Sai lầm phổ biến nhiều cha mẹ mắc phải khiến con cái tự ti cả đời
Một đứa trẻ có thể trở thành người như thế nào trong tương lai phần lớn phụ thuộc vào cách giáo dục của gia đình.
Trên mạng xã hội từng xuất hiện chủ đề "Cha mẹ đã khiến chúng ta mất tự tin như thế nào?". Nhiều người chia sẻ, mọi lựa chọn của họ đều bị cha mẹ can thiệp. Dù là ăn uống hay đi mua sắm, thậm chí là chọn một mớ rau ở chợ... thì họ cũng bị cha mẹ công kích, chê là không phù hợp, chưa biết chọn.
Thực chất, rất nhiều cha mẹ đều như vậy. Họ luôn muốn thay con chọn lựa, quyết định mọi mặt trong cuộc sống. Những cha mẹ này thường phủ nhận lựa chọn của con, cho rằng con chưa đủ "tinh ranh" để đưa ra quyết định. Mọi thứ con làm, họ đều chê. Có lẽ trong mắt những bậc cha mẹ này, việc quyết định thay con để thể hiện sự bao bọc, che chở nhưng với con trẻ, nó lại như một sự tra tấn tinh thần.
Hay ngay cả khi con làm đúng điều gì, họ cũng chỉ tặc lưỡi cho qua mà không có bất kỳ lời khen, sự công nhận nào.
Cha mẹ có thể nhận thấy: Nhiều đứa trẻ khi còn nhỏ rất hoạt bát và vui vẻ nhưng lớn lên lại tự ti, ngại chia sẻ suy nghĩ của bản thân hay luôn lưỡng lự, không chắc chắn với câu trả lời của mình. Lý do đằng sau việc này là cha mẹ can thiệp quá mức trong quá trình trưởng thành của trẻ và bỏ qua việc lắng nghe trái tim trẻ.
Một đứa trẻ có thể trở thành người như thế nào trong tương lai phần lớn phụ thuộc vào cách giáo dục của gia đình. Những tổn thương tâm lý do giáo dục không đúng cách có thể đeo bám trẻ suốt đời và ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống.
Những đứa trẻ không được cha mẹ công nhận sẽ sống trong mặc cảm cả đời
Mong muốn lớn nhất của một đứa trẻ là được cha mẹ công nhận, khẳng định. Thế nhưng nhiều cha mẹ luôn lo sợ khen ngợi sẽ khiến con tự kiêu, vậy nên họ sẵn sàng lờ đi hoặc phủ nhận công sức của con.
Thật ra, trong lòng trẻ thơ, cho dù cả thế giới không công nhận mình thì chỉ cần được cha mẹ công nhận, các em đã cảm thấy hạnh phúc và có động lực tiến bước.
Nhưng có những đứa trẻ không được may mắn như vậy. Các em thường xuyên bị cha mẹ phớt lờ, nỗi buồn đó khiến các em thiếu đi cảm giác an toàn, lúc nào cũng tự ti. Các em cho rằng bản thân mình kém cỏi, không đủ tốt, ngay cả những người thân yêu nhất như cha mẹ cũng thấy không vừa ý.
Bác sĩ, chuyên gia tâm thần học nổi tiếng Alfred Adler từng nói: "Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả đời để hàn gắn những tổn thương của thời thơ ấu".
Nếu tuổi thơ của một đứa trẻ hạnh phúc và tươi đẹp, thì trẻ sẽ là người ấm áp và tự tin, lúc nào cũng đối mặt với cuộc sống bằng một thái độ tích cực, vui vẻ và ngược lại! Một đứa trẻ bị cha mẹ phủ nhận, chưa nói đến việc sau này có làm tốt công việc của mình hay không, ít nhất có một điều chắc chắn rằng: Cảm giác hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống của trẻ sẽ rất thấp.
Những đứa trẻ cần có quyền đưa ra lựa chọn
Phần lớn sự tự tin của trẻ đến từ sự độc lập. Cha mẹ thông minh thay vì can thiệp vào lựa chọn của con cần biết buông bỏ đúng lúc và để con tự quyết định. Con muốn mặc gì là việc của con. Nếu nhận thấy không phù hợp, con sẽ tự điều chỉnh lại phong cách của mình. Con muốn học ngành gì cũng là quyền của con. Nếu chọn sai, con phải tự chịu trách nhiệm.
Cha mẹ cứ quyết thay chỉ khiến ý thức tự chủ của con bị triệt tiêu, ảnh hưởng sự tự tin và thiếu tinh thần trách nhiệm. Dần dà, việc gì con cũng dựa dẫm vào người khác và nảy sinh tính dễ dãi.
Kiểm soát và làm mọi thứ cho con cái chính là cách giáo dục độc hại nhất. Dám buông tay chính là bài kiểm tra thực sự về phẩm chất tâm lý và phán đoán giá trị của cha mẹ. Chỉ khi cha mẹ biết buông bỏ, con cái mới thực sự trưởng thành và hạnh phúc.