Sạch quá hóa bệnh
Nước lau sàn, nước rửa kính, nước hoa xịt phòng có thể mang lại cho bạn một không gian sạch sẽ, thơm mát, nhưng đồng thời cũng có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.
Một nghiên cứu do tiến sĩ Anne C.Steinemann (Đại học Washington, Mỹ) tiến hành với 6 sản phẩm hóa chất tẩy rửa và nước hoa xịt phòng bán chạy trên thị trường Mỹ cho thấy tất cả thải ra gần 100 loại hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC), trong đó có các chất độc hại như acetone, acetaldehyde, chloromethane và 1,4 dioxane.
Đáng lo ngại hơn nữa là 5 trong số 6 sản phẩm này chứa ít nhất một chất ô nhiễm gây ung thư thuộc nhóm đặc biệt nguy hiểm, "không có ngưỡng tiếp xúc an toàn" theo đánh giá của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ EPA. Tất cả những thông tin trên đều không được ghi trên bao bì sản phẩm nên người tiêu dùng hầu như không ý thức được nguy cơ khi sử dụng hóa chất để làm vệ sinh nhà cửa.
Công trình của tiến sĩ Steinemann chỉ dừng lại ở việc chỉ ra các thành phần độc hại trong các loại hóa chất tẩy rửa và nước hoa xịt phòng mà không đề cập đến mối liên quan giữa các chất này với những vấn đề về sức khỏe của người sử dụng. Nhưng một nghiên cứu trước đó của Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Mỹ khẳng định việc tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa hoặc nước hoa xịt phòng có chứa một loại VOC tên là 1,4 dicholorobenzene có thể làm giảm 4% chức năng phổi.
Một nghiên cứu khác tiến hành ở 10 nước châu Âu cho thấy sử dụng thường xuyên các hóa chất gia dụng dạng xịt (như nước hoa xịt phòng, nước rửa kính...) có thể làm tăng từ 30% đến 50% nguy cơ bị hen.
Các nhà khoa học Anh còn cho rằng việc dùng các hóa chất này hàng ngày khiến các bà mẹ mang thai dễ bị đau đầu và trầm cảm hơn, đồng thời con của họ dễ có nguy cơ tiêu chảy, đau tai. Ngoài ra, những hậu quả lâu dài như rối loạn nội tiết, ung thư... vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Đáp lại cảnh báo của giới nghiên cứu, các công ty hóa chất gia dụng cho rằng hàm lượng các chất VOC độc hại trong sản phẩm của họ ở mức thấp và không gây hại cho người sử dụng. Các trường hợp dị ứng, hen và các vấn đề khác về sức khỏe chỉ xảy ra với một số người quá nhạy cảm. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cho rằng người tiêu dùng nên có sự cân nhắc để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Nếu có thể, nên chọn các loại chất tẩy rửa không mùi, vì một số hương liệu tổng hợp là thủ phạm chính thải ra môi trường. Khi lau nhà, cửa kính hoặc đồ nội thất nên đeo khẩu trang và mở hết cửa cho phòng thông thoáng. Lựa chọn các phương pháp tẩy rửa an toàn bằng thuốc muối, giấm cũng là một cách làm giảm nguy cơ nhiễm độc.
Theo Khoa học & Đời sống