Rượu ong đất - không bổ mà rất độc

,
Chia sẻ

Nhiều người lầm tưởng rượu ong đất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe phòng the. Tuy nhiên, ong đất nọc độc, uống vào sẽ gây hại cho gan, thận, dị ứng, mẩn ngứa... thậm chí tử vong.

Cứ khoảng tháng 10, 11, người dân các tỉnh như Điện Biên, Bắc Giang, Cao Bằng, Sơn La lại kéo nhau lên rừng săn ong đất về ngâm rượu đưa xuống dưới xuôi bán. Người ta đồn rượu ong đất "thập toàn đại bổ", chữa đủ thứ bệnh như sát trùng, đau lưng, mỏi gối, chân yếu, mắt mờ, đặc biệt trị phong tê thấp, nhức xương cốt, giải độc... và cả chứng yếu sinh lý.

Lời đồn khiến cho giá ong đất rất cao. Một tổ ong đất to bằng nửa cái thúng, được bán với giá 200.000 đến 400.000 đồng, thậm chí lên đến cả triệu. Người bán chỉ hướng dẫn truyền miệng cách ngâm tẩm, chế biến là người mua vội vã "rinh" tổ ong về để ngâm rượu, quý như đặc sản rừng núi.

Ong đất thường được bắt bằng thuốc xịt muỗi, hoặc thuốc trừ sâu, và đem đi bán dạo. Ảnh: Khoa học và Phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Niệm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần ong trung ương, ong đất (còn gọi là ong bắp cày, thổ phong, mã phong) hay làm tổ dưới đất, hoặc trong thân cây mục. Nọc ong đất độc, người khỏe cũng không chịu nổi 5 con đốt cùng lúc. Một con trâu trưởng thành cũng chỉ chịu được khoảng 20 vết đốt.

Theo lời một thợ săn ong lâu năm ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La, phương pháp săn ong cổ truyền làm chết nhiều ong, thân khô, khó bán, nên giờ thợ ong dùng bình xịt muỗi, thuốc trừ sâu để bắt. Khi xịt xong, ong say lả tả, thợ săn chỉ có việc bốc cả tổ bỏ vào túi lưới. Khi ong tỉnh lại, chúng bò lổm ngổm quanh tổ, rất bắt mắt người mua.

Cái họa của phương pháp săn ong này là người uống phải lĩnh hậu quả, vì thuốc xịt côn trùng, thuốc sâu ngấm vào con ong, thôi ra rượu gây ngộ độc. Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từng cấp cứu một bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm tính mạng do uống rượu ong đất mới ngâm hơn một năm, với triệu chứng ngứa, sưng nề môi, kèm theo đau bụng, nôn mửa, vã mồ hôi.

Người dân đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc thường ngâm rượu khi ong đất đã phơi khô, sấy, đốt tồn tính, tán bột và chỉ uống rượu khi đã hạ thổ ít nhất 100 ngày. Hoặc ngâm rượu với mật ong non, hạ thổ 100 ngày mới uống, chứ không vừa ngâm đã uống như nhiều hàng quán hiện nay.

Theo ông Phùng Hữu Chính, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển ong, đồng bào dân tộc hay lấy ấu trùng và cả ong trưởng thành ngâm rượu làm thuốc tăng lực, trị đau lưng, mỏi lưng, đau đầu. Tuy nhiên, giống ong này rất độc, nọc độc của nó thôi ra rượu dễ gây ngộ độc. Đó là chưa kể một số người còn dùng cả cồn Trung Quốc ngâm rượu ong đất để hạ giá thành, rất nguy hiểm cho sức khỏe người uống.

Ông Chính cho biết thêm, rượu ong đất tại đa số quán ăn, nhà hàng hiện nay đều ngâm tẩm theo kinh nghiệm dân gian. Chưa có công ty nào sản xuất loại rượu này bởi chưa có thương hiệu và cơ sở nghiên cứu khoa học.

Ông Nguyễn Văn Niệm thì cho rằng, từ trước tới nay chưa có ai đi sâu nghiên cứu, phân tích các thành phần hóa lý, tác dụng dược lý của rượu ong đất. Tác dụng của nó chỉ toàn theo kinh nghiệm dân gian.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định: "Rượu ong đất không bổ béo, không tác dụng như lời đồn. Người dân thường hiếu kỳ sử dụng rồi mua và truyền nhau. Như bò cạp chẳng hạn, độc thế mà nhiều người cứ khoái khẩu là ăn cho biết".

Bác sĩ cũng khuyên mọi người không nên dùng rượu ong đất vì ong đất nọc quá độc, uống vào sẽ gây hại cho gan, thận, dị ứng, mẩn ngứa... Theo ông, trong dân gian thường ngâm các con ong trưởng thành hoặc ngâm cùng với ấu trùng và nhộng của chúng (ong mật, ong bò vẽ, ong đất) trong rượu trắng để làm rượu thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Một số nơi còn xào nhộng ong đất để ăn, nhưng họ đều phải bỏ ruột, mật, đầu, cánh, chân chứ không phải xào lung tung mà ăn được. Loại nhộng để ăn cũng là loại nhỏ tí, chứ chưa ai ăn con ong trưởng thành.

Theo Gia đình Xã hội
Chia sẻ