Sai lầm ngay từ... "khúc dạo đầu"
Năm năm công tác ở chuyên mục Đường dây nóng, thường được các dì, các chị tìm đến cầu cứu với một "đoạn kết": chồng đánh trọng thương; chồng mê bài bạc cầm cố nhà cửa, bỏ bê vợ con...
Đó là "sai lầm chết người" của rất nhiều cô gái khi quyết định tiến đến hôn nhân. Có cô biết người yêu tính tình cộc cằn, thô lỗ, hay thượng cẳng chân, hạ cẳng tay; cô khác thì từng mục sở thị người chồng sắp cưới máu me cờ bạc; cô nọ hiểu đến mười mươi gia đình người yêu có truyền thống năm thê bảy thiếp và anh chàng của mình cũng hết sức trăng hoa... Vậy mà họ vẫn lao vào cuộc vì tự tin hay mù quáng. Những cô gái trẻ trung ngày ấy, khi tìm đến với chúng tôi, đã trở thành những bà vợ, bà mẹ bầm dập thân thể, rách nát tâm hồn và suy sụp tinh thần với lời biện hộ: "Tưởng tình yêu chân thành của tôi sẽ cảm hóa được anh ấy!".
Nguyễn Mai Trinh (nhân viên một công ty nước ngoài tại Nha Trang) quen Trần Thanh Quang từ hồi cấp III. Vào đại học, họ lại học chung một lớp nên Trinh hiểu rất rõ hoàn cảnh của Quang. Bố anh thường xuyên say xỉn, đánh đập vợ con... Một lần, chứng kiến cha đánh mẹ ngất xỉu, Quang buồn quá, bỏ học, đi bụi; bắt đầu nhậu nhẹt, quậy phá...
|
Nhiều cuộc hôn nhân thất bại do ngay từ đầu người trong cuộc đã có quá nhiều ảo tưởng. |
Gia cảnh vốn rất nghèo nên khi rời Đồng Tháp lên Q.Tân Phú, TP.HCM kiếm sống, cô thôn nữ Nguyễn Thùy Lan những tưởng sẽ được đổi đời khi Lê Công Minh, con trai chủ khu nhà trọ ngỏ lời yêu. Quen chưa đầy tháng, mẹ của Minh hối làm đám cưới. Bà hứa sẽ lo tất cả, sẽ mua nhà cho hai vợ chồng. Choáng ngợp trước viễn cảnh đổi đời, Lan không cần tìm hiểu gì thêm, liền gật đầu đồng ý.
Đám cưới xong, đúng là ba má Minh “lo hết”: ông bà cho con trai và con dâu một căn nhà mặt tiền ở huyện Bình Chánh, mở sạp bán gạo với số vốn hơn 100 triệu đồng cho Lan quản lý... Lan hớn hở khoe với mọi người: “Chồng con hiền khô hà”. Nhưng sự hiền lành của Minh chỉ kéo dài hơn một tháng. Sau đó, Lan phát hiện Minh hay lờ đờ, ngáp dài ngáp ngắn, rồi len lén xách xe đi đâu mất tăm cả ngày mà không cho vợ biết. Theo dõi, Lan tá hỏa: Minh nghiện ma túy. Lan hoảng hốt báo tin cho má Minh, bà tỉnh bơ: “Nó nghiện ba năm rồi!”. Để phòng thân, Lan bắt đầu quản chặt chi tiêu của gia đình.
Tưởng cưới là xong, nào ngờ Ngân Chi phải ngậm bồ hòn làm ngọt bởi gặp phải anh chồng trăng hoa, sau khi cưới còn bê tha gấp bội. Họ quen nhau khi Ngân Chi mới về công ty làm kế toán, Tuấn Hùng lúc đó là phó nhóm kinh doanh. Hùng nói chuyện có duyên, đàn giỏi, hát hay, lại khéo chiều chuộng phụ nữ. Dù đã có người yêu nhưng Hùng vẫn thường xuyên trổ tài tán gái. Chi biết chuyện vẫn tỉnh bơ. Bởi cô tin, khi kết hôn, Hùng trở thành người đàn ông của cô, sẽ tự biết cách điều chỉnh. Nhưng một ngày Chi tìm đến sụt sùi khóc lóc. Cô kể rằng mình là “nạn nhân” của vụ cướp. Hỏi kỹ mới biết, không phải Hùng bị một người “cướp mất” mà có đến ba phụ nữ “giành” anh ta làm chồng, trong đó có cả cô em bạn dì vốn rất thân với Chi. Các đối thủ của Chi không hề “nhẹ cân”, trong khi cô với Hùng chỉ có một con gái, thì người khác đã sinh cho anh đủ nếp, đủ tẻ.
“Trăm năm tính cuộc vuông tròn, phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” - chuyện vợ chồng là chuyện hệ trọng của cuộc đời, nên phải tìm hiểu kỹ, điều này có lẽ ai cũng biết. Thế nhưng, dù biết rõ hậu quả nhãn tiền, nhiều chị em vững tin rằng mình đủ sức làm thay đổi cục diện. Thậm chí, đến phút cuối, nhiều chị em vẫn tự huyễn hoặc: cứ nghĩ nếu vợ làm “bầu” chồng sẽ “tròn”; vợ làm “ống”, chồng sẽ “dài”... Và hậu quả đã phải dài cổ ra chờ đợi phép mầu không bao giờ có ấy, chỉ thấy cuộc đời họ nát tan.
Khi chồng lộ rõ chân tướng hầu hết chị em lại tìm đủ mọi lý do để tự an ủi, biện minh, rằng họ phải chịu đựng vì con, cho con. Nhưng bé Thương Thương, con gái của Trinh và Quang đã òa khóc ngay tại tòa án: “Con muốn ba mẹ ly hôn, con ghét ba hay đánh mẹ”. Lời của đứa bé chín tuổi ấy không thể là lời nói dối, bởi Thương Thương đã sống một tuổi thơ đầy những ám ảnh kinh hoàng: cơn say của ba và những giọt nước mắt, máu của mẹ.