá Hà Công Sơn - Phó trưởng Công an TP. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, tài xế gây ra vụ TNGT là ông Hoàng Văn Minh (cán bộ của Trung đoàn Không quân 937). Khi làm việc với cơ quan công an, ông Minh thừa nhận sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Qua kiểm tra tài xế ô tô có bằng lái xe và không có nồng độ cồn trong máu lúc điều khiển phương tiện.
“Tài xế Minh khai trong quá trình điều khiển ô tô có nghe điện thoại bằng kết nối bluetooth (kết nối không dây). Sau khi tai nạn xảy ra, tài xế Minh lấy điện thoại cầm theo đi đến chỗ cháu Hồ Hoàng Anh”, thượng tá Sơn nói.
Trong khi đó, ông Thái Phương Phiên - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận thông tin: Khi thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của cháu Hoàng Anh, kỹ thuật viên đã không thực hiện đúng theo quy định. Cụ thể, không thực hiện giai đoạn chạy mẫu kiểm tra trước khi chạy máu huyết thanh của bệnh nhân. Bên cạnh đó, khi nhận thấy kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân bất thường, kỹ thuật viên đã không thực hiện xem xét và ký trả kết quả xét nghiệm theo đúng quy định. Chưa hết, khi thực hiện ký trả các kết quả sai đó, kỹ thuật viên cũng không trình cho trưởng khoa hoặc cho lãnh đạo ký duyệt.
Theo ông Thái Phương Phiên, sau này cơ quan công an có văn bản kiểm tra lại quy trình xét nghiệm, thì phía lãnh đạo bệnh viện mới phát hiện ra việc xét nghiệm sai.